“Ông Bụt” của học trò nghèo

(Dân trí) - Em học sinh nghèo ngồi ôm sách dựa gốc dừa khóc thút thít, ông Ý tới bên cạnh hỏi: “Sao con khóc?”. Cháu bé nói nhà nghèo, mẹ kêu nghỉ học để đi cắt lúa mướn. Ông Ý như “ông Bụt” xuất hiện kịp thời giúp cháu bé được đến trường như bao bạn bè khác...

"Muốn làm cái gì đó để giúp các cháu nhỏ"

Chiến tranh đi qua, ông Lê Văn Ý (SN 1940, ngụ ấp Mỹ Sơn Đông, xã Mỹ Phú, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre” bỏ lại nhiều phần cơ thể ở chiến trường. Ông bị thương hai lần, lần đầu năm 1966, ông bị mất 1 cánh tay, 1 con mắt; lần thứ hai, năm 1972, ông bị mất 1 chân. Vậy mà ông vẫn bám trụ ở chiến trường, không thể cầm súng, ông Ý sáng tác các tác phẩm văn nghệ phục vụ bộ đội cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.

Ông Lê Văn Ý kể chuyện giúp học sinh nghèo

 

Sau giải phóng, ông Ý về lại quê nhà với tấm bằng Huân chương kháng chiến hạng Nhì và giấy công nhận thương binh hạng 1/4. Công việc đầu tiên của ông là cải tạo lại 2,7 công đất (1 công 1.000 m2) để trồng dừa và trồng vườn kiểng theo niềm đam mê của mình. Ông làm chẳng thua ai, dù cơ thể không còn lành lặn.


Ông Ý như ông Bụt giúp đỡ học sinh nghèo.

Ông Ý như "ông Bụt" giúp đỡ học sinh nghèo.

Chuyện giúp học sinh nghèo đến với ông như là việc phải làm của người lính đối với quê hương. Ông Ý kể lại: “Hồi kháng chiến, tôi là cậu thiếu niên được giao nhiệm vụ nấu nước cho cán bộ uống mỗi khi họp, hội. Khi đó, cán bộ nhắc đi câu nói của Bác Hồ: “Phải diệt giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt”. Tôi chữ nghĩa chẳng bao nhiêu nên ghi nhớ câu nói của Bác quyết tâm học cho biết chữ rồi viết bài, tác phẩm văn nghệ phục vụ bộ đội. Sau giải phóng, tình cờ tôi nghe trên đài cũng nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế” nên tôi ráng làm lụng, muốn làm cái gì đó cho để giúp các cháu nhỏ ở quê”.


Sau kháng chiến, ông Lê Văn Ý được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì.

Sau kháng chiến, ông Lê Văn Ý được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì.

Chuyện giúp đỡ học sinh nghèo ở xóm của ông bắt đầu từ những năm 1980 khi mùa màng thất bát, nhiều học sinh nghèo bỏ học. Ban đầu ông thuyết phục cha mẹ của 8 em học sinh nghèo, học giỏi ráng cho con đi học. “Cha mẹ chúng cũng muốn cho con đi học nhưng đói phải ăn độn thì làm gì có tiền để đi học. Tôi phải thuyết phục, phải sắm sách, vở rồi cả trợ cấp gạo để thuyết phục cho tụi nhỏ đến trường. Vậy là mùa tựu trường nào tôi cũng thiếu nợ phải làm trả từ từ vì lo cho các cháu học” - ông Ý nhớ lại.

Hình ảnh ông không thể nào quê được là cháu Bùi Minh Long ôm quyển sách ngồi dựa gốc dừa khóc thút thít. Ông đến gặp rồi hỏi: “Sao con khóc?”. Long kể: “Qua Tết mẹ sẽ cho con và đứa em nghỉ học để qua miệt Đồng Tháp Mười (vùng Đồng Tháp, Long An) cắt lúa mướn”. Do Long ham học nên ông quyết định lấy tiền trợ cấp thương binh, tiền dừa gom lại đủ 500 đồng (tương đương 20 giạ lúa - PV) để đưa tiền cho mẹ Long nhằm giúp cháu được đi học.

Từ đó trở đi, ông ráng dành dụm, giúp đỡ hết đứa này đến đứa khác được đến lớp. Do suốt ngày ông Ý đi giúp “thiên hạ” nên những anh em ruột của ông không hài lòng, nhiều lần la mắng, ngăn cản. Vì vậy ông quyết trả lại phần đất 2,7 công vườn dừa (do cha mẹ để lại và ông dành dụm mua) và vườn kiểng trị giá mấy chục lượng vàng cho người anh ruột để tay trắng ra đi với quyết tâm "có chết đói cũng giúp các cháu nghèo đi học".

Chẳng còn tài sản, ông Ý sống rày đây may đó lúc ở đình chùa, lúc dựng tạm túp lều ở ven sông sống tạm. Công việc của ông là làm thuê, làm mướn và lãnh tiền thương binh hàng tháng để lo cho các cháu học sinh nghèo ở quê được đến trường.


Ông Lê Văn Ý nhận được nhiều giấy khen với tấm lòng tốt của mình.

Ông Lê Văn Ý nhận được nhiều giấy khen với tấm lòng tốt của mình.

Ông Phạm Việt Khương, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Phú Mỹ (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) cho biết: "Thời kháng chiến tôi cũng chiến đấu với ông tám Ý, ông bị thương 2 lần vẫn phục vụ cách mạng đến ngày hòa bình. Sau hòa bình ông giúp đỡ rất nhiều học sinh nghèo đến trường. Tấm lòng của ông được rất nhiều người cảm phục"

Tỏa sáng giữa đời thường

Sau giải phóng, ông Ý mới 35 tuổi có thể lập gia đình nhưng nhiều lần nghĩ đi nghĩ lại nên thôi. Ông kể lại: “Thời kháng chiến, nhiều đồng đội lập gia đình nhưng cuộc chiến nay sống mai chết nên có thể chia lìa bất cứ lúc nào. Khi đó, tôi không muốn vì tình cảm riêng tư mà ảnh hưởng tới việc chung. Hòa bình, những năm đầu bận lo tìm đồng đội hy sinh rồi đến giúp các cháu học sinh nghèo nên chẳng nghĩ đến việc lập gia đình. Vậy là ở vậy cho đến bây giờ”.

Cuộc sống khó khăn, ông Ý phải ở tạm bên túp lều mấy chục năm vì phải dành tiền giúp các cháu đi học. Mãi đến năm 2005 ông mới mua được mảnh đất rộng 300m2 ở ven sông để dựng căn nhà ở cho tới giờ.

Niềm vui lớn nhất của ông là những đứa trẻ từng được ông giúp đến trường giờ trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Anh Nguyễn Văn Ẩn, người đầu tiên ông Ý giúp thời điểm năm 1980 sau đó tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh giờ làm việc tại tỉnh Long An; Bùi Minh Long sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh giờ làm giám đốc chi nhánh một ngân hàng tại tỉnh Bình Dương; Nguyễn Văn Tài, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ (đang du học tại Hàn Quốc) và rất nhiều người đang học đại học, học nghề… Ông Ý cho biết: “Sau khi có việc làm ổn định, cuộc sống khá giả, những đứa cháu này để được cha mẹ dắt tới trả hết toàn bộ chi phí tôi giúp đỡ. Tôi rất vui mừng nhưng không nhận tiền mà kêu về lấy số tiền đó để tiếp tục lo lại cho mấy đứa em đi học”.


Hàng ngày, ông sống Ý với niềm vui chăm sóc vườn kiểng.

Hàng ngày, ông sống Ý với niềm vui chăm sóc vườn kiểng.

 

Nói về ân nhân của mình, anh Nguyễn Văn Ẩn cho biết: “Những năm cuối thập niên 80, nhà tôi nghèo lắm không có tiền đi học nên nhờ ông Tám Ý giúp đỡ. Sau này học đại học (khóa 1993 - 1998) khi về quê xin tiền cha mẹ không có thì cũng chạy lên ông Tám để xin. Khi ra trường có việc làm, tôi và mẹ đem tiền đến trả nhưng ông không nhận và kêu phải nuôi các em ăn học. Ông Tám thật sự là người quá tuyệt vời, suốt mấy chục năm qua luôn tìm cách giúp đỡ các cháu nhà nghèo, học giỏi ở quê”.

Hiện tại, ông Ý đang nhận đỡ đầu cho 21 học sinh con nhà nghèo ở huyện Châu Thành và huyện Mỏ Cày Bắc. Trong đó 2 cháu đang học đại học, 3 cháu đang học cấp 3, còn lại là cấp 2 và cấp 1. Nhắc đến ông Ý, em Nguyễn Thị Ngọc Ngân, sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Chế biến thủy sản ở TP Hồ Chí Minh tự hào cho biết: “Con nhà nghèo nên từ khi học phổ thông, ông Tám đã giúp tiền đóng học phí. Khi lên đại học con cố gắng làm thêm nhưng cũng không đủ trang trải nên lâu lâu cũng được ông Tám cho tiền. Ông Tám hứa trong tháng này sẽ cho con mượn tiền để mua máy vi tính phục vụ cho việc học. Thời kháng chiến, ông đã bỏ một phần thân thể vì quê hương, đất nước, đến khi thời bình lại không lo cho bản thân mình mà giúp đỡ nhiều học sinh nghèo, hiếu học như tụi con nên con rất biết ơn ông Tám”.


Căn nhà tình nghĩa của ông không có cửa vì không có gì để mất.

Căn nhà tình nghĩa của ông không có cửa vì "không có gì để mất".

 

Trong căn nhà tình nghĩa chẳng có cửa vì theo lời ông "đâu có tài sản gì để mất". Bên trong chỉ có chiếc giường nhỏ, cái tủ chén bằng inox vừa được một người quen ở TP Hồ Chí Minh thấy ông kham khổ nên mua chở đến tận nhà để tặng. Hàng ngày ông vẫn sống một mình, tự lo cơm nước sinh hoạt dù tuổi cao, cơ thể đầy thương tích. Niềm vui của ông là trồng cây kiểng xung quanh nhà, đi lo các cháu học sinh nghèo, làm đường, xây cầu ở quê. Ông Ý tâm sự: “Tôi mong muốn sống thêm được ngày nào, tháng nào là giúp học trò nghèo ngày đó, tháng đó. Mai sau, các cháu trưởng thành sẽ giúp những thế hệ tiếp theo. Tôi đã làm giấy hiến xác cho Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh để khi chết đi có thể giúp được gì cho ngành Y dù cơ thể chẳng còn lành lặn”.

 

Cuộc sống hàng ngày của ông Lê Văn Ý

 

 

Những việc làm như vậy nên nhiều người gọi ông là “ông Bụt” tỏa sáng giữa đời thường chuyên chắp cánh giúp đỡ học sinh nghèo thực hiện ước mơ của mình.

Hoàng Trung

(Email: hoangtrung@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm