Giáo dục bằng khuyên nhủ: Đứa trẻ sẽ ảo tưởng "không ai có quyền phạt mình"
(Dân trí) - Giáo dục bằng khuyên nhủ về lâu về dài, điều này sẽ khiến đứa trẻ nảy sinh cảm giác ảo tưởng, cho rằng không ai có quyền phạt mình, không thể phân biệt được đúng sai.
Quan điểm "giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ" của Tiến sĩ Vũ Thu Hương gây tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội.
Bên cạnh sự đồng tình, nhiều ý kiến phụ huynh và giáo viên cho rằng không thể đưa ra một quy chuẩn giáo dục cụ thể nào bởi mỗi trẻ nhỏ là một bản thể với tính cách khác nhau.
Trong "nhu" vẫn phải có "cương"?
Trao đổi với Dân Trí, phụ huynh Nguyễn Bích Ngọc (Hải Phòng) cho biết: "Sau khi đọc bài chia sẻ của Tiến sĩ Vũ Thu Hương, tôi chưa thực sự đồng tình với quan điểm mà chuyên gia giáo dục này đề cập.
Trước khi trở thành một người mẹ, tôi cũng từng là một người con, một cô học trò. Ngày tôi học lớp 8, vì một chút bất cẩn, tôi đã để quên vở bài tập ở nhà. Tới lớp, thay vì hỏi lý do, cô giáo đã… đuổi tôi ra khỏi lớp và gọi về cho phụ huynh.
Tất nhiên, về nhà tôi cũng phải chịu một trận đòn của bố mẹ. Sau hình phạt ấy, không chỉ sợ cô dạy Toán, tôi còn sợ và ngại học môn này. Thiết nghĩ, ngày ấy, cô cho tôi một cơ hội để giải thích, hay một lời khuyên nhủ thì mọi chuyện cũng khác.
Bởi vậy, trong giáo dục, không phải cứ dùng hình phạt là sẽ khiến những đứa trẻ chưa ngoan cảm thấy hối lỗi. Đôi khi, trong nhiều trường hợp, việc sử dụng những lời khuyên răn nhẹ nhàng sẽ đem lại kết quả giáo dục tốt hơn. Mỗi đứa trẻ sinh ra với tính cách khác biệt; do đó, không thể đưa ra một cách dạy chung và áp đặt vào tất cả. Tùy tính cách, tùy hoàn cảnh gia đình để đưa ra cách giáo dục khác nhau".
Khác với chị Nguyễn Bích Ngọc, phụ huynh Hoàng Hải Nam (Quảng Ninh) cho rằng, giáo dục trẻ nhỏ phải kết hợp song hành hai biện pháp thuyết phục và cưỡng chế. Hiện nay, vì một số lý do, nhiều trẻ em trở nên khó bảo; những lời khuyên răn của cha mẹ, thầy cô không còn tác dụng. Do đó, khi thuyết phục không được, người lớn cần dùng biện pháp kỷ luật hợp lý, không vi phạm đạo đức và quyền trẻ em để ngăn chặn những hành vi quậy phá, đưa các con vào nề nếp, quy củ.
"Trong quân đội có khẩu hiệu: Kỷ luật là sức mạnh. Đối với giáo dục, nhất là giáo dục trẻ - đối tượng chưa có nhận thức đầy đủ, thì phải kết hợp giữa mềm mỏng và răn đe, trong "nhu" vẫn phải có "cương". Lời lẽ khuyên nhủ nhẹ nhàng mà không có những biện pháp kỷ luật thì dường như đó chỉ là những lời gió thoảng, sáo rỗng mà thôi!" - phụ huynh Nam nhấn mạnh.
Là một người mẹ, đồng thời là một nhà giáo, cô Nguyễn Hương Giang (giáo viên trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) hoàn toàn đồng tình với quan điểm "Trẻ không bị phạt dễ nảy sinh tính coi thường cha mẹ, coi thường người lớn, coi thường mọi luật lệ, quy tắc lễ phép" của chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương.
"Tôi đã chứng kiến nhiều đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có điều kiện, bố mẹ có học thức cao, nhưng chúng lại là đứa trẻ luôn gào khóc, đánh bạn trong lớp, hỗn với thầy cô. Hỏi ra mới biết, đó là những đứa bé được cưng chiều, chưa bao giờ biết bị phạt, bị la mắng là gì.
Tất nhiên, những thầy cô ở cơ sở giáo dục này cũng thường xuyên bị phụ huynh phàn nàn là không được la mắng, trách phạt con họ dù trẻ có làm gì đi nữa. Về lâu về dài, điều này sẽ khiến đứa trẻ nảy sinh cảm giác ảo tưởng, cho rằng không ai có quyền phạt mình, không thể phân biệt được đúng sai.
Do đó, cha mẹ, thầy cô và những người có trách nhiệm giáo dục trẻ cần tỉnh táo trong việc thương con và dạy con. Nếu cảm thấy phương pháp "giáo dục khuyên nhủ" không đem lại tác dụng, chúng ta cần học cách trách phạt trẻ làm sai, quậy phá.
Tuy nhiên, những hình phạt cần mang tính nhân văn và đặt giá trị giáo dục lên hàng đầu. Phạt để con nể phục và thay đổi, chứ không phải để đe nẹt hay làm tổn thương tâm hồn trẻ em".
Sử dụng "hình phạt" trong giáo dục một cách phù hợp
Nêu quan điểm về vấn đề này, thầy Trần Văn Vương (giáo viên một trường THCS tại Hà Nội) bày tỏ, trong công tác giáo dục trẻ hiện nay, ngoài việc tạo điều kiện cho học sinh được học tập, vui chơi đầy đủ, mỗi gia đình và thầy cô cần có trách nhiệm dạy các em điều hay, lẽ phải, kinh nghiệm sống phù hợp với lứa tuổi.
Song song với việc khen thưởng, phụ huynh, giáo viên còn phải có những biện pháp xử phạt, kỷ luật đối với những học sinh ngỗ nghịch, có hành vi, thái độ lệch chuẩn.
Tuy nhiên, theo thầy Vương, một thực tế đáng buồn là hiện nay, một bộ phận giáo viên cũng như phụ huynh vẫn áp dụng các hình phạt cứng nhắc mà thời gian qua phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh; nhất là hình phạt xâm phạm đến thân thể như đánh đập, véo tai, quỳ... và hình phạt về tinh thần la mắng, xúc phạm trẻ bằng những từ ngữ không đúng chuẩn mực…
Đây là những biện pháp trừng phạt học sinh mang tính bạo lực, phản giáo dục, nếu không thận trọng sẽ gây ra hậu quả ngược, dẫn đến ảnh hưởng tâm lý, làm cho học sinh mất tự tin trong việc học, thậm chí có thái độ thù hằn, coi thường người lớn.
"Do đó, trong quá trình giáo dục trẻ nhỏ, cần phân biệt rõ "kỷ luật tích cực" với việc "trừng phạt" trẻ bằng những hành vi mang tính bạo lực" - thầy Vương cho hay.
Cô giáo Bùi Phương Nga (giáo viên tiểu học tại Thái Bình) cũng đồng tình với ý kiến này. Cô cho biết, phạt không đúng cách, đặc biệt bằng đòn roi dễ biến một đứa trẻ thành "con ngựa bất kham", càng ngày càng khó bảo. Chính vì vậy, các bậc làm cha, làm mẹ hay thầy cô cần cân nhắc và thận trọng sử dụng "hình phạt" trong giáo dục một cách phù hợp.
Ví dụ, khi các em nói chuyện trong lớp nhưng giáo viên nhắc nhở không nghe thì "phạt nhẹ" các em bằng cách như giao bài tập về nhà; phạt các em phải dọn vệ sinh lớp học hoặc tưới cây trong khuôn viên trường… Sau khi đã nghiêm chỉnh chấp hành, hãy hào phóng dành cho trẻ lời khen. Điều này giúp các em nhìn ra lỗi lầm, đồng thời khiến trẻ gia tăng sự tự tin khi biết mình đã lấy công để chuộc tội.
"Không bạo lực, không xâm hại về tinh thần hay thể chất nhưng không có nghĩa là giáo dục không hình phạt. Do đó, trong quá trình giáo dục trẻ, rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ phía gia đình và nhà trường.
Phụ huynh nên cùng giáo viên có sự thống nhất trong việc đặt ra quy định, hình thức kỷ luật đối với mỗi cá nhân vi phạm. Ngoài ra, việc áp dụng những quy định và hình phạt đó phải được tiến hành với cả học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý. Có như vậy, bản thân học sinh mới cảm nể trọng và nhận thức tốt về việc phải tuân thủ kỷ luật để đảm bảo công bằng cho tất cả mọi người" - cô Nga nhấn mạnh.