Không đánh mắng nhưng giáo dục không thể thiếu "hình phạt" và kỷ luật

(Dân trí) - Kỷ luật là cần thiết trong mọi lĩnh vực không chỉ riêng giáo dục. Với lĩnh vực đối tượng là con người, là thế hệ trẻ, hình thức kỷ luật phải mang tính nhân văn thì mới mang lại hiệu quả như mong muốn.

Mới đây, quan điểm "giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ" của Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhận về rất nhiều luồng tranh cãi. Nhiều giáo viên, phụ huynh cho rằng, vì một số lý do, nhiều trẻ em ngày nay trở nên ương bướng, khó bảo; những lời khuyên răn của người lớn không còn tác dụng để dạy dỗ. Do đó, cha mẹ và thầy cô cần dùng những hình phạt nghiêm khắc hơn.

Bên cạnh đó, một số quan điểm bày tỏ, thay vì sử dụng cách trừng phạt trẻ đầy nghiêm khắc, thậm chí mang hơi hướng bạo lực, gia đình và nhà trường có thể giúp trẻ tốt hơn bằng nhiều cách, trong đó có "kỷ luật tích cực".

Không đánh mắng nhưng giáo dục không thể thiếu hình phạt và kỷ luật - 1

Không đánh mắng, không đòn roi không đồng nghĩa với việc giáo dục thiếu đi "hình phạt" và kỷ luật.

Đừng nhầm giữa "kỷ luật" và "trừng phạt"

Hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo, cô Đoàn Thị Lượng (trường THPT Tô Hiệu) chia sẻ, trong công tác dạy học hiện nay, ngoài việc trau dồi tri thức, nâng cao thể chất thông qua các hoạt động thực tế; đội ngũ nhà giáo còn phải quan tâm tới việc giáo dục tư tưởng, dạy các em phân biệt phải trái, đúng sai và những điều hay lẽ phải.

Trong quá trình giáo dục này, song song với các hình thức khen thưởng, thầy cô cũng cần đưa ra những biện pháp kỷ luật, "răn đe" đối với học sinh ngỗ nghịch, không nghe lời khuyên can, nhắn nhủ của giáo viên và cha mẹ hay có những hành vi làm ảnh hưởng tới bản thân, tập thể lớp…

Cô Lượng phân tích, kỷ luật là cần thiết trong mọi lĩnh vực không chỉ riêng giáo dục. Nó giúp con người nhận thức được sai lầm và đưa mọi thứ trở về nề nếp, quỹ đạo. Có điều, với lĩnh vực mà đối tượng là con người, là thế hệ trẻ, hình thức kỷ luật phải mang tính nhân văn thì mới mang lại hiệu quả giáo dục như mong muốn. 

"Là một giáo viên, tôi hoàn toàn phản đối những hình thức kỷ luật "thép" kinh điển như bắt học sinh quỳ gối, phạt roi hay xúc phạm các em bằng những lời nói không đúng chuẩn mực. Chúng ta đừng nhầm lẫn giữa "kỷ luật" và "trừng phạt". Kỷ luật là hình thức giúp trẻ nhận ra lỗi lầm, điều chỉnh lại hành vi nhưng vẫn không mất đi sự tự tin. Ngược lại, trừng phạt là những biện pháp gây xúc phạm, đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần, khiến các em cảm thấy tự ti, thậm chí không thể nhận ra lỗi sai của mình.

Đã chọn làm nghề giáo thì dù áp lực thế nào, dù học sinh có hiếu động, quậy phá ra sao, thầy cô cũng cần phải xem xét, tìm hiểu lý do và lựa chọn biện pháp giáo dục phù hợp. Hãy dùng tình thương, trách nhiệm để cảm hóa và hướng trẻ đến những hành vi đúng đắn, thúc đẩy sự tự giác, tự lập, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung", cô Lượng nhấn mạnh.

Nhà giáo Ngọc Hà - giáo viên chủ nhiệm lớp 6 tại Hà Nội cho rằng, khi mắc lỗi, học sinh chắc chắn phải nhận kỷ luật. Tuy nhiên, quan niệm giáo dục phải bắt nguồn từ tình thương, cô giáo này bày tỏ, trước mỗi lỗi lầm của học sinh, thầy cô cũng như phụ huynh cần tìm hiểu nguyên nhân đằng sau hành vi sai của đứa trẻ, để kiểm soát cảm xúc cá nhân, tránh những hình thức kỷ luật tiêu cực bột phát.

Sau đó, tùy vào mức độ, tác động và hậu quả hành vi vi phạm của học sinh, thầy cô cần cân nhắc biện pháp giáo dục để quyết định hình thức kỷ luật theo hướng tích cực và phù hợp.

Ví dụ, với những hành vi nói năng chưa chuẩn mực với thầy cô, bạn bè, đơn giản nhất là yêu cầu các em nói lại cho đến khi đúng. Nếu trẻ vứt rác lung tung, con sẽ phải ở lại dọn dẹp lớp học, tưới cây quanh khuôn viên trường… Nếu trong tiết không làm bài tập, thầy cô có thể "phạt nhẹ" bằng cách giao cho trẻ bài tập về nhà và ngày mai trình bày trước lớp.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, lãnh đạo nhà trường cần trao đổi với thầy cô liên quan, thống nhất hình thức kỷ luật. Việc công bố hình thức kỷ luật cũng nên ở không gian nhỏ, tuyệt nhiên không công bố kỷ luật trước toàn trường bởi sẽ khiến học sinh đó xấu hổ, bẽ bàng, gây những tổn thương tâm lý không đáng có.

"Học sinh - đối tượng chưa có nhận thức đầy đủ nên lỗi lầm là những điều khó tránh. Hãy coi đó là cơ hội để thầy cô, gia đình giáo dục các em thay đổi hành vi, hoàn thiện bản thân theo chiều hướng tích cực hơn" - giáo viên Ngọc Hà nhắn nhủ.

Giáo dục trẻ cần bắt nguồn từ tình thương

Phản đối việc bạo hành trẻ dù ở bất kỳ nơi đâu, song theo nhà giáo Nguyễn Trung Hiếu (giáo viên cấp 2 tại Hà Nội), không đánh mắng, không đòn roi không đồng nghĩa với việc giáo dục thiếu đi "hình phạt" và kỷ luật. Do đó, trong quá trình giáo dục, hình thành nhân cách cho trẻ, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình và nhà trường.

"Tôi từng gặp trường hợp một số phụ huynh rất dễ dàng với con, đến mức nuông chiều và giáo viên rất khó uốn nắn các con vào khuôn khổ. Ngược lại, cũng có nhiều cha mẹ lại quá nghiêm khắc, thậm chí là dùng roi vọt để giáo dục con, tạo ra tâm lý "lỳ đòn" cùng một bức tường ngăn cách sự chia sẻ khiến việc dạy trẻ cũng gặp nhiều trở ngại.

Vì vậy, tôi cho rằng sự đồng hành và nhất quán trong tư duy giáo dục giữa gia đình và nhà trường. Phụ huynh nên cùng giáo viên thống nhất trong việc đặt ra quy định, hình thức kỷ luật đối với mỗi cá nhân vi phạm, theo dõi và hỗ trợ quá trình thay đổi hành vi của học sinh".

Đồng quan điểm, cô Đoàn Thị Lượng cho hay, việc áp dụng những quy định và hình phạt phải được tiến hành đồng bộ đối với học sinh, giáo viên, thậm chí là cha mẹ. Nếu người lớn làm sai, tất nhiên sẽ phải "chịu phạt" theo quy tắc (Đối với mỗi gia đình, cha mẹ và con cái sẽ tự quy định những hình thức kỷ luật riêng). Điều này sẽ tạo ra sự công bằng trong ứng xử luật lệ, quy định và trẻ em và người trưởng thành đều phải nỗ lực để không vi phạm.

"Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến việc dạy dỗ trẻ bằng những hình thức kỷ luật, hãy bắt đầu giáo dục trẻ bằng những lời khuyên. Tôi chắc chắn, trẻ sẽ ngoan hơn khi biết mình được đối xử một cách tôn trọng. Hãy dành nhiều thời gian tâm sự, sẻ chia, để người lớn có thể hiểu được nỗi lòng trẻ thơ và các con cũng thấu được những lời dạy bảo yêu thương và tấm lòng bao dung của thầy cô, cha mẹ. Giáo dục trẻ không bắt đầu từ thứ gì đó quá xa vời, mà khởi nguồn từ chính tình thương yêu".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm