Thuốc nào trị “bệnh đi thầy” trong nhà trường?

(Dân trí) - Vừa qua, Dân trí đề cập một vấn đề gây sự chú ý của dư luận: hiện tượng “đi thầy” trong nhà trường. Đã có rất nhiều ý kiến trao đổi, song thiết nghĩ cần có một cái nhìn toàn diện về vấn đề, từ đó đề ra những giải pháp hữu hiệu.

Thực trạng “đi thầy” trong nhà trường

Dù chưa có một thống kê cụ thể, song nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng “đi thầy”, “văn hoá phong bì” trong nhà trường là phổ biến, từ mầm non cho đến sau đại học. Từ món quà vài trăm nghìn cho đến phong bì ngoại tệ, rượu ngoại, vàng bạc… và nhiều kiểu lợi ích vật chất khác.

Khi nói hiện tượng “đi thầy”, thiết nghĩ cần loại trừ những phụ huynh, HSSV (học sinh, sinh viên) tặng quà cho thầy cô xuất phát từ tình cảm chân thành, ân nghĩa, từ truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Một số gia đình phụ huynh có điều kiện, một số HSSV thành đạt muốn giúp đỡ các thầy cô giáo của mình. Đây là điều tự nhiên, đáng trân trọng và cũng không thể nhầm lẫn được với hiện tượng “đi thầy” mang màu sắc tiêu cực. Dĩ nhiên, các thầy cô có nhận hay không, hay nhận ở mức độ nào đó là chuyện khác.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Hiện tượng “đi thầy” là một hành vi tiêu cực, vụ lợi, làm vẩn đục môi trường giáo dục, phá hoại những giá trị tốt đẹp của giáo dục và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Đây là điều mà đa số các ý kiến đều thống nhất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra thông cảm với cả hai đối tượng “kẻ đưa” và “người nhận”. Và đây chính là nguyên nhân khiến cho tệ nạn này vẫn tồn tại dai dẳng, không thể chấm dứt được.     

Nguyên nhân của hiện tượng “đi thầy” 

Đã có nhiều ý kiến phân tích về nguyên nhân của hiện tượng này. Về phía “kẻ đưa”, quan niệm việc “đi thầy” xuất phát từ tâm lí, truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người học là không thoả đáng. Đành rằng việc HSSV, phụ huynh tặng quà thầy cô, kể cả quà tặng có giá trị lớn nhân các ngày lễ tết…là chuyện bình thường ở xứ ta, song tất cả những “người trong cuộc” đều dễ dàng nắm bắt được động cơ đích thực của hành vi đó.

 
Nếu xuất phát từ truyền thống tốt đẹp, thì tất cả sẽ diễn ra một cách tự nhiên, vô tư. Không thể có chuyện vì vậy mà có sự “ưu ái”, thiên lệch, phân biệt trong kiểm tra, đánh giá.                                  

Như vậy, về phía kẻ đưa, xuất phát từ tâm lí vụ lợi, khôn lỏi, xem đồng tiền có thể mua được tất cả. Những HSSV này thường lười biếng, không chịu khó học tập, rèn luyện, hoặc bản thân kém cỏi nhưng do thi cử dễ dãi, tiêu cực mới được vào học nên “ngựa quen đường cũ”, đem đồng tiền mua điểm, mua thành tích. Những HSSV này không ngại dùng đủ mọi cách để tiếp cận các giáo viên, giảng viên, phóng tay chi các khoản tiền để nhờ học thay, thi hộ, mua điểm, mua sự đánh giá. Hiện tượng này rất phổ biến ở các lớp chuyên tu, tại chức, liên thông.

Không ít phụ huynh nuông chiều con, sẵn sàng cung cấp tiền để con mua điểm, thậm chí trực tiếp can thiệp để mua điểm cho con em. Tiêu cực xã hội đang từng bước len lỏi vào nhà trường, nhuộm đen môi trường giáo dục.

Về phía “người nhận”, là người trong cuộc, chúng tôi đồng ý với GS Nguyễn Minh Thuyết là nguyên nhân chủ yếu từ phía người thầy, “người thầy đứng đắn thì không học trò nào đưa tiền được”. Người học đưa tiền để mua điểm, nhưng nếu thầy không bán thì ai mua được. Các quan điểm tỏ ra “thông cảm” với giáo viên, giảng viên đều không hợp lí. Hành động gợi ý, ép buộc HSSV để vụ lợi không chỉ vi phạm đạo đức nhà giáo mà còn trái pháp luật, tham nhũng. Đây thực chất là sự thoái hoá, biến chất trong một bộ phận nhà giáo.

Nếu nói do cuộc sống nhà giáo còn khó khăn thì đó là khó khăn chung, tại sao có những người tiêu cực, có người không. Thậm chí nhiều giáo viên ở vùng cực kì khó khăn lại bỏ tiền túi ra để giúp đỡ HS, trong khi có những người khá giả vẫn tiêu cực. Như vậy vấn đề là ở ý thức, lòng tự trọng của mỗi người.

Trong thực tế, hiện tượng “đi thầy” chỉ cấu thành khi hai đối tượng HSSV và giáo viên biến chất gặp nhau. Nếu nhà giáo nghiêm túc, công bằng, sẽ không bao giờ có chuyện “đi thầy”. Và ngược lại, những HSSV chăm chỉ, nỗ lực học tập, rèn luyện, có tinh thần tự trọng cũng không chấp nhận “đi thầy”, cho dù có bị gây áp lực, khó dễ.

Thứ ba, như GS Nguyễn Minh Thuyết đã phân tích là nguyên nhân về phía nhà quản lí giáo dục. Nhà quản lí không thể biện hộ kiểu “Tôi đã làm hết trách nhiệm, đó là chuyện riêng tư, không thể kiểm soát hết được…”. Nếu nhà quản lí kiên quyết, có giải pháp mạnh mẽ chống tiêu cực thì tiêu cực giảm hẳn, hoặc triệt tiêu.

Trong thực tế có những trường hiện tượng “đi thầy” tràn lan, nhưng lại có những trường rất ít, thậm chí không có chuyện “đi thầy”. Một số nhà quản lí giáo dục tiêu cực, tham nhũng, yếu kém, buông lỏng quản lí, dung dưỡng, bao che tiêu cực, không xử lí kiên quyết những giáo viên vi phạm.

Một nguyên nhân khác, rộng lớn hơn, là hiện tượng “loạn chuẩn”, “loạn giá trị” trong xã hội. Tại sao có những người không học THPT nhưng sau đó vẫn tốt nghiệp thạc sĩ? Có những người dùng bằng mua, nhưng vẫn đảm nhận các cương vị lãnh đạo trong một thời gian dài, mãi sau mới bị phát hiện? Phải chăng chúng ta chưa có những thước đo, chế tài để người có năng lực thực sự được công nhận? Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng mua bằng, mua điểm.

Đâu là giải pháp?

Bộ GD – ĐT đã xác định chủ đề của năm học 2010 – 2011 là “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Hiện tượng tiêu cực trong giáo dục nói chung và chuyện “đi thầy” nói riêng, trách nhiệm trước hết và chủ yếu thuộc về khâu quản lí.    
 
Thực tế, hiện nay không phải không có những giải pháp để chống tiêu cực, vấn đề là thái độ dũng cảm, kiên quyết của người quản lí. Không khó để chống tiêu cực trong thi tuyển sinh, giảng dạy, đánh giá, nếu nhà quản lí và người làm giáo dục thoát khỏi sức hấp dẫn của tâm lí vụ lợi. Nếu tính phi lợi nhuận của giáo dục không được bảo đảm, tiêu cực diễn ra là chuyện đương nhiên.    

Nếu chỉ nêu ra những nguyên nhân chung chung như “tiêu cực xã hội tác động”, “cuộc sống nhà giáo còn khó khăn”… thì tiêu cực sẽ mãi tồn tại, và vòng luẩn quẩn không sao thoát ra được.  

Trước hết, cần có những nghiên cứu đầy đủ về hiện tượng “đi thầy” trong nhà trường, mổ xẻ một cách sâu sắc về những nguyên nhân. Muốn chữa bệnh, phải xác định được mức độ của bệnh, nguyên nhân (chính, phụ) rồi mới kê đơn, bốc thuốc.
 
Ví dụ, nếu nói “tiêu cực xã hội tác động” thì phải làm rõ tiêu cực gì, cơ chế tác động như thế nào? Nói “cuộc sống nhà giáo khó khăn”  thì phải nêu rõ được khó khăn như thế nào, ở mức độ nào với từng đối tượng, vùng miền cụ thể. Nói “chương trình quá tải” cũng phải làm rõ được quá tải ra sao, đối với ai, ở mức độ nào?...

Chúng ta đang rất thiếu những công trình điều tra, nghiên cứu sâu về thực trạng giáo dục đương đại, do đó dẫn đến hiện tượng võ đoán, và đề ra những giải pháp thiếu khả thi, gây lãng phí, cản trở sự phát triển của giáo dục. Hơn lúc nào hết, cần đi sâu vào những giải pháp để xây dựng văn hoá học đường hơn là chỉ dừng lại ở khẩu hiệu.  

 

Trần Quang Đại

                                                                                   Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Thầy giáo viết bài trên đây có cách nhìn nhận hiện tượng “đi thầy” khá toàn diện, thấu đáo. Theo truyền thống “tôn sư trọng đạo”, chúng ta hoan nghênh việc thăm hỏi Thầy Cô giáo với tấm lòng chân tình, nhất là vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Điều đó khác hẳn với việc “đi thầy” với động cơ vụ lợi, thậm chí trắng trợn dùng “phong bì” để mua điểm, mua bằng.

Tác giả bài viết trên cũng phân tích khá sâu về những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp dẫn tới tệ nạn “đi thầy” trong nhà trường, trong đó có nguyên nhân từ phía xã hội nhưng tác nhân trực tiếp vẫn thuộc về trách nhiệm của thầy cô giáo, nhất là người có trách nhiệm quản lý nền nếp, kỷ cương của nhà trường là người Hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục.

Khắc phục những nguyên nhân đó bằng các biện pháp đồng bộ chính là “liều thuốc” hữu hiệu để  trị căn bệnh “đi thầy” đang phổ biến trong môi trường giáo dục hiện nay.