Giáo dục khuyên nhủ: Lấy mục tiêu "trẻ ngoan" để biện minh gây tổn hại trẻ

(Dân trí) - Quan điểm "Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ" đang lấy mục tiêu "trẻ ngoan" để biện minh cho mọi phương tiện có thể gây tổn hại trên tinh thần đứa trẻ.

Ông Ngô Minh Uy, Giám đốc Công ty Tâm lý chuyên nghiệp WE Link, Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TPHCM, chia sẻ một số ý kiến quanh quan điểm "Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ" gây tranh cãi trái chiều giữa phụ huynh, giáo viên và cả những nhà hoạt động giáo dục, tâm lý trong những ngày qua.

Giáo dục khuyên nhủ: Lấy mục tiêu trẻ ngoan để biện minh gây tổn hại trẻ - 1

Ông Ngô Minh Uy.

Nhấn mạnh "trừng phạt không có tính giáo dục!", ông Ngô Minh Uy cho rằng quan điểm "Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ" đang lấy mục tiêu "trẻ ngoan" để biện minh cho mọi phương tiện có thể gây tổn hại trên tinh thần đứa trẻ. 

Chung quy vẫn là làm cho đứa trẻ sợ hãi mà thay đổi hành vi theo ý người lớn. Cần nhớ một con người phát triển khỏe mạnh và lộ ra hết được các tiềm năng của chính người đó, chứ không phải nghe lời theo chuẩn mực của người khác hay xã hội.

Dường như phát biểu này theo quan sát của bản thân, chứ không dựa vào bất kỳ một công cụ nghiên cứu hay khảo sát gì cả.

"Trong tất cả các khóa huấn luyện hay các buổi nói chuyện với những anh chị làm tham vấn hay giáo dục, tôi đều nhấn mạnh chúng ta phải dựa vào bằng chứng nghiên cứu cho những phát biểu của mình, vì đó là dấu chỉ cho thấy mình cùng chia sẻ chung giá trị làm khoa học", ông Ngô Minh Uy bày tỏ.

Ông dẫn giải, nhà tâm lý học người Mỹ Lawrence Kohlberg đã từng dựa vào phân định phát triển trí tuệ của Piaget để hình thành mô hình hình thành đạo đức của một con người. Theo đó, cứ càng lớn dần lên, đặc biệt sau 6 tuổi dường như các hình phạt không còn được sử dụng như công cụ để giáo dục đứa trẻ nữa. 

Trước 6 tuổi một số hình phạt có thể được dùng như các yếu tố bên ngoài để cho đứa trẻ ghi nhớ, nhưng ngày nay việc này cũng đã thay đổi rất nhiều bằng đối thoại.

Càng lên cao nhất là giai đoạn 5 và 6 (trên 11 tuổi), không phải nhấn mạnh ở chỗ "sẽ bị phạt khi vi phạm" mà là nhấn mạnh đến tính công bằng trong xã hội.

Thêm nữa, hành vi đạo đức của con người được hình thành từ bên ngoài vào bên trong, thông qua quá trình nội tâm hóa. Từ các hành vi đạo đức phải tuân giữ cho đến những hành vi luân lý đã được hình thành bên trong nội tâm (đến 11 tuổi thường đứa trẻ đã có các giá trị luân lý bên trong mình).

Theo định nghĩa của tổ chức y tế thế giới WHO về con người khỏe mạnh tâm thần: Sức khỏe tâm thần là tình trạng an lạc theo đó một cá nhân nhận diện được những năng lực của họ, có thể ứng phó với những stress bình thường hàng ngày, có thể làm việc hiệu quả và có khả năng đóng góp cho cộng đồng.

Trong bối cảnh Việt Nam, ông Minh Uy cho rằng từ quan sát và làm việc trực tiếp, các điều kiện có thể đang gây những bất lợi cho những ai làm giáo viên khi họ kiểm soát một số lượng học sinh quá đông, làm việc nhiều giờ và nhiều việc, trong khi đó các khoản thu nhập và phát triển bản thân không thực sự được đầu tư, lại còn phải đối diện với chuyện "thành tích" ở khắp mọi nơi… 

"Giáo viên có thể gặp khó khăn trong chính cảm xúc của bản thân, và họ không thể "ứng phó với stress bình thường hàng ngày" và kéo theo làm việc "chưa hiệu quả". 

Có lẽ những ai đảm nhận vai trò giáo dục trẻ em cần xem xét lại chính mình, xem lại nội tâm và an lạc tâm thần của chính mình để thay đổi chứ không phải bằng việc gia tăng các kiểu "phạt không gây tổn thương"", ông Ngô Minh Uy nêu quan điểm.

Giáo dục khuyên nhủ: Lấy mục tiêu trẻ ngoan để biện minh gây tổn hại trẻ - 2

Theo ông Ngô Minh Uy, chúng ta nặng văn hóa bất ổn la mắng và trừng phạt đứa nhỏ (Ảnh minh họa).

Theo ông, lâu nay nhiều người có thói quen la mắng và trừng phạt đứa nhỏ, với mục đích khuất phục đứa trẻ bằng nỗi sợ. Đến ngày điều này đã được nội tâm hóa khiến chúng ta vô cùng thụ động và không có được lòng tự tôn khỏe mạnh. Vậy nên, đừng mong chúng ta thành những "công dân toàn cầu" dám có ý kiến hay quan điểm của bản thân. 

"Chúng ta muốn có những em bé ngoan hiền để làm gì khi điều đó không mang lại giá trị thật sự cho đứa trẻ mà chỉ làm đẹp lòng người lớn?", chuyên gia này băn khoăn.

Thưởng và Phạt không đơn giản

Ông Ngô Minh Uy chia sẻ mô hình của Skinner - một nhà tâm lý học theo trường phái hành vi - về các hình thức tạm gọi là thưởng/củng cố và phạt như sau:

- Củng cố dương: Thêm kích thích để tăng hành vi mong muốn. Ví dụ các phần thưởng khi trẻ có hành vi tốt (tùy bối cảnh và lứa tuổi mà dùng phần thưởng vật chất hay tinh thần)

- Củng cố âm: Bỏ kích thích để tăng hành vi mong muốn. Ví dụ khi đứa trẻ đi học trễ hay đánh nhau (hành vi không mong đợi) sẽ phải nộp phạt cho thầy cô một số tiền hoặc phải quét lớp…

- Trừng phạt dương: Tăng kích thích để giảm hành vi. Đánh đập hay la mắng để trẻ thôi không làm một hành vi sai trái không mong đợi.

- Trừng phạt âm: Giảm kích thích để giảm hành vi không mong đợi. Ví dụ, tước đi của trẻ việc được ưu tiên xem ti-vi hay mua một món đồ chơi để trẻ ngưng những hành vi không mong đợi.

Trong số 4 cách thức mà Skinner nêu trên, nên nhớ các kiểu trừng phạt thường là "khó quên" với đứa trẻ và sẽ có tác động tiêu cực lâu dài khi trưởng thành. Ở Việt Nam có thể vì văn hóa nên có những người xem như là đương nhiên khi nói "hồi nhỏ bị phạt dữ lắm nên giờ mới nên người", nhưng đừng tin những lời đó; hoặc có những người có tổn thương nhưng giấu đi.

Phương pháp được khuyến khích là củng cố dương tính, những cái còn lại có thể cân nhắc về mức độ hay về tính thường xuyên, có thể dùng trừng phạt âm. Hai phong cách củng cố âm và trừng phạt dương không nên dùng trong giáo dục người khác.