“Bây giờ học Văn khổ lắm”

(Dân trí) - Con trai tôi kể: “Bây giờ học Văn khổ lắm mẹ ạ. Cô bảo năm nay thi chuyển cấp, thi 2 môn Văn Toán, điểm mỗi môn ít nhất phải 8 thì mới vào được “trường ngon”. 8 Toán thì dễ chứ 8 Văn thì khó. Chỉ còn cách học thuộc lòng thôi”. Tuyên bố của cô giáo con khiến tôi choáng váng. Học thuộc lòng Văn ư?

Nhưng dù tôi có choáng váng bao nhiêu, ngầm phản đối bao nhiêu thì việc học thuộc lòng môn Văn vẫn đang diễn ra. Hàng ngàn đứa trẻ đang bị nhồi nhét học ngày đêm để cuối năm học lớp 9 vượt qua được kì thi vào lớp 10 THPT khốc liệt còn hơn thi đại học. Để lọt được vào bên trong một cánh cổng trường THPT công lập, những học sinh lớp 9 đang “vật vã” với môn Văn.

Học thoải mái ư? Thi sao được! Từ lớp 3 đến lớp 8 học viết bài văn hoàn chỉnh với bố cục 3 phần (mở bài, thân bài, kết bài) thì tự dưng lớp 9 xoay ra tập viết đoạn văn. Đề yêu cầu thế! Đề cũng không hỏi một tác phẩm hoàn chỉnh, mà chỉ yêu cầu phân tích một khổ thơ xinh xinh, một chi tiết nho nhỏ. Thế thì mỗi khổ thơ, mỗi chi tiết như thế sẽ cần 10 đến 12 câu trong một đoạn văn phân tích cho bằng hết từ nội dung đến nghệ thuật.

Chẳng còn cần đến bài văn với bố cục chặt chẽ, câu văn có liên kết, sự sắp xếp ý thông minh và khoa học làm gì nữa! Cũng chẳng cần cách diễn đạt sao cho khéo léo, mềm mại, toát lên được vẻ đẹp tâm hồn của người viết! Chỉ cần thuộc một đoạn văn phân tích sẵn, trong đó có đủ các biện pháp nghệ thuật, các phẩm chất nhân vật hoặc các ý tứ, hình ảnh thơ sát với đáp án đã được ai đó viết ra, là đủ!

Đâu cần rung động, đâu cần cảm xúc nữa! Đề thi thì cứ yêu cầu viết đoạn văn khuôn mẫu, bao năm nay chẳng thay đổi. Thi gì học nấy mà ! Học sinh buộc phải học như vậy ở năm lớp 9 để đối phó với kì thi. Giáo viên cũng buộc phải dạy như vậy để có thành tích báo cáo sau kì thi. Và thế là cuộc đua học thuộc lòng bắt đầu….

Mỗi học sinh sẽ nhận được một cuốn sách ôn tất cả các tác phẩm có thể thi đến, các vấn đề có thể hỏi đến trong chương trình môn Ngữ văn lớp 9. Mỗi tuần cô giáo sẽ đặt ra những yêu cầu phải thuộc trang nào, bài nào của cuốn sách ấy.

Bên cạnh đó, còn phải làm bài tập trả lời những câu hỏi lắt léo khai thác từng từ ngữ, từng câu thơ câu văn trong mỗi tác phẩm. Nếu cô giáo kiểm tra mà đọc sai, viết sai thì nhất định phải học lại, viết lại cho kì thuộc mới thôi.

Nhiều biện pháp được đưa ra để phạt nếu học sinh không thuộc bài như chép phạt, ngồi ngoài hành lang học (hành lang không có điều hòa mát lạnh như trong lớp) cho đến khi thuộc mới được vào. Vậy là học sinh bỏ qua hầu hết Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa… chỉ để học thuộc lòng Văn và luyện hàng trăm bài tập Toán, cốt chỉ để phục vụ một kì thi. Và thi xong thì tất cả bị quên sạch, chẳng đọng lại chút kiến thức hay kĩ năng nào trong đầu các em vì có phải tự làm đâu mà nhớ, toàn thứ đi mượn ngắn hạn thôi mà. Than ôi!

Tôi không phản đối việc học ôn những ý quan trọng của một tác phẩm văn học. Cần phải nhớ những ý cơ bản ấy để có dàn ý làm nền cho một bài viết. Điều tôi rất không đồng tình là việc học theo một đoạn văn mẫu, một bài văn mẫu có sẵn.

Học sinh chán nản và khổ sở với môn Văn chính là vì điều này. Tại sao không để các em tự viết? Tại sao gọi là tập làm văn, tập nêu lên ý kiến, quan điểm của mình mà phải dập khuôn, nhại lại bài của người khác? Và giáo viên có vui không khi chấm cả trăm bài giống hệt nhau, không sai cả đến một dấu chấm, dấu phẩy?

Khi việc thuộc lòng đã thành một thói quen thì nếu gặp một đề bài đòi hỏi sự sáng tạo học sinh sẽ xử trí thế nào? Mà theo tôi được biết thì các vấn đề nghị luận xã hội đòi hỏi sáng tạo ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các đề bài làm văn ở cấp THPT - bậc học tiếp theo ngay sau khi các em rời khỏi lớp 9.

Thực tế là rất nhiều học sinh đang gặp khủng hoảng trong việc học môn Văn, từ đó dẫn đến chán môn Văn. Các em có thể vẫn say mê đọc sách truyện, vẫn thốt lên những câu thật hay khi có điều gì làm các em rung động, vẫn viết được đoạn văn bài văn đầy cảm xúc khi được viết một cách tự do.

Tại sao những cảm xúc trong trẻo hồn nhiên ấy không được môn Văn trong nhà trường tiếp sức để trở thành những hành trang đáng giá trong cả cuộc đời dài sau này? Sự rập khuôn máy móc có phải đang biến các em thành những người luôn sợ sệt làm sai, làm hỏng, sợ không đúng ý người chấm bài bây giờ và sau này luôn sợ làm trái ý người khác, trái ý cấp trên để rồi chẳng bao giờ có một ý kiến gì?

Thật buồn cho môn Văn! Và buồn hơn nữa cho cách học sinh ngày nay học Văn! Tâm hồn những học trò bé bỏng đang ngày càng trở nên nghèo nàn đi, thực dụng hơn, méo mó và cằn cỗi hơn vì sự “biến chất” của môn Văn.

Việc học thuộc, học vẹt đang làm chết dần sự sáng tạo, óc tưởng tượng, tâm hồn lãng mạn bay bổng vốn là bản năng của những đứa trẻ bắt đầu bước vào con đường học tập, khám phá thế giới. Sự thụ động, sự bắt chước trong học Văn để lại những hậu quả không nhỏ. Có học sinh đã phải thốt lên cay đắng : “Em từng rất yêu và say mê học Văn, nhưng từ khi học ôn thi lớp 9 thì môn Văn trở thành ác mộng”. Đáng thương thay!

Để môn Văn trở lại với vị thế môn học làm người vốn có, thiết nghĩ ngành giáo dục cần loại bỏ ngay bệnh thành tích đang hủy hoại âm thầm những khát khao, những rung động đáng trân trọng trong mỗi tâm hồn học sinh.

Việc kiểm tra đánh giá phải làm sao khơi lên được phần nhân bản trong mỗi con người, phải kích thích được học sinh tìm tòi, khám phá, phát hiện chứ không phải tạo ra những thí sinh chỉ biết thuộc lòng, thi xong là quên. Ý nghĩa của môn Văn cần phải là khiến cho học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống. Điều đó khó biết bao mà cũng cao quý biết bao!

Trâm Ngọc

(Hà Nội)

 

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!