Nhiều người Thầy vẫn xứng đáng được tôn vinh
(Dân trí) - Đọc ý kiến của nhiều bạn sinh viên, tôi thấy thông cảm nhưng e có phần phiến diện. Bên cạnh những người thầy đã tự đánh mất mình, còn biết bao người Thầy luôn giữ được nhân cách và đức độ của người “Kỹ sư Tâm hồn”.
Bạn đọc Nguyễn Oanh :
Chắc có người cho tôi là giáo viên nên mới bênh vực những người thầy như vậy. Nhưng không phải. Tôi chỉ là một sinh viên năm thứ tư của trường tỉnh. Có ai biết được nhà giáo là nghề cao quý nhưng lương của nghề cao quý ấy là bao nhiêu không? Cũng như những người bình thường khác thầy cô cũng phải lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền. Thế nên mới có những chuyện thầy cô nhận phong bì. Nhưng đó chỉ là một số cá nhân không muốn sống thực bằng trí tuệ của mình. Vẫn còn rất nhiều thầy cô chọn cho mình nghề tay trái hoặc làm thêm việc hợp với chuyên môn của mình để sống tự lực. Đừng có đánh đồng tất cả bằng con mắt phiến diện. Những thầy cô chân chính sẽ nghĩ gì nếu như biết sinh viên nghĩ mình là cá mè một lứa như thế.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Không phải thầy cô nào cũng nhận phong bì để sống đâu các bạn ạ. Thế nên để chấm dứt hiện tượng này thì có lẽ sinh viên phải thay đổi suy nghĩ của mình trước và nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thầy cô trong vấn đề lương bổng. Xin kính chúc thầy cô trong Ngày nhà giáo sắp tới luôn mạnh khỏe và vui vẻ. Chúng em luôn kính trọng cô thầy..
Bạn đọc Co Tranh:
Cách đây hai năm, tôi cũng vấp phải vấn đề này khi viết luận văn tốt nghiệp. Hỏi ra, bạn bè tôi ai cũng có "phong bì" cho thầy hướng dẫn. Họ nói "Đồng tiền đi trước mới là đồng tiền khôn". Tôi đã không đủ can đảm để đưa phong bì cho Thầy, khi trong lòng tôi nghĩ rằng hành động của tôi làm xúc phạm Thầy. Tôi kể chuyện này với anh Hai của tôi. Cuối cùng tôi quyết định "không". Tôi dự đoán có hai khả năng xảy ra:
- Thầy góp ý, tôi sửa chữa và bảo vệ cũng như các bạn khác.
Sau khi nộp bản thảo, tôi bắt đầu những ngày dài chờ đợi...Tôi lo sợ niềm tin của tôi bị vụn vỡ...
Rất may cho tôi, Thầy góp ý cho tôi rất tận tình, còn động viên tôi cố gắng viết hay để đạt điểm cao nữa.
Ngày bảo vệ, tôi ôm hoa đến tặng Thầy, Thầy nhìn tôi cười hoan hỉ, có chút tự hào về tôi, tôi cũng vậy. Thầy mãi mãi là Người tôi kính trọng, tôi mãi mãi kính yêu Người Thầy đã để lại cho tôi ấn tượng tốt đẹp của thời sinh viên.
Một năm sau, tôi đến thăm Thầy tại nhà. Theo dự định của tôi và anh Hai, tôi sẽ tặng quà cho Thầy (dù đi sau nhưng theo tôi, vô cùng ý nghĩa, ai chê cười tôi, tôi vẫn chấp nhận). Quà mọn, không có gì quý giá, nhưng hôm đó rất vui. Cô còn khui rượu để cả nhà cùng uống chúc mừng tôi, tân thạc sĩ.
Bạn đọc Pham Van:
Đọc ý kiến các bạn tham gia cuộc thảo luận này, tôi thấy có nhiều ý kiến thật hay. Tôi nghĩ rằng tôi cũng nên góp chút ít ý kiến của mình. Các bạn ạ, có thể nhiều người đang đứng trên một góc độ lệch để nhìn nhận vấn đề, nhưng tôi đã từng trải qua thời sinh viên ở một trường đại học có nhiều "luật rừng" như các bạn nói, giờ đây tôi lại đứng trên cương vị là một giảng viên trẻ, tôi tin rằng suy nghĩ của tôi không hề là chủ quan.
Trước tiên tôi khẳng định rằng, dù cũng bị nhiều áp lực và cám dỗ nhưng tôi chưa bao giờ nhận phong bì của sinh viên để nâng điểm. Thế nhưng xung quanh tôi thì tôi nghĩ là có rất nhiều người làm điều đó đấy. Và nếu ai đó muốn nói rằng cần phải xóa bỏ văn hóa phong bì trong trường học thì tôi xin ủng hộ cả hai tay. Nhưng hãy khoan đã, liệu có thể làm được không? Hoặc làm được thì phải mất bao nhiêu thời gian; làm bằng cách nào khi mà nó đã ăn sâu vào quan niệm, suy nghĩ của rất nhiều thế hệ Thầy và nhiều thế hệ trò. Theo tôi để giải quyết được vấn đề trước tiên chúng ta hãy tìm nguyên nhân đã.
Tất nhiên là có nhiều vấn đề lắm nhưng tôi chỉ xin đưa ra đây một vấn đề thôi, đó là thu nhập của giáo viên, giảng viên. Theo tôi được biết thì có rất nhiều thầy cô giáo không bao giờ nhận tiền của sinh viên, nhưng trừ một số liêm chính thật thì họ đa số đều có mức thu nhập rất tốt, vì vậy hầu như họ không màng vài đồng tiền con con của sinh viên. Thế nhưng với đại đa số chúng ta thử nhìn vào mức thu nhập của họ mà xem. Ví như tôi (Giảng viên một trường cao đẳng) khoảng trên 2 triệu/ tháng. Thưa các bạn, ta hãy làm phép so sánh nhé. Một thợ phụ hồ ngày công khoảng 60 nghìn/ngày (cơm nuôi), đấy là phụ, còn thợ thì khoảng 100 nghìn đến 150 nghìn/ngày. Thưa các bạn, vậy là một anh thầy giáo dùi mài kinh sử 4-5 năm trời mà thu nhập không bằng một anh xách vữa!!! Các bạn xem thế có bất công và đáng bất bình không? Thế có chấp nhận được không?...Người ta chả bị cám dỗ trước đồng tiền vì cuộc sống quá bức bách hay sao? Như tôi đây học 5 năm trời hết khoảng 60 triệu, mà bây giờ thu nhập không bằng anh trai tôi chẳng học gì mà chỉ đi làm thợ xây.
Xin tạm kết luận rằng: muốn giải quyết vấn đề này, đơn giản thôi, hãy trả công xứng đáng cho những người có tri thức, nhất là những người giữ vai trò “trồng người”. Thiết nghĩ đây cũng là một biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đấy ạ.
Bạn đọc Hoàng Thi Kim Chi (ĐHHSP HN):
Tôi có 26 năm đứng trên bục giảng của trường đại học, nhưng tôi luôn tự hào vì chưa bao giờ nhận tiền của sinh viên, chưa bao giờ tìm cách nhũng nhiễu, hạch sách hay có bất cứ lời nói hay dấu hiệu gì để khiến cho sinh viên nghĩ rằng họ cần phải đến thăm tôi.
Dù vì lý do này hay lý do khác, chẳng hạn như vì lương quá thấp, cũng không thể chấp nhận việc giáo viên nhận tiền của sinh viên trên giảng đưòng của trường đại học. Đó là một sự sỉ nhục lớn đối với nghề nhà giáo.
Nhận tiền của học trò (thường là trước một kỳ thi) là thầy đã bán điểm cho học trò. Với mọi cuộc mua bán bình thường, xong xuôi đường ai nấy đi, có khi chẳng bao giờ gặp lại. Nhung khi thầy giáo nhận tiền của sinh thầy vẫn phải lên lớp, vẫn phải gặp lại những học trò đó. Đôi mắt của họ ngước lên nhìn thầy, đôi mắt đó nói lên điều gì chắc ai cũng dễ hình dung. Mà không phải chỉ có một đôi mắt đó hướng về thầy, mà nguyên cả một lớp (chuyện kiểu đó sinh viên rỉ tai nhau nhanh lắm). Và nếu không còn gặp lại lớp đó nữa, thầy sẽ gặp những ánh mắt tương tự của những khoá, những thế hệ sinh viên tiếp theo… Thầy chỉ được gọi là thầy trước mặt, còn sau lưng… Không biết các thầy cô ấy khi đứng trên bục giảng có cảm thấy nhột không nhi?
Trong lớp học, thầy nhìn trò trong sáng vô tư, trò nhìn thầy kính trọng, tin
tưởng. Có như thế thầy mới yêu nghề, dồn tâm huyết vào bài giảng, trò mới có niềm tin, niềm động viên trong học tập.
Một người đồng nghiệp lớn của tôi đã từng nhắc nhở, khi tôi mới chập chững vào nghề : “Thầy giáo đại học mỗi năm chỉ chấm điểm sinh viên 2 lần, còn sinh viên chấm điểm thấy giáo mỗi ngày”. Và tôi đã luôn ghi nhớ lời cô.
Tôi là một giảng viên trẻ, đọc những dòng phản ảnh của sinh viên về chuyện “đi thầy” vừa thấy xót xa vừa thấy bất bình. Các bạn nói đúng, lương giảng viên rất thấp, như các bạn đã phân tích. Ở khoa QTKD nơi tôi đang làm việc, đa số các thầy cô đều là thạc sĩ, tiến sĩ từ các chương trình hợp tác hoặc từ nước ngoài. Trước khi chúng tôi về trường Đại hoc cũng có những lời mời từ các công ty nước ngoài, nhưng vì yêu thích công việc giảng dạy, vì sở thích nghiên cứu, học hành... mà về trường Đại học.
Câu chuyện “đi thầy” trước mỗi kỳ thi là điều không đúng đạo lý và thật sự đáng buồn ở không ít các trường đại học, nhưng bên cạnh những giảng viên chấp nhận hiện tượng đó, còn biết bao Người Thầy thật sự đáng kính, dù điều kiện làm việc cũng như đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng vẫn nêu cao tấm gương mô phạm, luôn dành trí tuệ và tâm huyết cho nghề cao quý mà mình đã lựa chọn.
Chúng ta không nên “vơ đũa cả nắm” dù đứng trước bất kỳ sự việc nào. Điều đó lại càng không đúng và không phải đạo đối với một nghề xưa nay vốn được xã hội tôn vinh là nghề Thầy giáo.
Với tâm niệm đó, chúng ta xin bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn công lao to lớn của các Thầy Cô giáo nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam sắp tới.
Xin kính chúc các Thầy Cô luôn tìm thấy nguồn vui chân chính trong nghề cao quý mà mình đã lựa chọn và gắn bó suốt cuộc đời.