Kỷ niệm 19 năm thành lập Hội Khuyến học VN (02/10/1996 – 02/10/2015) và Ngày Khuyến học Việt Nam (02/10).
Ngày hội của gần 13 triệu người làm công tác khuyến học
(Dân trí) - Hôm nay 2/10, ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (2/10/1996 – 2/10/2015), đây là Ngày hội của gần 13 triệu hội viên Hội Khuyến học trên cả nước, ngày hội của những người hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, hết lòng vì thế hệ trẻ.
GS.TS Phạm Tất Dong, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, cho đến thời điểm này, tổ chức Hội đã có ở tất cả 63 tỉnh thành, 100% huyện, thị (637/637), 99,23% xã, phường (10.650); 238.329 chi hội, Ban khuyến học thôn bản, dòng họ, cơ quan, đơn vị. Tổng số hội viên có 13.190.750 người, chiếm 14,34% dân số trong toàn quốc.
Khoảng 5 năm trở lại đây, tính trung bình mỗi năm Hội kết nạp thêm trên dưới 500.000 người. Năm 2014, Hội có thêm 800.000 người, vượt xa con số trung bình của nhiều năm trước.
"Có số lượng hội viên lớn như vậy là do ý nghĩa cao cả của hoạt động khuyến học và do uy tín của Hội Khuyến học trong nhân dân ngày càng tăng mà tham gia vào tổ chức Hội. Các Chi hội khuyến học của TƯ Hội và các tỉnh, thành hội, là lực lượng nòng cốt đưa các Quyết định về xã hội học tập của Nhà nước vào cuộc sống. " - GS Dong chia sẻ.
Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm trao tặng Bằng khen học sinh dân tộc thiểu số đỗ thủ khoa, điểm cao đại học, cao đẳng, đạt giải quốc gia, quốc tế.
Được biết, Hội Khuyến học đã làm nòng cốt, phối hợp với ngành giáo dục đào tạo xây dựng được 10.944 Trung tâm học tập cộng đồng, chỉ riêng hai năm 2013-2014 các Trung tâm đã tổ chức cho 403.021 lượt người học nghề ngắn hạn, xóa mù chữ cho 22.694 người , học tập các chuyên đề và chuyển giao kỹ thuật cho 18.689.009 lượt người.
Để giúp các học viên tiếp cận với hơn 500 chuyên đề do Bộ GD&ĐT biên soạn, 6 tháng qua, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ GD&ĐT tiến hành tập huấn cho cán bộ phụ trách Trung tâm học tập cộng đồng trên toàn quốc có thêm kỹ năng quản lý, khai thác thông tin và giảng dạy.
Quỹ Khuyến học toàn quốc đã huy động được 1.917 tỷ đồng
Năm 2014, hoạt động phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các loại quỹ khuyến học, khuyến tài vẫn gia tăng số dư. Sự gia tăng tiền vận động cho quỹ chủ yếu ở quỹ địa phương, nhất là quỹ của dòng họ, gia đình, xã/phường.
So với năm 2011, quỹ khuyến học toàn quốc có 1. 253 tỷ , đến cuối năm 2014, đầu năm 2015, tổng số Quỹ khuyến học, khuyến tài toàn quốc đã có tới 1.917 tỷ.
Niềm vui của học sinh ở thượng nguồn sông Gianh tại xã Trọng Hóa, huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) trên cây cầu mang tên “Khuyến học & Dân trí”. Đây là một trong 9 cây cầu “Khuyến học & Dân trí” có sự đóng góp của bạn đọc Báo Điện tử Dân trí.
Năm 2014, Quỹ của TƯ Hội cũng đã vận động được 2,48 tỷ đồng. Đã chi vào việc hỗ trợ xây cầu là 197.817.000 đồng, chi vào học bổng với số tiền 2,28 tỷ đồng (3.233 suất học bổng). Ngoài ra, TƯ Hội và nhiều Hội địa phương còn có chương trình trao tặng xe đạp, xe lăn, thuốc chữa bệnh, thẻ bảo hiểm, sổ tiết kiệm cho học sinh nghèo, học sinh và sinh viên khuyết tật…
GS Dong cho biết, với số quỹ khuyến học, khuyến tài phát triển như vậy, đó là dấu hiệu đáng mừng, nói lên sự chung tay của lực lượng xã hội, các nhà hảo tâm, của các tổ chức nhân đạo - từ thiện, đặc biệt là của nhiều doanh nghiệp đối với phong trào khuyến học.
Thí điểm mô hình học tập mới
GS Phạm Tất Dong cho hay, từ sự quán triệt Nghị quyết 29/NQ/HNTW của TƯ đảng và Quyết định 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cán bộ và hội viên khuyến học đã nhận thức phải chuyển mô hình gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học sang các mô hình học tập (gia đình học tập, dòng họ học tập và cộng đồng học tập) trong giai đoạn 2015 – 2020. Việc chuyển sang các mô hình học tập là một bước phát triển quan trọng, gắn kết phong trào khuyến học của Hội với nhiệm vụ chính trị mà nhà nước giao cho.
Theo GS Dong, so với mô hình gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học thì gia đình học tập, dòng họ học tập và cộng đồng học tập có sự phát triển về chất bởi sự đánh giá các mô hình học tập phải theo những Bộ chỉ số yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn, gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội cụ thể hơn.
Bà con dân tộc Mông tại Trung tâm học tập cộng đồng của xã
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài năm 2015 của Hội Khuyến học Việt Nam là phải gắn kết với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo trong lĩnh vực giáo dục người lớn, giúp cho các hội viên nắm chắc tư tưởng chỉ đạo của Quyết định 89/QĐ-TTg và hiểu rõ mục tiêu của QĐ 281/QĐ-TTg về Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư”.
Trên cơ sở đó, toàn Hội đã bắt tay thực hiện thí điểm các Bộ chỉ số đánh giá mô hình học tập, tạo nên một không khí thi đua mới, quyết tâm thí điểm thật tốt mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập. Hội đã triển khai thí điểm 63 tỉnh, thành phố, 126 quận, huyện, thị xã; 252 xã, phường, thị trấn; 504 thôn bản, tổ dân phố; 504 dòng họ; 2520 gia đình.
GS Dong cho biết, trong năm 2015, Hội sẽ tiến hành tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển Hội Khuyến học Việt Nam. Đồng thời, phát triển hội viên, tổ chức Hội, xây dựng các loại quỹ khuyến học, khuyến tài, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hợp tác quốc tế…vẫn phải được tiến hành để phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ trọng tâm xây dựng mô hình xã hội học tập phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam.
Những gương sáng khuyến học
Mọi người ở thị trấn Thanh Bình (Đồng tháp) gọi ông Huỳnh Văn Bé, Tổ trưởng Tổ Dân phòng khuyến học số 17, khóm Tân Đông B, thị trấn Thanh Bình là ông “Ba Khuyến học” bởi nhờ ông Bé mà nhiều thanh niên có việc làm, nhiều học sinh không phải bỏ học nửa chừng vì hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, ông còn giúp đỡ cho nhiều thanh niên (vốn là những người thường xuyên uống rượu say rồi gây rối, chơi bời lêu lỏng, gây mất an ninh trật tự ở địa phương) vào làm việc tại cơ sở sản xuất của mình, với mức thu nhập ổn định hàng tháng từ 3,6 - 5 triệu đồng/công nhân.
Từ nhiều năm qua, ông Bé được người dân gọi với cái tên thân mật là "ông Ba Khuyến học".
Hơn 6 năm nay, ông Bé thường xuyên hỗ trợ mỗi tháng 200.000đ/hộ cho 88 hộ nghèo trong huyện và tài trợ 1 triệu đồng/tháng cho Hội Đông y huyện Thanh Bình. Chỉ tính trong gần 10 năm gần đây, tổng giá trị tiền và vật chất mà ông Huỳnh Văn Bé đã giúp cho những hộ nghèo, những mảnh đời bất hạnh ở huyện Thanh Bình lên đến 5 tỷ đồng.
Cũng tại tỉnh Đồng Tháp, cô Trần Thị Kim Phượng Chủ tịch Hội khuyến học xã Tân Phú (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) đã không nhận lương mấy năm qua. Mỗi tháng, cô Phượng chỉ nhận trợ cấp 300 ngàn đồng nhưng lúc nào cô cũng dốc hết sức “cứu” học trò nghèo, giúp các em có điều kiện tiếp tục đến trường. Với quyết tâm không để học sinh (HS) bỏ học do gia cảnh nghèo, cô Phượng thường xuyên xuống cơ sở để tìm hiểu hoàn cảnh HS, sinh viên (SV). Sau những chuyến đi, cô Phượng lại tranh thủ tìm đến nhà hảo tâm vận động giúp đỡ các em.
Hình ảnh cô Phượng đã trở nên quen thuộc với các gia đình nghèo trên địa bàn xã có con em đang theo học từ bậc học phổ thông đến đại học. Quen thuộc vì cô được xem là vị cứu tinh đối với các trò hiếu học…
Tại Ninh Bình, năm nay đã 78 tuổi nhưng 15 năm qua,hàng ngày ông Nguyễn Đức Dục huyện Hoa Lư vẫn đạp xe đi khắp đường làng ngõ xóm để “làm” khuyến học. Với ông, công tác khuyến học giờ đã ngấm vào máu thịt và là công việc không thể thiếu mỗi ngày dù tuổi đã cao, sức đã yếu.
Ông Đỗ Đức Dục
Ông Dục là người đã có những “sáng kiến” đặc biệt trong công tác khuyến học ở Ninh Bình. Trong đó phải kể đến phong trào “nuôi lợn khuyến học”, “nuôi gà khuyến học”, các lớp khuyến học cộng đồng, đón “danh nhân về làng”, “giao thừa khuyến học”... Những sáng kiến trên của ông đã đem lại nhiều thành công và được nhiều địa phương học tập.
“Những ngày đầu khi Hội mới thành lập, quỹ hội không có nên rất khó để hoạt động các phong trào. Lúc đầu, để gây dựng quỹ hội anh em chúng tôi chỉ có cách là đi xin kinh phí. Thiết nghĩ những người từng làm nghề giáo như chúng tôi mà đi xin thì không hợp lắm. Tôi trăn trở mãi cuối cùng nghĩ ra cách làm là nuôi lợn và nuôi gà khuyến học. Không chỉ phát động được mọi người làm khuyến học mà Hội cũng không phải đi xin mà vẫn có kinh phí để hoạt động” – ông Dục tâm sự.
Nói về những cách làm hay đã áp dụng vào phong trào khuyến học của xã, ông Dục tâm sự: “Mỗi địa phương đều có cách làm hay và riêng biệt. Ở Ninh Mỹ, mỗi phương án đưa ra đều được sự đồng thuận của chính quyền, nhất trí của các Chi hội và người dân nên có được thành công. Sự nghiệp khuyến học ở đây, giờ người người, nhà nhà đều tham gia cùng làm với Hội”.
Thời gian gần đây, trong lúc nhiều người xem “tấc đất là tấc vàng” thì ở khóm 3, phường 7, thành phố Sóc Trăng có anh nông dân Khmer Trương Dũng (sinh năm 1970) đã tự nguyện hiến 5.700 m2 đất ruộng để xây dựng trường Tiểu học Lâm Thành Hưng.
Anh Trương Dũng đứng trên phần đất của mình đã hiến xây trường
Anh Trương Dũng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân Khmer nghèo khó, nên từ nhỏ anh Dũng phải vất vả mưu sinh và chỉ học đến lớp 4 trường làng. Đến năm 13 tuổi, anh vào chùa tu học theo truyền thống của đồng bào Khmer lúc bấy giờ. Năm 1993 anh xuất tu về nhà và kết duyên cùng chị Kim Thị Hồng. Do chí thú làm ăn, nên 10 năm sau gia đình anh mua được gần 1,5 ha đất ruộng để canh tác, trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái…
Sau khi nghe chính quyền địa phương và ngành giáo dục thành phố Sóc Trăng cần đất xây dựng trường Tiểu học Lâm Thành Hưng tại phường 7 theo hướng đạt chuẩn quốc gia, không một chút đắn đo, anh Dũng quyết định hiến 5.700 m2 đất ruộng của mình đang canh tác.
Ngày 4/3/2015 là một ngày thật đáng nhớ đối với người dân ở xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) nói chung, của thầy trò Trường Tiểu học An Thạnh Đông C nói riêng. Chính quyền địa phương phối hợp với ngành chức năng làm lễ khởi công xây dựng Trường Tiểu học An Thạnh Đông C ở một vị trí mới với diện tích rộng hơn trường cũ. Điều đáng nói, diện tích đất xây dựng điểm trường mới này lại do thầy Trương Văn Nhỏ là hiệu trưởng nhà trường hiến tặng với 3000m2 đất.
Thầy Trương Văn Nhỏ
Trò chuyện với thầy Trương Văn Nhỏ, thầy cho biết: Trường Tiểu học An Thạnh Đông C có 10 lớp với 1 điểm chính và 1 điểm lẻ. Số học sinh của trường là 169 em. Điểm chính của trường được xây dựng từ năm 1994 trên diện tích chưa đầy 800m2. Lúc đầu, trường được dựng lên bằng cây tạm bợ, sau đó được xây theo kết cấu nhà cấp 4. Đến nay các phòng học đã xuống cấp, nền đất ẩm thấp, mùa mưa luôn ngập nước, ngập bùn khiến cho việc học của học sinh bị ảnh hưởng, thậm chí có không ít học sinh phải nghỉ học.
Thầy Nhỏ còn chia sẻ thêm: “Tôi hiến 3.000m2 đất nhưng ngành và địa phương nói sẽ đầu tư xây dựng thêm các phòng học cũng như các công trình khác để đạt yêu cầu giảng dạy học tập, nếu như vậy thì gia đình tôi sẽ hiến thêm 1.000m2 nữa”.
Được biết, diện tích đất mà thầy Nhỏ hiến tặng đang là diện tích trồng mía, mỗi năm thu về cho thầy Nhỏ hàng trăm triệu đồng.
Hồng Hạnh
(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)