"Giáo dục bằng khuyên nhủ đang dần hủy hoại giới trẻ": Vì sao bị ném đá?
(Dân trí) - "Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ" gây tranh cãi trên mạng xã hội. TS Vũ Thu Hương- tác giả quan điểm này cho rằng, có thể điều này không "lọt tai" nhưng tốt cho trẻ.
Trao đổi với PV Dân trí rõ hơn về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương cho rằng, từ "phạt" nghe không "lọt tai" nhưng thực ra nên hiểu hình thức "phạt" như thế nào. Trong khi dùng từ "khuyên nhủ nhẹ nhàng", thoạt nghe rất "lọt tai" nhưng hoàn toàn không ổn với đứa trẻ.
"Tôi hoàn toàn không đồng ý với việc đánh đập hay hành hạ trẻ em nhưng hãy cứ phạt theo cách mà tôi nói ở trên, tôi tin sẽ tốt cho chúng", TS Hương nói.
Nên hiểu "phạt" theo hình thức nào
Quan điểm "giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ" mà bà đưa ra gây tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội. Bà suy nghĩ gì về điều này?
- Khi đưa ra quan điểm "giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ", tôi cho rằng, người lớn đã trưởng thành, hiểu biết và rất ý thức nhưng tại sao phải sống và làm việc theo pháp luật? Là vì điều đó giúp kiểm soát được hành động của họ. Tất cả những việc sai trái đều phải phạt, đây là cách để mọi người nhìn vào và tránh vượt quá giới hạn cho phép trong cuộc sống để ở giới hạn bình thường.
Khi bản thân bị trả giá hoặc đơn giản chỉ cần nhìn người khác bị trả giá nếu làm sai luật pháp hoặc sai quy tắc, chúng ta lập tức rút kinh nghiệm. Chẳng hạn đi trên đường, nhìn thấy một người bị cảnh sát phạt vì vượt đèn đỏ, rõ ràng sẽ không có ai dám vượt đèn đỏ nữa.
Với trẻ em cũng vậy. Trẻ em khác người lớn ở chỗ, từ khi sinh ra đến khi đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, chúng không phải chịu quy định của pháp luật.
Nhiều người nói đúng, khi bé chúng không hiểu gì cả nhưng nhiệm vụ của nhà giáo dục là làm sao từ khi bé đến trưởng thành, trẻ em hiểu rằng, chúng cần phải tuân thủ pháp luật. Điều này khiến cho trẻ con không vi phạm những điều không thể chấp nhận được.
Chẳng hạn việc trẻ đánh bạn là sai. Khi người lớn hết lời khuyên nhủ chúng, đấy là điều sai trái nhưng trẻ nghe xong, lần sau lại tiếp tục đánh bạn, vậy phải làm thế nào? Tôi cho rằng, chỉ cần phạt một lần thôi, lần sau chúng sẽ tự rút kinh nghiệm.
Một tài liệu tâm lý ở nước ngoài đã chỉ ra, áp dụng hình phạt với trẻ nhỏ không những không có tác dụng, ngược lại, có thể khiến chúng cảm thấy tồi tệ hơn, thậm chí đau đớn và xấu hổ, dễ nảy sinh hành động tiêu cực. Bà lý giải gì về điều này?
- Tôi nghĩ, điều quan trọng hình phạt đó là gì? Phần lớn mọi người đều nghĩ, phạt là đánh, là mắng, là chửi nhưng theo tôi, hình phạt tôi đề cập đến hoàn toàn không phải như vậy.
Có rất nhiều kiểu hình phạt. Thậm chí trong hành động tra tấn, bạo hành trẻ nhiều khi chưa hẳn là hình phạt. Chẳng hạn bố mẹ cáu lên đánh con, đó là sự trút giận. Những hành động gây tổn hại đến thể chất và tinh thần sức khỏe của trẻ, là bạo hành. Còn những hành động không gây bất cứ tổn hại gì cho đứa trẻ, tại sao lại gọi là hình phạt?
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, là một chuyên gia giáo dục.
Mới đây, Tiến sĩ Vũ Thu Hương có bài chia sẻ quan điểm "Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt" với trẻ nhỏ.
Nữ tiến sĩ giáo dục chia sẻ, trẻ không bị phạt dễ nảy sinh tính coi thường cha mẹ, coi thường người lớn, coi thường mọi luật lệ, quy tắc lễ phép.
Quan điểm này gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Khi con đánh bạn, nhà giáo dục đưa hình phạt để giáo dục trẻ đơn giản có thể là bắt chép phạt. Con phải chép nhiều hơn các bạn trong lớp một trang vở. Nếu học sinh đó chép nhiều hơn các bạn khác trong lớp một trang, tôi nghĩ không vấn đề gì về cả tâm lý lẫn sức khỏe.
Thế nhưng tác dụng của hình phạt đó đưa đến cho đứa trẻ có thể rất lớn. Lần sau cứ mỗi lần đánh bạn, nghĩ lại hình thức phải chép phạt trong giờ đáng ra được chơi, đứa trẻ sẽ không dám đánh bạn nữa.
Với những đứa trẻ bé hơn, chưa có khả năng viết, hình phạt có thể yêu cầu con ngồi yên một chỗ không được đi lại trong khoảng 5-10 phút để nghĩ về những việc con đã làm. Tại sao chúng ta phải khuyên nhủ khi đứa trẻ hoàn toàn ý thức được việc gì được làm, việc gì không được làm?
Dần dần, với cách thức áp dụng như trên, đứa trẻ sẽ hình thành ý thức hành vi nào được và không được phép. Điều này vừa đảm bảo an lành cho đứa trẻ, vừa giúp lập lại trật tự xã hội.
Từ "phạt" không lọt tai nhưng không phải vấn đề kinh khủng
Nhiều nhà tâm lý thường rất ngại dùng từ "phạt" khi đề cập đến vấn đề giáo dục trẻ nhỏ. Là chuyên gia về lĩnh vực này, từng có nhiều lớp đào tạo tham vấn tâm lý cho trẻ em, vì sao bà lại dùng từ dễ gây tranh cãi như vậy?
- Tôi vẫn muốn nhắc lại hình thức "phạt" ở đây là gì. Chẳng hạn một giáo viên tiểu học than phiền với tôi: "Ôi em rất ức chế vì cháu bé ấy viết rất xấu, ở trong lớp thường hay phá lớp. Em ấy việc tập viết để phạt một lúc trước giờ ăn. Điều này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến trẻ nhưng sau đó, phụ huynh lại kiện". Vấn đề tôi đặt ra ở đây sau câu chuyện này, khi chúng ta quá nâng cao vấn đề, khiến sự việc trở nên trầm trọng.
Tôi đã từng tiếp xúc với nhiều trẻ em từ nhỏ đến lớn và tôi luôn có hình phạt. Khi tôi hỏi "đi với bác các con cảm thấy thế nào"? Nhiều trẻ trả lời: "Đi với bác chúng con rất thoải mái vì biết được phép làm gì và không được phép làm gì. Bọn con chỉ cần tránh những điều bác phạt là được".
Thực tế không phải tất cả trẻ con nào ở cạnh tôi đều bị phạt, thậm chí chúng trở nên rất ngoan bởi khi thấy một bạn nào đó trong lớp bị phạt, chắc chắn chúng sẽ tránh. Lấy thí dụ tầm 6h tối, tôi yêu cầu các con phải tắm, nếu giờ đó chưa tắm sẽ bị phạt. Như thế chúng sẽ phải kéo nhau đi tắm trước 6h. Dần dần, điều đó sẽ thành nếp và không trẻ nào vi phạm nữa.
Thay vì áp dụng hình phạt, theo bà tại sao chúng ta không tìm hiểu nguyên nhân khiến con sai để "điều trị" từ gốc?
- Vấn đề không phải trẻ con nào cũng lý giải được tại sao chúng làm như thế. Có nhiều điều trẻ con không hiểu nhưng nhà giáo dục thì biết, có những đứa trẻ không chỉ phá lớp mà đã phá ở nhà rất nhiều. Bố mẹ khuyên nhủ nhưng vẫn không cải thiện được tình hình.
Vì thế sau này khi gặp chuyện, đứa trẻ đó cũng sẽ khuyên nhủ người khác. Khi chúng ta sống và làm mọi việc trong khuôn khổ quy định, đứa trẻ đó cũng sẽ học theo.
Cho nên khi giáo dục trẻ con, chúng ta cũng đặt ra những quy định. Nhiều người nghĩ, "phạt" mà tôi nói ở đây là đánh, chửi, mắng…, nhưng hoàn toàn không phải như thế.
Chúng ta đưa ra quy tắc để hướng đến sự đối xử công bằng. Còn khi áp dụng việc khuyên nhủ, nghĩa là người lớn đang đặt vai trò mình là "bề trên" nói với người dưới và trẻ sẽ có phản ứng tâm lý không muốn lắng nghe nữa.
Nếu bố mẹ sợ hình phạt có ảnh hưởng tâm lý đến con mình, bố mẹ hãy đặt ra các quy định và bản thân mình cũng phải chịu phạt nếu sai. Như vậy đứa trẻ sẽ có tâm lý thoải mái và lần sau khi vi phạm, chúng sẽ vui vẻ chịu phạt.
Vì sao tôi nhấn mạnh chữ "phạt" bởi nếu không có các quy định, đứa trẻ sẽ khó tuân thủ.
Vì sao một số quốc gia ở nước ngoài tuân thủ luật pháp rất tốt, thậm chí quá nghiêm, chẳng hạn ném mẩu thuốc ra đường cũng bị xử phạt ngay, bởi vì họ tuân thủ điều đó đến mấy trăm năm.
Ở đây với trẻ con cũng vậy, ban đầu có thể chỉ vài ba quy định nhưng sau đó dần dần ta có thể tăng lên. Lúc đầu chúng có thể phạm luật và bị phạt nhưng tôi tin sau một thời gian, chúng sẽ có ý thức tốt.
Bà đánh giá thế nào nếu thay từ "phạt" bằng "kỉ luật tích cực"? Có lẽ tên gọi này phù hợp hơn khi áp dụng vào việc giáo dục trẻ nhỏ?
- Tôi nghĩ mỗi người tìm hiểu và đánh giá khoa học ở mỗi góc độ khác nhau. Nhưng khi nhìn tổng thể, ta sẽ thấy khác.
Nói đơn giản hơn, giáo dục khuyên nhủ như nhốt bọn thú cưng lại, vuốt ve yêu thương, rủ rỉ với chúng nhưng chỉ cần mở cửa đàn thú ấy sẽ chạy tung ra. Nhưng nếu được huấn luyện theo một nguyên tắc nhất định, chúng sẽ vẫn được ra ngoài, được hoạt động nhưng vẫn giữ được an toàn cho chúng nó.
Từ "phạt" nghe không "lọt tai" nhưng thực ra không phải vấn đề gì kinh khủng quá. Trong khi đó có thể dùng từ khuyên nhủ nhẹ nhàng, thoạt nghe rất lọt tai nhưng hoàn toàn không ổn với đứa trẻ.
Tôi hoàn toàn không đồng ý với việc đánh đập hay hành hạ trẻ em nhưng hãy cứ phạt theo cách mà tôi nói ở trên, tôi tin sẽ tốt cho đứa trẻ.
Xin trân trọng cám ơn bà!