Nhân Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10:
Những câu chuyện khuyến học đầy nhân văn ở một ngôi trường tiểu học
(Dân trí) - Không chỉ quan tâm giúp học trò vượt khó, mà đáng quý hơn, nhà trường còn tìm cách giúp học trò sao cho tế nhị, chu toàn, đầy tính nhân văn. Đó là cách làm công tác khuyến học ở Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu, Đà Nẵng).
Mẹ của em V., học sinh Trường Tiểu học Trần Văn ơn (Đà Nẵng) đã nhiều lần rớt nước mắt khi đến trường nhận suất học bổng bảo trợ hàng tháng 500 nghìn đồng của tập thể giáo viên nhà trường góp gia đình. Số tiền có thể không lớn, nhưng với hoàn cảnh của em V. (bố mẹ thường xuyên ốm đau, gia đình lại đông con), tấm lòng của các giáo viên trong trường đã giúp gia đình em vượt qua những lúc ngặt nghèo, chưa bao giờ nghĩ tới việc phải cho các con nghỉ học giữa chừng.
Năm học 2014 - 2015 vừa qua, tập thể giáo viên nhà trường bảo trợ cho 4 học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ 500 nghìn đồng mỗi tháng hoặc 1 triệu đồng mỗi năm học tùy từng hoàn cảnh học sinh. Việc tìm hiểu hoàn cảnh và bảo trợ học sinh nghèo vượt khó đã được các thầy cô giáo trong trường duy trì từ nhiều năm nay. Đầu năm học mới, nhà trường cũng trao nhiều suất học bổng đến các học sinh có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ gia đình các em đỡ phần nào những khoản chi lo cho con em đi học.
Điều đáng quý, là phụ huynh những học sinh có hoàn cảnh khó khăn ấy đều được nhà trường gọi riêng từng người đến nhận học bổng khuyến học của giáo viên nhà trường hay các nhà hảo tâm góp tặng.
“Ban Giám hiệu nhà trường mời riêng các em và phụ huynh vào phòng hội đồng nhận học bổng, không tổ chức gọi tên trao học bổng dưới cờ, sợ các em mặc cảm, tủi thân” - thầy Đặng Nhứt - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. “Vì thầy cô đã quan tâm tới hoàn cảnh của gia đình, mà còn có cái tình trong cách giúp đỡ như rứa, gia đình chúng tôi cảm động vô cùng” - mẹ của em học sinh V. nói trên trải lòng cảm kích.
Ngoài các suất học bổng bảo trợ học sinh nghèo trong trường vượt khó, nhà trường còn tổ chức cho các em học sinh cùng các thầy cô giáo đến trao quà cho các bạn cùng trang lứa có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu vùng xa như các chuyến đi thăm và tặng quà đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Trường Tiểu học Hòa Phú (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) hay ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam); thăm các gia đình có con em là nạn nhân chất độc da cam...
“Chúng tôi muốn qua các chuyến đi thiện nguyện cùng các thầy cô giáo trong nhà trường, các em học sinh của trường được đến tận nơi, hiểu được nhiều bạn học cùng trang lứa có hoàn cảnh khó khăn như thế nào, và đã vượt khó như thế nào để đến được trường học mỗi ngày. Chúng tôi muốn học trò mình sống nhân ái, biết quan tâm đến mọi người xung quanh, biết sẻ chia từ thực tế cuộc sống xung quanh” - thầy Hiệu trưởng chia sẻ.
Không chỉ quan tâm giúp đỡ những học trò trong trường có hoàn cảnh khó khăn bớt chông chênh trên con đường đến trường một cách tế nhị, đầy tính nhân văn, nhà trường còn khéo léo giáo dục học trò lối sống nhân văn, tinh thần tương thân tương ái một cách hiệu quả từ những việc làm thiết thực, từ chính thực tế cuộc sống.
“Mỗi món quà trao đi sẽ đọng lại trong các em lòng nhân ái, các em nhận thức được rằng chia sẻ với nhau là điều hiển nhiên, là “làm điều lành tránh điều dữ” cho người khác. Tính nhân văn là cái gốc của mọi vấn đề, tạo thói quen, tạo nếp sống văn minh. Tôi thấy rằng không có giáo dục nào tốt nhất bằng cảm hóa và làm gương” - câu nói của thầy Hiệu trưởng Đặng Nhứt cũng chính là những cảm nhận đọng lại trong chúng tôi về những câu chuyện khuyến học của Trường Tiểu học Trần Văn Ơn.
Khánh Hiền
(khanhhien@dantri.com.vn)