Bạn đọc viết:

Chấm bài văn của học sinh: Cần lắm một chữ “Tâm”

(Dân trí) - Lâu nay chữ “Tâm” của người thầy được bàn luận khá nhiều. “Tâm” là tấm lòng đặt vào công việc. Người thầy với sứ mệnh “trồng người” cao cả cần lắm những tấm lòng đối với các thế hệ học trò - những chủ nhân tương lai của đất nước. Trong khuôn khổ bài viết của mình, tôi muốn đề cập đến ý thức, trách nhiệm của người giáo viên dạy văn khi đánh giá bài làm tập làm văn của học sinh.

Một thực tế không hiếm gặp hiện nay là việc giáo viên chấm bài học sinh khá sơ sài. Mỗi trang bài làm của các em thường có ô điểm và lời phê. Ô điểm khiêm tốn còn diện tích lời phê thì thênh thang. Nhưng đôi khi chúng ta bắt gặp những lời phê cực ngắn, gọn, không thể súc tích hơn: “Được”, “Tạm”, “Khá”, “Sơ sài”… Nhận con điểm vô hồn và dòng phê “kiệm lời” như thế, học sinh đâu thể biết cái được, cái mất, điểm ưu, điểm khuyết trong bài làm của mình để khắc phục nhược điểm, xây dựng một động lực phấn đấu trong những bài viết sau. Một chút hững hờ của cô giáo, bao học trò đã dần hờ hững với môn học.

Đó là còn chưa kể một thực trạng đáng báo động của số ít cô giáo vô tâm chấm bài theo kiểu “nhìn mặt mà bắt hình dong” và “đo gang đếm chữ cho điểm”. Một cô bé viết văn khá, chữ viết đẹp luôn được ấn định với các điểm số 7, 8. Một cậu bé thường làm bài ngắn gọn, văn viết khô khan sẽ nhận điểm 5, 6 của cô. Trải bài viết trước mặt, mắt lơ đãng nhìn, cầm bút đỏ quẹt vài gạch, và cứ thế “gieo” điểm. Cần nhớ rằng, cô bé khá văn đó có thể đã sơ sẩy đôi lần làm bài lạc đề hay có những lỗi diễn đạt cần sửa; cậu bé viết văn bình thường đó thỉnh thoảng có sự bứt phá trong một đề bài nào đó khơi dậy đúng sự quan tâm và niềm hứng thú. Nhưng cách cho điểm của cô vô tình bào mòn sự phấn đấu và chặn đứng sự tiến bộ của học sinh.

Chấm văn khác xa nhiều lắm so với các môn Toán, Lí, Hóa, Anh… Bởi đặc trưng của văn học là sự cảm thụ, là cách diễn đạt bằng ngôn từ. Trong khi các môn học khác có một đáp án rõ ràng với thang điểm cụ thể thì đáp án môn văn luôn tạo ra một khoảng trống để khơi gợi sức sáng tạo của người viết. Khoảng trống đó đòi hỏi người giáo viên phải có một sự tập trung cao độ đọc, cảm thụ bài viết của các em. Chỉ một chút hời hợt, phân tâm, giáo viên có thể chấm những điểm số không chính xác.

Tôi còn nhớ mãi khoảng cách xa vời giữa hai điểm số chấm chung cho một bài làm. Đó là bài thi khảo sát đầu năm lớp 6. Một cô giáo chấm 9,25 điểm với lời khen thầm cho cô bé đầu cấp. Cô giáo thứ hai chấm 5,5 cho bài viết đó. Đến khi hòa điểm thì thật sự giật mình. Khoảng cách 3,75 là một con số không nhỏ. Điều gì tạo nên khoảng cách đó? Sự cảm thụ khác nhau? Sự chuyên tâm khác nhau? Hay yêu cầu của mỗi giáo viên khác nhau?... Thầy tổ trưởng phải đứng ra phân xử, chấm lại, và 8,75 là điểm số mà người thầy giáo giàu kinh nghiệm ấy đã cho. Nếu chốt ở 5,5 điểm, chúng ta không chỉ đánh giá sai lầm về sức học của một học sinh. Mà quan trọng hơn, mất chừng ấy điểm, cô bé ấy sẽ mất cơ hội vào lớp chọn và có thể sẽ mất nhiều bước tiến quan trong khác nữa.

Hay sự việc diễn ra ở hội đồng chấm thi tuyển sinh vào trường chuyên của tỉnh. Bao giờ tổ chấm cũng tổ chức chấm chung để rút kinh nghiệm. Mỗi giáo viên nhận một bài chấm cá nhân rồi đọc bài làm đó lên, nhận xét, cho điểm và cả tổ cùng bàn luận. Một cô giáo chấm 2,5 điểm trên thang điểm 6 cho một bài viết. Sau một hồi thảo luận, tổ chấm thống nhất nâng điểm 4 cho bài làm đảm bảo khá tốt các yêu cầu về nội dung, bố cục, cách hành văn, trình bày. Vậy đó, độ chênh của bài viết là 1,5 điểm. Thi chọn vào trường chuyên cạnh tranh nhau khốc liệt từng 0,25 điểm. Vậy mà có thí sinh suýt tuột mất đến 1,5 điểm đồng nghĩa với cơ hội vào trường thu hẹp lại.

Đã từng là một học sinh, tôi cảm ơn rất nhiều những thầy giáo, cô giáo dạy văn đã “soi” thật kĩ bài làm của mình. Những dấu mực đỏ gạch chân, những ghi chú bên lề giấy và cả lời phê tỉ mỉ, cần mẫn đã cho tôi những niềm vui, sự hụt hẫng đáng giá. Giờ đây, tình cờ bắt gặp một bài văn nào đó dày đặc lời nhận xét của thầy cô dành cho con trẻ, tôi mững rỡ, ngấu nghiến đọc và bỗng nhen nhóm lên niềm vui nho nhỏ. Và trong túi hành trang gõ đầu trẻ của mình, tôi luôn cố gắng sắp xếp một góc nhỏ cho chữ “Tâm”…

Thanh Ny

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm