PGS.TS Trần Thành Nam: Tôi không rõ "giáo dục khuyên nhủ" mang hàm nghĩa gì
(Dân trí) - Tôi không rõ quan điểm "Giáo dục bằng khuyên nhủ đang dần hủy hoại giới trẻ" gây tranh cãi mang hàm nghĩa gì. Tuy nhiên, việc kết luận mang tính thái cực, trắng- đen như vậy, rất khiên cưỡng.
Trên đây là ý kiến của PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội) về quan điểm "Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ" gây tranh cãi trên mạng xã hội vài ngày qua.
Không thể kết luận "Giáo dục lời khuyên" phản tác dụng
Ông nghĩ gì về quan điểm "Giáo dục bằng khuyên nhủ đang dần hủy hoại giới trẻ" đang gây tranh cãi kịch liệt vài ngày gần đây? Là chuyên gia tâm lý, ông có đồng tình với quan điểm đó?
- Thú thực tôi không rõ quan điểm "Giáo dục bằng khuyên nhủ đang dần hủy hoại giới trẻ" gây tranh cãi những ngày gần đây mang hàm nghĩa gì. Tuy nhiên, việc kết luận mang tính thái cực, trắng- đen như vậy, rất khiên cưỡng.
Giáo dục của chúng ta đang dần chuyển đổi từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, người giáo viên thời đại 4.0 hiện tại phải đóng vai trò là người định hướng, người tạo động lực, người gieo mầm cho những khát vọng tuổi trẻ.
Vậy làm thế nào để người lớn có thể định hướng cho các em nếu không có các bài học cuộc sống, những câu nói truyền cảm hứng hoặc những tấm gương người tốt việc tốt?
- Tôi nghĩ tới trong một số tình huống, lời khuyên có thể ảnh hưởng xấu đến trẻ. Ví dụ, người đưa ra lời khuyên không phải là một tấm gương tốt, nói một đằng, làm một nẻo hoặc bản chất của lời khuyên chỉ là cách thức làm lợi mình, hại người, không màng đến các giá trị tích cực của xã hội.
Trên thực tế, chúng ta có thể gặp các tình huống cha mẹ phàn nàn rằng lời khuyên không hiệu quả với gia đình họ, thậm chí phản tác dụng vì cứ đưa ra lời khuyên gì thì đứa trẻ sẽ làm ngược lại 180 độ.
Kể cả khi điều đó xảy ra, cũng không thể kết luận rằng, giáo dục bằng lời khuyên là phản tác dụng mà phải xem xét cách thức đưa ra lời khuyên có đúng không, người đưa ra lời khuyên có phải là tấm gương xứng đáng không, mối quan hệ giữa người đưa ra lời khuyên và người nhận lời khuyên có gần gũi và chân thành với nhau hay không.
Bạn cứ thử tưởng tượng bạn và một đồng nghiệp rất ác cảm với nhau, thường xuyên tranh cãi và căng thẳng với nhau. Hôm nay, đồng nghiệp đó lại đưa cho bạn lời khuyên. Mặc dầu lời khuyên có vẻ có lý và mang tính xây dựng nhưng liệu bạn có háo hức ghi nhận và thực hiện theo không?
Tương tự, cha mẹ giáo dục con bằng lời khuyên, con không nghe, thậm chí làm trái thì không phải là lời khuyên vô dụng mà chính là vì bản chất mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không lành mạnh.
Điều cần làm ở đây không phải là lên án giáo dục bằng lời khuyên mà cần sửa chữa lại mối quan hệ mẹ - con.
Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu
"Phạt" không nhất thiết phải mắng, chửi hay bạo hành. Nếu phạt có mức độ, chẳng hạn bắt chép nhiều hơn các bạn một trang vở, cũng là một trong những cách thức giúp trẻ sống có quy tắc. Ý kiến của ông như thế nào?
- Tôi đang suy nghĩ, rất nhiều người hàng ngày đều đang nói về "kỷ luật tích cực" thật ra chưa hiểu đúng về "kỷ luật tích cực".
Kỷ luật ở đây không phải là động từ như các bạn hiểu. Không được hiểu nó là phải phạt (kỷ luật) đứa trẻ với những hình phạt tích cực (trái với trừng phạt thể chất đau đớn hoặc hạ nhục về tinh thần, phẩm giá) là đủ.
"Kỷ luật tích cực" ở đây phải được hiểu như một tính từ. Có nghĩa không cần dùng hình phạt nhưng cuộc sống của trẻ vẫn trở nên kỷ luật trong một bầu không khí tích cực.
Để cuộc sống của trẻ vẫn trở nên kỷ luật trong một bầu không khí tích cực, theo ông cần có các điều kiện tiền đề nào?
- Thứ nhất tạo lập mối quan hệ trong gia đình giữa cha mẹ và con cái phải rất tích cực. Thời gian ở bên nhau phải trở nên thú vị và vui vẻ giống như phần thưởng với mọi thành viên.
Bố mẹ trở thành "ông chủ tốt" của con bằng cách biết kiểm soát cảm xúc, luôn tôn trọng các ý kiến khác với mình, luôn chú ý lắng nghe với sự thấu cảm, luôn nhận ra và động viên sự cố gắng dẫu nhỏ, thường xuyên khen ngợi, hành động nhất quán với lời nói.
Các bạn hãy thử hình dung xem, chính bạn nếu được làm việc với một ông chủ tốt có đủ các đặc điểm như trên thì bạn có làm việc với tinh thần tự giác không? Khi vô tình mắc lỗi, bạn có tự giác khắc phục không? Những mong muốn của ông chủ bạn có tự tìm cách hoàn thành một cách tốt nhất không?
Nếu bố mẹ cũng luôn đối xử với con như một ông chủ tốt thì đứa trẻ sẽ tự giác thực hiện các mong muốn, đi vào nền nếp trong một bầu không khí tích cực và không cần phải xuất hiện hình phạt.
Mục tiêu của cha mẹ là muốn con hành xử tích cực. Sự chú ý của cha mẹ vào những hành vi tích cực, nhận ra và khen ngợi sự cố gắng là cách hiệu quả nhất để tăng các hành vi tích cực.
Hình phạt khiến trẻ tư duy ít linh hoạt
Như vậy thay vì "phạt", quan điểm của ông ủng hộ việc tăng yếu tố tích cực để giảm hành vi xấu xí của trẻ?
- Tăng hành vi tích cực là cách bền vững nhất để làm giảm các hành vi sai của trẻ chứ không phải hình phạt. Vì thời gian cha mẹ tiếp xúc với trẻ trong ngày là cố định, nếu cha mẹ và trẻ đều dành thời gian chú ý đến hành vi tốt, họ sẽ cảm thấy vui vẻ và thoải mái hơn để lặp lại các hành vi tốt đó.
Và như vậy, trẻ đâu còn thời gian cho những khoảnh khắc mè nheo hay hành xử xấu xí. Giống như cách chúng ta vẫn thường hay nói, lấy cái đẹp dẹp cái xấu là vậy.
Thứ hai, trong gia đình phải có những quy tắc thống nhất và đứa trẻ phải ý thức được rõ về mối quan hệ giữa lựa chọn hành vi và hệ quả.
Ví dụ, trẻ phải hiểu quy tắc đã được mọi người thống nhất là không làm đau bản thân, không gây sự đánh người khác, không làm tổn thương người khác bằng lời nói, không phá hủy làm hỏng đồ vật và thực hiện theo chỉ dẫn của người lớn sau một lời nhắc.
Trẻ phải hiểu mình có quyền lựa chọn hành vi và mỗi hành vi sẽ có những hệ quả tương ứng. Ví dụ, trẻ lựa chọn không ăn thì sẽ bị đói; trẻ lựa chọn không ngủ thì sẽ mệt mỏi; trẻ chọn việc không làm bài tập thì sẽ bị điểm kém; trẻ cố tình nghịch phá hỏng đồ chơi sẽ không còn gì để chơi vì bố mẹ không mua đồ chơi thay thế…
Nếu trẻ hiểu những hệ quả tương ứng với lựa chọn hành vi của mình, trẻ sẽ học được ý thức trách nhiệm. Cha mẹ không cần trừng phạt nhưng trẻ vẫn trở nên kỷ luật hơn.
Và tất cả những gì chúng ta muốn trẻ yêu thích thì tuyệt đối đừng sử dụng chúng như một hình thức phạt. Chẳng hạn, chúng ta muốn trẻ yêu việc viết lách thì đừng sử dụng chép phạt. Điều này sẽ khiến trẻ gắn cảm xúc tiêu cực của "bị phạt" với việc viết lách và hệ quả là trẻ dần dần ghét việc viết lách.
Một số chuyên gia tâm lý rất "dị ứng" với việc "phạt" vì cho rằng, như thế sẽ khiến cho tình trạng của trẻ trở nên trầm trọng hơn. Là chuyên gia tâm lý, ông nghĩ thế nào về nhận định này?
- Nghiên cứu đã chứng minh, việc trừng phạt nghiêm khắc chưa chắc đã khiến trẻ tự giác thực hiện theo những gì người lớn muốn và tính kỷ luật. Trái lại, trừng phạt làm trẻ cảm thấy lẫn lộn, lo lắng, bẽ mặt, tức giận và muốn đáp trả lại.
Các em có thể tìm cách lừa dối để tránh hình phạt, trở nên bạo lực hơn do học từ tấm gương bạo lực của người lớn và dần dẫn miễn dịch với tất cả các hình phạt.
Các hình phạt khiến trẻ tư duy ít linh hoạt, giảm sự sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện. Bầu không khí ngày càng trở nên căng thẳng và cha mẹ ngày càng cảm thấy bất lực hơn trong việc giáo dục con cái.
Vậy theo ông, làm thế nào để trẻ vẫn vâng lời mà không nhất thiết "phạt"?
- Thứ nhất, hãy chú ý và khen ngợi trẻ mỗi lần trẻ vâng lời. Hãy giải thích cho trẻ tại sao trẻ con phải vâng lời người lớn, đó là biểu hiện của sự tôn trọng và là cách để con cái học về ý thức trách nhiệm.
Hãy thống nhất với trẻ khi nào con lựa chọn không vâng lời cha mẹ thì cha mẹ sẽ nhắc nhở con đi ra "góc trấn tĩnh" để suy nghĩ về hành vi của mình và lựa chọn lại.
Khen ngợi khi con đưa ra lựa chọn hành vi đúng và hướng trẻ vào những hành vi tích cực khác.
Xin trân trọng cảm ơn ông!