Xin đừng đánh mất danh dự của nghề cao quý

Thật buồn! khi suốt ngày phải nghe lũ trẻ làng tôi ra rả hát đi hát lại mấy câu thơ không biết của ai sáng tác, chế nhạo mấy cô giáo vừa là giáo viên kèm theo chủ quán: Sáng dạy, chiều bán quán/Hàng hoá và giáo án/Cô giáo và chủ quán/Khác nhau sáng và chiều.

Vâng! Ngày xưa khi còn khó khăn, đồng lương giáo viên quá thấp, ngoài sáng lên lớp, chiều người giáo viên phải làm thêm đủ thứ việc mới mong sống nổi để theo nghề như cày, bừa sản xuất chăn nuôi thêm. Còn bây giờ tuy chưa dư giả, nhưng rõ ràng lương giáo viên là “giấc mơ” đói với các công chức ngạch hành chính sự nghiệp, chỉ trừ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại không thể sánh được.

Một anh bạn tôi cho biết, anh là một phó trưởng Ban xây dựng Đảng của huyện, năm nay có gần 40 năm công tác, đã hết khung lương 4,98, tổng thu nhập chưa đầy 3,5 triệu đồng/tháng, trong khi đó con gái anh vừa ra trường dạy học ở một trường trung học phổ thông cấp huyện, cả tiền phụ cấp, dứng lớp và tiền lương đã trên 5 triệu đồng/tháng.

Chúng tôi lấy số liệu này không phải để tị nạnh mà để khẳng định lương giáo viên bây giờ là sống được rồi. Thế nhưng xung quanh việc phải bàn hiện nay đối với đạo đức Nhà giáo, còn lắm chuyện phải nói đến. Những câu thơ mà bọn trẻ hát trên chỉ là vấn đề nhỏ thôi mà! Còn bao nhiêu việc làm khác, đang làm cho đạo đức, uy tín “người thầy” trong xã hội bị xuống cấp nghiêm trọng.

Một hiệu trưởng trường Trung học phổ thông, như ông Sầm Đức Xương, ăn no rửng mỡ “đi mua trinh của học sinh”; Chuyện giáo viên đi buôn bán, sử dụng ma tuý ở Nghệ An; Một giáo viên đi cướp tiệm vàng và gần đây báo chí nói đến nhiều về việc “đi phong bì cho thầy” trong dịp tết, lễ..vv.. đang làm cho danh dự người thầy bị bôi đen, xã hội lên án.
Xin đừng đánh mất danh dự của nghề cao quý - 1
 Giáo viên nhà trường vượt suối vào tận biên giới Việt Lào vận động học sinh Đan Lai ra học
 
Ngày xưa tuy còn khó khăn, người giáo viên làm việc gì cũng nhìn trước, ngó sau, trăn trở, đắn đo rất kỹ, nhất là đối với phụ huynh học sinh và người quen. Họ luôn trọng danh dự. Trong sinh hoạt đời thường, từ lời ăn, tiếng nói luôn nhẹ nhàng, giữ kẽ.
 
Ngày nay, nhất là giáo viên trẻ không còn cho đó là điều thiêng liêng, tối kỵ, mà buột miệng là văng tục, không những không làm gương cho học sinh học tập, mà còn làm cho học sinh học theo. Ngay cả việc dạy thêm, học thêm, bây giờ trở thành phong trào và là nguồn thu nhập không nhỏ của không ít giáo viên. Việc mở lò luyện thi, ôn thi đại học cũng bắt đầu từ giáo viên và bắt đầu từ mục đích kinh tế là chính.

Điều mà người giáo viên nên nhớ rằng: Trong xã hội ta hiện nay chỉ có 2 người được nhân dân tôn vinh gọi bằng thầy! Không chỉ học sinh đã và đang học mình mới gọi mà cả những người không học, người lớn tuổi đều tôn vinh đó là: Thầy giáo và thầy thuốc. Tôi nói đến vấn đề này để nói rằng vai trò thầy giáo trong xã hội ta đáng kính và đáng trọng lắm, có điều là chúng ta làm sao để xứng đáng với sự tôn vinh, kính trọng đó!?

Người thầy giáo luôn thanh cao, sống cuộc sống thanh đạm, không ham hố, không bị vật chất tầm thường quyến dỗ. Lịch sử Việt Nam đã nêu tên không ít người thầy từ bỏ chốn quan lại, từ bỏ bổng lộc về nơi dân dã sống và làm nghề dạy học, không thu học phí của trò mà dồn tâm huýet của mình đào tạo nhân tài cho đất nước như: Chu Văn An; Nguyễn Bỉnh Khiêm; Nguyễn Trãi; Nguyến Khuyến; Phùng Khắc Khoan… còn lưu danh ngàn đời trong lòng người Việt Nam đó sao!

Ngành giáo dục dang thực hiện cuộc vận động lớn trong ngành với 5 nội dung: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; Nêu cao đạo đức nhà giáo; phong trào trường học thân thiện và học sinh tích cực và năm học này thêm một không là nói không với bạo lực học đường.

Đảng và Nhà nước đang tìm mọi cách để tăng lương cho giáo viên, chúng tôi mong rằng người thầy hãy đặt trách nhiệm lên trên trong việc nâng cao dân trí, đào tạo, nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước để gắng sức cùng dân tộc đưa đất nước Việt nam lên tầm cao mới.

Từ đó hãy lấy danh dự và trách nhiệm của nghề cao quý làm động lực hành động, đừng vì vật chất, dục vọng tầm thường mà đánh mất tất cả. Để vai trò và danh dự người thầy sáng đẹp mãi như nắng đẹp hoa thơm trong lòng dân tộc Việt Nam.
 
Phùng Văn Mùi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm