Cảm động tấm lòng “ông nuôi” của học trò Đan Lai

(Dân trí) - Từ khi chưa được cấp “chế độ”, ông La Thanh Văn cùng vợ đã nhường nhà, nhường cơm cho học trò Đan Lai (huyện Con Cuông, Nghệ An) để các em theo học con chữ. 15 năm sau, ông vẫn miệt mài với nhiệm vụ “làm no cái bụng” để con em đồng bào Đan Lai có thể bám trụ với việc học hành.

Nếu không tận mắt chứng kiến, tôi khó mà hình dung nổi người đàn ông thấp đậm, da đen bóng kia lại là người phụ trách cơm nước cho hơn 50 em học trò người dân tộc Đan Lai ở Trường THCS Môn Sơn (huyện Con Cuông, Nghệ An). Năm nay cũng gần 60 tuổi, ông La Thanh Văn đã có 16 năm đảm trách nhiệm vụ lo cơm, nước cho học trò Đan Lai. Ông Văn bảo, có tuổi rồi, nhiều lúc cũng muốn xin nghỉ vì một mình không thể nhắc nồi cơm cả yến gạo trên bếp xuống nữa. Đã có lần nhà trường cho ông nghỉ nhưng người mới nấu không hợp khẩu vị, lũ trẻ không chịu ăn rồi đòi về, không đi học nữa. Thương thầy cô, thương học trò, ông lại ra, lại tính toán bữa cơm với những thịt, cá, rau đậu...


Một mình ông La Thanh Văn lo cho 55 em học sinh nội trú ngày 3 bữa cơm.

Một mình ông La Thanh Văn lo cho 55 em học sinh nội trú ngày 3 bữa cơm.

Trường THCS Môn Sơn có 88 học sinh là người Đan Lai. Trong đó có 55 em tập trung ở các bản Cò Phạt, Khe Búng, bản Cồn…, cách trung tâm xã hơn 30 cây số đường đèo dốc. Hết tiểu học, muốn học lên cao, các em phải ra trung tâm xã ở trọ. Cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, lại không có người chăm sóc, bảo ban, nhiều em bỏ học về bản theo bố mẹ lên rẫy, con chữ vì thế cũng rơi rụng dần.


Ông La Thanh Văn đã có 16 năm nấu cơm cho học trò Đan Lai.

Ông La Thanh Văn đã có 16 năm nấu cơm cho học trò Đan Lai.

“Khoảng năm 2005-2006 chi đó, cũng vào dịp năm học mới, phải đến hơn chục đứa trẻ Đan Lai ra xã trọ học. Hồi đó trường chưa có khu nội trú như bây giờ, bọn trẻ phải dựng lều hoặc ở nhờ vào các nhà dân. Mà trẻ con Đai Lai có cái lạ là không chịu ở riêng, cứ đi đâu là cả đoàn kéo nhau đi cùng. Bố mẹ chưa kịp dựng lều, cũng chưa tìm được nhà ai để thuê, tội quá, tôi bảo chúng nó về nhà tôi. Hơn chục đứa trẻ, đêm cứ như sắp cá mòi mới đủ chỗ ngủ”, ông La Thanh Văn nhớ lại.

Việc cơm nước phải hoàn thành trước khi các cháu tan lớp.
Việc cơm nước phải hoàn thành trước khi các cháu tan lớp.

Cái sự ở không khổ bằng cái ăn. Ở bản, chúng cần nắm cơm, vắt xôi là qua bữa nhưng đi học, ăn qua quít vậy sợ không theo nổi. Bố mẹ cũng chẳng có nhiều gạo mà gửi cho con, ông bà lại đứng ra lo liệu. Có những khi đích thân ông phải đi vay gạo về nấu cho các cháu ăn. Thức ăn cũng chẳng có gì ngoài canh rau lõng bõng và con cá mắm kho mặn. Nhờ tình thương và những bữa cơm của vợ chồng ông, nhiều học trò Đan Lai mới theo học hết chương trình cấp 2 để học lên nữa.

Đến năm 2009, nhà nội trú Trường THCS Môn Sơn được xây dựng, ông Văn được hợp đồng làm bảo vệ, kiêm lo cơm nước, quản lý số học trò người Đan Lai nội trú. Theo quy định, mỗi học sinh bán trú được hỗ trợ 15 kg gạo/tháng, 460.000 đồng tiền ăn. Ông Văn phải chia nhỏ số gạo, tiền đó trong 30 ngày, mỗi ngày đủ ba bữa. Bữa sáng chủ yếu là mì tôm, trưa tối phải cơm canh đàng hoàng.

Nhờ có sự quan tâm của các thầy cô giáo, từng bữa cơm nóng sốt của ông nuôi, các em học trò Đan Lai yên tâm bám trường, bám lớp.
Nhờ có sự quan tâm của các thầy cô giáo, từng bữa cơm nóng sốt của "ông nuôi", các em học trò Đan Lai yên tâm bám trường, bám lớp.

Ông Văn bảo lòng tự trọng của người Đai Lai cao lắm, trẻ con Đai Lai ít va chạm nên sống như cây trong rừng. “Chiều chúng cũng không phải dễ đâu. Nấu không vừa ý thì chúng nhất định không đụng đũa, bữa cơm nhất thiết phải có canh. Các cháu đi học về cơm canh phải sẵn sàng cả rồi. Đó là chưa kể những khi ốm đau, mình phải biết các cháu kiêng ăn thứ gì, được ăn thứ gì để còn nấu cho phù hợp. Đồ ăn không hợp khẩu vị là chúng sẵn sàng bỏ về trong khe luôn, thầy cô lại phải kì công vượt suối, băng rừng vào để vận động trở lại trường”, ông La Thanh Văn cho biết.

Không chỉ cơm nước mà với nhiệm vụ của bảo vệ khu nội trú, ông Văn phải sát sao kiểm tra các cháu học bài, nhắc nhở, phân xử từng việc mâu thuẫn trẻ con. “Nếu không có tấm lòng bao dung của một người ông, sự nghiêm khắc của một người cha thì bác Văn khó mà làm tốt được nhiệm vụ. Năm ngoái nhà trường mua khay đựng thức ăn nhưng học trò Đan Lai không thích ăn khay, các em xới cơm, chan canh, thức ăn vào một tô, bác Văn cũng phải chiều. Không chỉ chăm lo các em bữa ăn mà bác còn giúp nhà trường rất nhiều trong việc quản lý các em, nắm bắt tâm tư của từng em để phối hợp với các thầy cô giáo trong việc “giữ” các em ở lại trường”, thầy giáo Nguyễn Văn Hào - Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn chia sẻ.

Ông La Thanh Văn chia sẻ với PV Dân trí về việc làm của mình.
Ông La Thanh Văn chia sẻ với PV Dân trí về việc làm của mình.

Cậu bé La Văn Đường (bản Khe Búng) hiện đang là học sinh lớp 7A1. Đây là năm thứ hai Đường ra xã để đi học nên đã ít nhiều quen với cuộc sống xa nhà. Năm ngoái, Đường là học sinh nhỏ nhất, nhớ bố mẹ, nhớ bản làng nên khóc suốt đòi về nhà. Nhà Đường cách trường gần 30 cây số, sợ cậu bé về rồi không ra đi học nữa, ông Văn phải tỉ tê tâm sự cho Đường yên tâm ở lại học.

“Ông nói cháu không phải chỉ học cho cháu mà học để sau về giúp bản làng, giúp người Đan Lai không phải tụt hậu so với những dân tộc khác. Đi học vui hơn, có cơm ăn, thầy cô giáo mua cho sách sở, cặp mới, quần áo, cả dép nữa”, Đường vui vẻ khoe.

Nồi cơm chín thơm lừng, hôm nay có món canh cải nấu với một ít thịt mỡ, cá biển rán. Bà Lô Thị Thích cũng sang phụ chồng chia các phần cơm, canh ra bát. Tiếng trống tan trường vang lên, học trò ùa ra như ong vỡ tổ. Những đứa trẻ Đan Lai đen trũi, tóc khét nắng vàng hoe về chỉ kịp chào ông bà rồi sà vào bàn ăn. Đang tuổi ăn tuổi lớn, rào rào như tằm ăn rỗi, loáng cái bát cơm đã sạch bong.

Khi chưa có nhà bán trú, căn nhà nhỏ của vợ chồng ông La Thanh Văn luôn mở rộng cửa cho các em học sinh người Đan Lai ra trung tâm xã trọ học.
Khi chưa có nhà bán trú, căn nhà nhỏ của vợ chồng ông La Thanh Văn luôn mở rộng cửa cho các em học sinh người Đan Lai ra trung tâm xã trọ học.

“Già rồi, giúp được các cháu việc nào thì giúp thôi cô ạ. Mình làm vì thương các cháu thôi chứ lương lậu chả đáng bao nhiêu (năm ngoái tiền lương của ông La Thanh Văn là 1,6 triệu, sau đó giảm xuống còn 1,4 triệu, đầu năm học này tăng lên thành 1,8 triệu - PV). Thời buổi cái gì cũng đắt đỏ, nhiều khi phải bỏ tiền túi ra mua thêm cho các cháu tí chất tươi. Có tuổi rồi, thức khuya dậy sớm cũng vất vả nhưng không làm sợ các cháu nó bỏ học, tội lắm”, ông Văn trải lòng.

Hoàng Lam

(hoanghonglam@dantri.com.vn)