Không “đi thầy” để trả lại sự trong sáng tình nghĩa Thầy-trò

(Dân trí) - Nhiều ngày qua, trên Diễn đàn của báo Dân trí điện tử đã diễn ra một cuộc thảo luận được nhiều người quan tâm về câu chuyện “đi thầy”, một tệ nạn gây bức xúc cho những Người Thầy giáo chân chính cũng như những sinh viên có lòng tự trọng.

Cuộc thảo luận bắt đầu được “châm ngòi” từ một bài viết tâm huyết và “có lửa” của một nữ sinh viên năm thứ 3 đại học dám thẳng thắn tỏ bầy chính kiến của mình về tệ nạn “đi thầy” trước mỗi kỳ thi của cả lớp mà cô đang học. Có thể nói đấy là hành động hối lộ tập thể có tổ chức do lớp trưởng đứng ra thu tiền. Chỉ có mình cô (ký tên bài viết là Nghiêm Thị Loan) muốn thay đổi suy nghĩ cũng như hành vi đáng xấu hổ đó, nhưng chuyện này đã trở thành “thông lệ” của lớp cô được truyền lại  từ các anh chị khóa trước.

Tác giả bài viết tâm sự: “Các bạn trong lớp tôi gửi cho tôi những phong thư có dòng chữ “cả lớp đi, trừ bạn…”Và dĩ nhiên tên tôi nằm trọn vẹn cùng dòng chữ “trừ bạn”. Tôi biết sẽ có rất nhiều khó khăn đến với mình trên con đường “tìm kiếm sự minh bạch cho bản thân”. Nhưng tôi  tin rằng “xã hội sẽ trong sạch nếu từng thành viên trong xã hội đó trong sạch”.

Bắt nguồn từ một bài viết tâm huyết và “có lửa” như vậy, Diễn đàn Dân trí mở ra cuộc thảo luận về chủ đề này và nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của nhiều bạn trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường hoặc đã bước vào đời. Đặc biệt, tham gia cuộc thảo luận này còn có nhiều Thầy Cô giáo không những đã cự tuyệt với tệ nạn “phong bì” mà còn là những tấm gương sáng về ý chí phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn để không ngừng vươn tới về tầm cao trí tuệ cũng như đạo đức và phong cách ứng xử giầu tính nhân văn, để lại những ấn tượng không thể phai mờ trong nhiều thế hệ học trò của mình.

Trước hết phải nói đến sự chia sẻ và đồng cảm của nhiều bạn sinh viên khác. Bạn H.V.N, sinh viên năm thứ 3 ĐHMĐC cho biết: “Lớp em cũng có hiện tượng này. Trước kỳ thi, mỗi thành viên trong lớp thường nộp 100 nghìn đồng để cán bộ lớp tổ chức đi “thăm hỏi” các thầy cô. Còn muốn chạy điểm thi tùy từng môn, tùy số học trình nhưng thường là từ 200 nghìn đồng trở lên. Đắt nhưng được điểm cao hoặc không phải thi lại. Nói chung là “tiền nào của ấy”. Mặc dù kiến thức thu được là giả nhưng quan trọng là sau 5 năm có được tấm bằng ra trường”.

Còn sinh viên N.T.H.T, sinh viên năm thứ 3, trường ĐHNL Thái Nguyên chia sẻ: “ Hiện tượng này diễn ra thường xuyên ở trường, ở lớp em. Vì trường em thường áp dụng hình thức thi vấn đáp nên việc nâng điểm thi là cực kỳ dễ (chỉ có thầy-trò làm việc với nhau). Lúc sắp thi hết học kì, lớp em lại họp lớp để thống nhất về số tiền và hình thức thăm hỏi thầy cô. Thường thì mỗi người nộp 50 nghìn đồng. Nếu đi riêng hoặc theo nhóm sẽ mất vài trăm. Không phải lúc nào cũng có tiền nên có khi phải đi vay rồi đến tháng bố mẹ gửi tiền lên mới trả được”.

“Hiện tượng nói trên là khá phổ biến ở không ít các trường đại học và cao đẳng. Không dừng lại ở một số lớp học mà hầu như xảy ra hiệu ứng domino, sinh viên lớp này truyền tai lớp khác, khóa trước “dạy bảo” kinh nghiệm cho khóa sau…

Cũng chính từ sự dễ dãi với hiện tượng “phong bì” mà người thầy đã vô tình “chăm sóc” phát triển căn bệnh vốn tiềm ẩn ở một bộ phận sinh viên  lười học, ham chơi. Và chúng ta khó có thể tưởng tưởng được hậu quả sẽ dẫn đến đâu khi người có nhiệm vụ chăm sóc cây xanh và nhổ cỏ dại lại bỏ mặc cây để đi gieo trồng và chăm sóc cỏ dại!”  Đấy là lời bình thật xót xa, chua chát của tác giả viết bài tham gia Diễn đàn với E.mail: hoahaiduongbc@gmail.com.

Không chỉ phê phán một chiều, ở cuối bài viết này, tác giả bài viết “xin bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng với các thầy cô có thái độ đoạn tuyệt với “phong bì” , coi đó là rác rưởi của xã hội, và luôn đứng vững trên bục giảng bằng tâm huyết, trách nhiệm nghề nghiệp. Cũng xin hoan nghênh những sinh viên thà thi lại, học lại còn hơn làm mất lòng tự trọng, hạ thấp nhân cách bản thân. Các Thầy Cô và những sinh viên như vậy thật đáng quý, đáng trân trọng.Mong sao cho họ có thể đứng vững trước sự cám dỗ của “phong bì” và số điểm giả tạo”.

Cũng phải khẳng định rằng không phải trường đại học nào cũng để xảy ra hiện tượng “phong bì”. Bên cạnh những “con sâu làm rầu nồi canh”, còn rất nhiều thầy cô giáo vẫn giữ được lương tâm trong sạch và luôn tận tụy với nghề, giúp cho sinh viên yên tâm học tập và có cơ hội tiến thủ bằng chính sự phấn đấu của mình.

Đúng như bạn sinh viên Nguyễn Oanh đã viết: “Đọc ý kiến của nhiều bạn sinh viên, tôi thấy thông cảm nhưng e có phần phiến diện. Bên cạnh những người thầy đã tự đánh mất mình, còn biết bao Người Thầy luôn giữ được nhân cách và đức độ của “Người Kỹ sư Tâm hồn”.

Cùng với suy nghĩ như vậy, bạn sinh viên ký tên Co Tranh kể lại câu chuyện của mình để nói lên Tấm lòng của Người Thầy. “Khi làm luận văn tốt nghiệp, trong khi bạn bè thường có “phong bì” cho thầy, còn tôi không có đủ can đảm để làm việc đó vì sợ làm xúc phạm Thầy. Tôi rất lo và dự đoán có nhiều khả năng xảy ra. Sau khi nộp bản thảo, tôi bắt đầu những ngày dài chờ đợi…Tôi sợ niềm tin của tôi bị vụn vỡ…Rất may cho tôi, Thầy góp ý cho tôi rất tận tình, còn động viên tôi cố gắng viết hay để đạt điểm cao nữa.

Ngày bảo vệ, tôi ôm hoa đến tặng Thầy, Thầy nhìn tôi cười hoan hỉ, có chút tự hào về tôi, tôi cũng vậy. Thầy mãi mãi là người tôi kính trọng. Tôi mãi mãi kính yêu Người Thầy đã để lại cho tôi ấn tượng tốt đẹp của thời sinh viên”

Trao đổi ý kiến về vấn đề này, GS.Nguyễn Lân Dũng (ĐHQG HN) khẳng định: Hơn 50 năm dạy đại học, tôi chưa bao giờ nhận bất cứ một cái “phong bì” nào của sinh viên. Trong quá trình dạy học, sinh viên nào “đi phong bì”, tôi phê bình ngay. Cả việc chấm thi, hội đồng chấm thi để “phong bì” vào trong hồ sơ, tôi cũng không đồng ý. Bởi vì cái phong bì đó không phải tiền của Nhà nước mà là lấy từ túi của người bảo vệ luận văn. Thầy đúng đắn thì không trò nào đưa tiền được.

Cô giáo Hoàng Thị Kim Chi (ĐHSPHN) thẳng thắn bày tỏ lòng mình: “ Tôi có 26 năm đứng bục giảng của trường đại học, nhưng tôi luôn tự hào vì chưa bao giờ nhận tiền của sinh viên, chưa bao giờ tìm cách nhũng nhiễu, hạch sách hay có bất cứ lời nói hay dấu hiệu gì để sinh viên nghĩ rằng họ cần phải đến thăm tôi.

Dù vì lí do này hay lí do khác, chẳng hạn như vì lương quá thấp, cũng không thể chấp nhận việc giáo viên nhận tiền của sinh viên trên giảng đường của trường đại học. Đó là sự sỉ nhục lớn đối với nghề nhà giáo.”

Và đây cũng là những lời tâm huyết của thầy giáo Hoang Minh Tho, một giảng viên trẻ tuổi của đại học: “Đọc những dòng phản ánh của sinh viên về chuyện “đi thầy” vừa thấy xót xa, vừa thấy bất bình. Các bạn nói đúng, lương giảng viên rất thấp, như các bạn phân tích. Ở Khoa QTKD nơi tôi đang làm việc, đa số các thầy cô đều là thạc sĩ, tiến sĩ từ các chương trình hợp tác quốc tế hoặc từ nước ngoài về. Trước khi chúng tôi về trường đại học cũng có những lời mời từ các công ty nước ngoài, nhưng vì yêu thích công việc giảng dạy, vì sở thích nghiên cứu, học hành…mà về trường đại học. Nếu chỉ vì tiền, chúng tôi đã có nhiều lựa chọn khác”.

Và người giảng viên trẻ tuổi đó đã rất chân thành nói lên nguyện vọng đơn giản của mình: 

 “Có những người thích quyền, có những người thích tiền. Và tôi tin có nhiều bạn trẻ sẽ ủng hộ tôi khi tôi nói rằng có những người đơn giản là thích mình giỏi, thích mình có được môi trường tốt để phát triển bản thân, để làm việc hết sức mình, để khai thác tối đa bản thân”

Đấy là ước mơ giản dị và thật đẹp của người trí thức trẻ muốn được cống hiến hết mình cho cái nghề mà mình đã lựa chọn. Điều đó há chẳng phải là điều đáng ngưỡng mộ và học tập đối với nhiều bạn trẻ đang còn ngồi trên ghế trường đại học ?

Một giảng viên trẻ tuổi khác ký tên bài viết là Tạ Đức Khánh có cách nhìn nhận vấn đề từ mối quan hệ tương tác thầy - trò, nền nếp quản lý của nhà trường và cả xã hội. Muốn giải quyết vấn đề này, cần phải đột phá từ đâu là tùy thuộc vào điểm đứng của mình – là giảng viên, là sinh viên và cả người thân của họ hay là cán bộ quản lý trong nhà trường.

 

Với cách nhìn nhận như vậy, Thầy giáo Tạ Đức Khánh khẳng định: “Về phía giảng viên chúng tôi luôn tự hào là những năm gần đây trường của mình vẫn được coi là một sân chơi “sạch” cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên hệ chính quy, dài hạn”.

 

Và để góp phần cùng nhà trường giữ cho môi trường giáo dục không bị vẩn đục bởi tệ nạn “đi thầy”, Thầy giáo Tạ Đức Khánh dành ra một số tiền nho nhỏ để treo giải giải thưởng cho mỗi kỳ thi cuối môn học của mình. Sinh viên nào đạt điểm cao nhất được nhận “Huy chương vàng” trị giá 150.000 đồng, tiếp theo là “Huy chương bạc” (100.000đ) và “Huy chương đồng” (50.000đ) kèm theo ba cây bút bi thật đẹp dành cho ba người đoạt giải. Chỉ cần một tín hiệu nho  nhỏ đó thôi từ phía người Thầy, không còn một sinh viên nào nghĩ đến chuyện “đi thầy” trước kỳ thi. Còn khi hướng dẫn sinh viên làm khóa luận hay luận văn thì Thầy giáo hẹn các em sinh viên đến Văn phòng khoa, vừa đỡ cho sinh viên phải lo việc “đến nhà thầy, cô với tay không” vừa giúp các em tập trung vào vấn đề chuyên môn, học thuật, không phải “lăn tăn” nghĩ những điều khác.

Kết thúc bài viết của mình, Thầy giáo Tạ Đức Khánh đưa ra nhận định có tính khái quát: “Phải chăng câu nói của người xưa là đúng (ít nhất là từ điểm xuất phát để nhìn nhận và giải quyết vấn đề “đi thầy, đi cô” hiện nay): “Lớp học không nghiêm, lỗi trước hết ở người thầy” ?

Đấy cũng là suy nghĩ và cách ứng xử  thể hiện đầy đủ ý thức trách nhiệm cũng như vai trò quyết định của Người Thầy trong việc giữ gìn đạo lý giữa Thầy và trò cũng như những chuẩn mực đạo dức cần thiết trong  môi trường giáo dục.

Cuộc  trao đổi ý kiến trên báo Dân trí về tệ nạn “đi thầy” diễn ra không dài, nhưng đã thu hút được sự quan tâm tham gia của nhiều bạn đọc, đặc biệt là những bạn trẻ đang là sinh viên ở nhiều trường đại học cũng như nhiều Thầy Cô giáo đang giảng dạy đại học. Vì khuôn khổ có hạn của Diễn đàn không thể đăng hết những ý kiến gửi đến Tòa soạn, chúng tôi xin tóm lược những ý kiến chung đáng lưu ý nhất qua cuộc thảo luận:

1-Nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng “đi thầy” trước kỳ thi hoặc làm đồ án, luận văn là khá phổ biến trong các trường đại học, cao đẳng. Đấy là biểu hiện của tệ nạn tham nhũng đã lan tràn vào môi trường chuẩn mực giáo dục, làm suy thoái tình nghĩa thầy trò, làm mất đi sự công bằng cũng như sự nghiêm túc - trung thực của quá trình học tập và thi cử.

2-Những người sinh viên quen với việc “đi thầy” không giữ được lòng tự trọng và quen với thói lười nhác, không phấn đầu hết sức mình trong quá trình học tập, họ ra trường với nhiều lỗ hổng về kiến thức và quen sống luồn lọt, đút lót. Thử hỏi những người mang danh “trí thức” với tấm bằng đại học như vậy sẽ gây ra biết bao hệ lụy cho xã hội.

3-Trước hiện tượng “đi thầy” khá phổ biến trong nhà trường, không thể không nói đến trách nhiệm quan trọng của người Thầy. Nếu người Thầy giữ được vai trò mô phạm, luôn thể hiện sự minh bạch, công bằng và vô tư trước mọi học trò của mình thì chắc chắn không diễn ra chuyện “đi thầy”.

4-Nhìn nhận hiện tượng đáng buồn này trong nhà trường, chúng ta luôn cần có thái độ khách quan, không “vơ đũa cả nắm”. Bên cạnh những trường đại học, cao đẳng xảy ra tình trạng đáng chê trách về chuyện “đi thầy” thì còn không ít trường đại học, nhất là những trường lớn vốn có uy tín không hề xảy ra hiện tượng đó.

Chúng ta cũng cần phân biệt hiện tượng “đi thầy” với động cơ vụ lợi khác về bản chất với việc thăm hỏi Thầy Cô giáo với động cơ trong sáng, tỏ bày lòng kính trọng và biết ơn Thầy Cô, nhất là vào dịp lễ tết theo truyền thống vốn có của dân tộc ta.

5-Muốn tìm đến cội nguồn của hiện tượng “đi thầy”, chúng ta nên đặt nhà trường trong mối quan hệ tổng thể với xã hội.

Nhà trường không phải là một “ốc đảo” trong xã hội ngày nay khi tình trạng tham nhũng vẫn còn khá phổ biến, hiện tượng đưa “phong bì” để “được việc” cũng là phổ biến thì nhà trường cũng dễ bị ảnh hưởng những thói hư tật xấu đó. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chịu khoanh tay trước những tệ nạn đang diễn ra trong môi trường “trồng người”-  một môi trường luôn đòi hỏi sự chuẩn mực về nhân cách, đạo đức, trước hết thể hiện ở vai trò mô phạm của Người Thầy luôn nêu gương sáng cho học trò của mình. Và trên thực tế, đã có rất nhiều Người Thầy làm được như vậy.

Tạo điều kiện cho các Thầy Cô giáo làm tròn nhiệm vụ cao quý “trồng ngườì”, nhà nước ta cũng như các cấp chính quyền, các cấp quản lý giáo dục cần có biện pháp đồng bộ chăm lo xây dựng môi trường xã hội lành mạnh cũng như nền nếp, kỷ cương của nhà trường, nhất là tạo điều kiện làm việc và chăm lo tốt hơn đời sống của đội ngũ giáo viên. Từ đó, các Thầy Cô giáo có thể yên tâm dành toàn bộ trí tuệ và tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người”. Đấy cũng là biện pháp thiết thực nhằm khắc phục từ gốc tệ nạn “đi thầy” trong nhà trường, trả lại sự trong sáng vốn có của tình nghĩa Thầy-trò.

                                                              

                                                           Thao Lâm