Tình yêu môn Văn nhìn từ khía cạnh người thầy

(Dân trí) - Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, ngành Giáo dục đã và đang từng bước hội nhập, đổi mới để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Trong bối cảnh ấy, bộ môn Ngữ văn cũng đang thực hiện đổi mới giảng dạy theo chuẩn kiến thức; giảm tải sách giáo khoa; đổi mới cách đánh giá và ra đề kiểm tra; thực hiện lồng ghép các kỹ năng...

Những đổi mới đó đã và đang tạo nên sự chuyển biến về chất lượng bộ môn trong nhà trường. Nhưng, thực tế chúng ta vẫn chưa đạt được một kết quả giảng dạy như mong muốn. Những bài làm văn của học sinh đạt điểm cao đúng nghĩa không nhiều nếu như không muốn nói là rất hiếm. Một bộ phận học sinh cũng không thích thú với môn Văn. Chỉ học một cách chiếu lệ khi đến kì thi học kì, thi tốt nghiệp... Đặc biệt, một bộ phận thầy cô chạy theo thành tích cá nhân, chưa chú trọng đến chất lượng giảng dạy thật, chưa hướng người học đến đặc trưng cơ bản của môn học.

Với nhiệm vụ là tổ trưởng Ngữ văn của một trường phổ thông, hàng năm có 3 lần tôi phải đảm nhận nhiệm vụ thống kê điểm thi để báo cáo lên ban giám hiệu nhà trường. Đó là: thi khảo sát đầu năm; thi chất lượng học kỳ I và thi chất lượng học kỳ II. Mỗi khi nộp thống kê lên cấp trên là lòng tôi lại suy nghĩ rất nhiều. Những giáo viên có chuyên môn tốt, có phương pháp giảng dạy hay thì điểm trung bình môn học bao giờ cũng thấp. Ngược lại, những giáo viên hạn chế về chuyên môn lại có tỉ lệ điểm cao chót vót. Bộ GD-ĐT đã phát động “hai không” nhiều năm nhưng hình như “bệnh thành tích” không hề giảm với một bộ phận giáo viên ngày nay - những người luôn coi trọng thành tích của mình mà bất chấp tất cả.

Dư luận sẽ đặt câu hỏi: tại sao cũng là những em học sinh ấy mà khi xếp loại học lực của trường là học sinh giỏi, học sinh khá với những điểm số rất cao nhưng khi bước vào các kì thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp hay thi học sinh giỏi lại cứ lẹt đẹt vài con điểm dưới trung bình.

Là học sinh, em nào cũng thích điểm cao, được tổng kết loại giỏi, loại khá. Là giáo viên ai cũng mong học trò mình tiến bộ, học giỏi, có được kết quả giảng dạy cao. Hướng tới chất lượng giáo dục cao, đó không phải là niềm trăn trở của thầy cô dạy lớp mà là niềm trăn trở của toàn xã hội. Song, cái xã hội cần hiện nay không phải là thành tích ảo mà là chất lượng thật, là sản phẩm có đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của xã hội hay không. Đó mới là điều xã hội cần, xã hội mong muốn.

Theo hướng dẫn về cách ra đề hiện nay ở các trường phổ thông đối với môn Văn thì có hai hình thức là tự luận và kết hợp tự luận với trắc nghiệm khách quan. Đối với những bài từ 1 tiết trở xuống thì chỉ ra ở mức vận dụng thấp nên cũng chỉ hướng học sinh viết đoạn văn, tóm tắt văn bản, chép thơ và nêu nội dung chính của đoạn, bài mà thôi. Đối với các kì kiểm tra học kì thì chỉ những lớp cuối cấp thì Phòng, Sở mới ra đề, các lớp còn lại phần lớn là do trường ra đề. Chính từ yếu tố Trường ra đề nên nhiều giáo viên chỉ sợ lớp mình đảm nhận có chất lượng thi thấp hơn lớp khác nên ôn đề rất “sát”. Bởi khi thống nhất ra đề cương thì các tổ viên trong Tổ thảo luận với nhau nên giới hạn ở phần nào, và ra đề ở đâu. Rồi khi ra đề xong thì tổ chuyên môn lại thảo luận xem đúng kiến thức, ma trận chưa? Nên dẫn đến khi ôn tập học kì trên lớp, giáo viên gần như đã giải đề trước cho học sinh. Chính vì thế mà đa số học sinh ôn và học theo dạng học thuộc lòng rồi đến ngày thi trả bài lại cho thầy cô với nhiều bài na ná nhau. Bài viết không có tính sáng tạo, thiếu chất Văn…

Chúng ta đều biết, trong các môn học ở trường phổ thông thi môn Ngữ văn là một môn mang đặc thù riêng, bài viết của các em trình bày không chỉ đúng nội dung kiến thức mà còn đòi hỏi ở cách diễn đạt, đúng về ngữ pháp, chính tả, bài viết phải có bố cục rõ ràng và sạch đẹp. Chính vì vậy, những thầy cô vững kiến thức rất ít cho học sinh điểm văn 9, 10. Bởi có nhiều yêu cầu rất khắt khe. Tiếc thay, nhiều giáo viên làm điều ngược lại, loạn điểm giỏi. Nhưng trong các bài đã được chấm thì không hề thấy giáo viên sửa chữa những lỗi sai sót của học trò (mặc dù bài viết sai nhiều lỗi). Nhiều lần kiểm tra chuyên đề giáo viên trong tổ khiến tôi phải ngỡ ngàng khi có lớp làm bài kiểm tra định kì có tới 16/29 bài của học sinh đạt điểm giỏi. Trong khi trường chúng tôi không phải là trường chuyên, trường điểm của Phòng, Sở. Còn ngạc nhiên hơn có giáo viên khi tổng kết điểm trung bình môn cuối năm có đến 51% xếp loại giỏi, chỉ có vài em xếp học lực trung bình. Những điểm số “trên trời” đang giết đi sự trung thực trong thi cử và đánh giá của giáo viên đối với học sinh. Với cách giảng dạy và đánh giá như vậy đã vô tình đang làm giảm đi nhiệt huyết của người học.

Trong bất kỳ ngành nghề nào sự giả dối cũng cần được lên án, nhất là ngành giáo dục nơi đào tạo ra nguồn nhân lực cho xã hội. Nhiều giáo viên đang chạy theo thành tích bởi một lẽ đơn giản nếu thành tích thật yếu kém nhiều thì cũng đồng nghĩa sẽ bị ban giám hiệu nhắc nhở và mọi thi đua cá nhân sẽ bị cắt hết. Bởi một thực tế là mỗi khi đánh giá giáo viên họ cứ nhìn vào tỉ lệ điểm của học sinh chứ đâu biết giáo viên đó dạy và kiểm tra như thế nào. Người làm thật, có tâm với nghề thì phần lớn học sinh ngán ngại và những danh hiệu thi đua luôn xa rời tầm với. Nghĩ buồn thay…

Nguyễn Cao

 

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!