Hãy hướng tới vai trò đích thực của môn Văn

(Dân trí) - Cùng với môn Sử, môn Ngữ văn trong các trường phổ thông đang bị học sinh xem thường. Vai trò và vị thế môn Ngữ văn đang ngày bị mai một dần. Vì sao môn học hướng các em tới “chân, thiện, mĩ” mà lại bị học sinh và phụ huynh hững hờ đối phó?

Dạy Văn trong trường phổ thông khác với nhiều môn học khác bởi đây là một môn học thiên nhiều về tình cảm, về tình người. Qua mỗi tiết dạy Văn, người thầy có thể khơi gợi, dẫn dắt các em hướng tới những giá trị cao đẹp của cuộc sống. Chính vì vậy, mỗi người thầy dạy Văn cần nắm rõ thiên chức của mình để hướng các em lĩnh hội được những cái hay, cái đẹp của văn chương. Từ đó, giáo dục các em về ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Là giáo viên đã nhiều năm đứng lớp dạy nhiều thế hệ học trò và có nhiều học sinh giỏi ở các cấp, bản thân tôi nhiều lúc cũng trăn trở trước tình yêu văn học của học trò của mình. Có phải các em không còn yêu và thích môn Văn hay chính người thầy chúng ta chưa khéo léo dẫn dắt các em vào được thế giới văn chương bằng những lời lẽ, bằng những hình ảnh sống động và cả sức lay động tâm can của học trò? Một bộ phận học sinh không thích học Văn - đó là điều mà bản thân tôi không bàn cãi nhưng vẫn còn đó rất nhiều em ham thích môn học, rất nhiều em vẫn say sưa đi tìm những lời giải cho biết bao thân phận nhân vật trong những tác phẩm văn học xưa và nay. Vẫn còn đó nhiều em luôn thể hiện những cảm xúc “hỉ, nộ, ái, ố” trên khuôn mặt khi nghe những bài giảng của thầy cô...

Có một thực tế là nhiều giáo viên giảng văn chủ quan bởi có chừng ấy kiến thức mà giảng đi giảng lại từ năm này qua năm khác nên ít có sự đầu tư, tìm tòi, khám phá mới, cứ đi theo một lối mòn sáo rỗng, những tiết lên lớp cứ thao thao giảng đi giảng lại một phương pháp nhàm chán và tạo nhiều áp lực cho học trò. Kiến thức bài học nhiều, số tiết học trên một tuần của môn Văn thường từ 3-5 tiết, những áp lực vô hình ấy tạo cho các em một cảm giác sợ sệt và chán nản khi học Văn.

Thầy cô giáo cũng còn rất nhiều công việc khác ngoài dạy lớp nên không tránh khỏi những tiết học chuẩn bị chưa tốt khi lên lớp. Những tiết học ấy ta thấy nó rời rạc, chắp vá, ta thấy học sinh thở dài, buồn ngủ…. Những tiết học như vậy lỗi thuộc về người thầy nhưng thầy thấy trò không chú ý mà nổi nóng và chán nản thì tất sẽ tạo nên một tiền đề xấu, một sự ác cảm đối với môn học do mình phụ trách.

Tôi cho rằng, thầy cô hãy trút hết những muộn phiền trên khuôn mặt, hãy từ bỏ những nghĩ suy riêng tư, những trăn trở của bản thân người thầy để ta lên lớp bằng cả tình thương và trách nhiệm. Khi ấy, chỉ có ta và các em hòa trong một thế giới văn chương với những buồn vui, mừng tủi của nhân vật … Ta cứ dạy các em bằng tất cả tình yêu văn chương và thổi hồn vào trong tác phẩm, thì tiết học đó không có em nào ngủ gật, không có em nào nói chuyện và chắc rằng học sinh sẽ cảm mến thầy, sẽ yêu văn chương như chính lời người thầy đang giảng. Bài thơ “Đôi lời tâm sự” của nhà thơ, nhà giáo Bàng Bá Lân cho ta thấy một trách nhiệm nhưng đồng thời cũng là một vinh dự của người dạy Văn: “...Nhiệm vụ ta đâu có nhẹ nhàng/ Dẫn em vào các nẻo văn chương/ Người yêu tiếng mẹ là yêu nước/ Tiếng mẹ hiền, ôi, rất dịu dàng...”. Tiếng Việt mình đẹp lắm, giàu lắm nhưng đẹp và giàu như thế nào là cả một kì công của người thầy khi chỉ ra cho các em thấy. Tại sao khi Nguyễn Du miêu tả Mã Giám Sinh lại dùng từ “tót”, miêu tả Tú Bà lại dùng từ “nhờn nhợt màu da”, miêu tả Sở Khanh lại dụng từ “lẻn vào” và miêu tả Hồ Tôn Hiến lại dùng từ “ngây vì tình”…

Văn chương là nghệ thuật, văn chương là chuyện của lòng người, vậy chúng ta - những người thầy hãy đi tìm “chất người” trong văn chương để hướng các em tới cái đẹp cái cao cả của cuộc sống.

Từ năm học 2014-2015,  Bộ Giáo dục đã chọn môn Văn là một trong 3 môn thi bắt buộc trong kì thi THPT quốc gia là một tín hiệu tích cực để đưa vị thế môn học trở lại với giá trị đích thực của nó. Hy vọng từ cú hích này sẽ tạo nên một sự tích cực cho người dạy Văn và học Văn thêm yêu hơn, có trách nhiệm hơn với môn học để từ đó phát huy thế mạnh vốn có của môn học. Từ đó có thể định hình nên những con người  sống có nghĩa tình sau trước, biết dừng lại trước cái ác, cái xấu để hướng tới cái đẹp vốn có của văn chương, của con người Việt Nam ngàn năm văn hiến. Và môn Văn chỉ trở lại đúng vai trò của nó khi cả thầy và trò cùng cầu thị để tiếp cận.

Nguyễn Văn Khánh

(Châu Thành, An Giang)

 

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!