Bạn đọc viết:

Đừng biến Tập làm văn ở Tiểu học thành học thuộc lòng!

(Dân trí) - Môn Tập làm văn ở Tiểu học phải chăng là học thuộc lòng? Một câu hỏi sẽ chạm vào nỗi băn khoăn của rất nhiều bậc phụ huynh có con em ở bậc học này.

Điều mà chúng ta đều nhận thức được là: Văn học là nhân học. Văn học hướng con người đến cái chân - thiện - mĩ. Văn học là sự sáng tạo. Văn học là sự rung động từ tâm hồn, là cảm xúc chạm vào trái tim, là sự trau chuốt ngôn từ và biểu đạt chân thực nhất suy nghĩ, tình cảm của mình… Vậy mà phân môn Tập làm văn ở bậc Tiểu học đang có nguy cơ làm chai sạn cảm xúc, khô cứng ngôn từ và kìm kẹp mọi sự sáng tạo của bao cô bé, cậu bé ngây thơ, trong trắng, tinh khôi ấy. Tình yêu văn học không được ươm mầm đúng cách, các con làm sao nuôi dưỡng để nó lớn lên khỏe mạnh, đơm hoa và kết trái chứ? Đó là một thực tế rất đáng buồn.

Bạn đã từng lắng nghe các bố, các mẹ than thở về việc một số cô giáo đọc các bài văn mẫu cho học sinh chép rồi yêu cầu các em học thuộc? Đó là một thực trạng không thể phủ nhận. Các con đang “Tập” làm văn chứ không phải chép văn. Thay vì rèn cho các con cách dùng từ, đặt câu, biểu đạt cảm xúc, có cô giáo vô tâm đã chọn những câu văn mẫu, những đoạn văn mẫu đọc và học sinh chỉ việc học thuộc, cứ kiểm tra chép lại là xong. Một hành động đối phó rất tai hại. Cần nhớ rằng: Văn mẫu là để tham khảo, chứ không phải để sao chép và càng không phải là sao chép hàng loạt như thế!

Bạn đã từng thở dài nghe các con ê a học từng câu, từng chữ các đoạn, các bài văn làm sẵn ở nhà? Sách văn mẫu thì tràn lan, có sẵn trên mạng internet. Chỉ cần vài thao tác là đã có ngay cả vô vàn bài viết về cùng một chủ đề. Áp lực điểm số khiến không ít bậc phụ huynh chọn giải pháp bắt con học các câu chữ xa lạ để đạt điểm tuyệt đối thay vì để trẻ tự làm và bài viết đó sẽ có vài chỗ gạch đỏ và lời nhận xét, uốn nắn, động viên của cô giáo. Một sự ghi nhớ máy móc sẽ phản tác dụng.

Bạn cũng đã bật cười đọc chia sẻ về những câu viết ngây ngô, rập khuôn của các cháu? Cứ miêu tả mẹ là “mắt bồ câu, mũi dọc dừa, da trắng hồng…”, tả đôi mắt thì dù là đối tượng nào cũng “tròn xoe như hai hòn bi ve”, tả mùa xuân luôn bắt đầu “Mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc”, kể về người thân thì “Nhà em có nuôi một ông nội…” hay “Cha em có một sức mạnh phi thường, có thể nhổ cả bụi tre to giống như Thánh Gióng”… Những cách viết khiến chúng ta phải cười, cười ra nước mắt.

Đó là còn chưa kể rất nhiều tình huống oái ăm khiến người ta tức anh ách khi trò làm trái ý cô giáo và nhận điểm thấp, dù việc “trái ý”, sai lời cô dặn ấy là một sự sáng tạo. Một cô bé lớp 4 hoàn chỉnh đoạn văn tả hoa mai cho đề bài “Tả một loài hoa em yêu” và ấm ức cầm bài viết điểm 6 với lời phê “Chưa đọc kĩ yêu cầu đề”. Sau đó hỏi ra thì mới biết cô đã tập cho cả lớp tả hoa hồng rồi, không được tả hoa khác. Hay cậu bé lớp 5 lập dàn ý tả dòng sông quê em theo trình tự thời gian, làm nổi bật được vẻ đẹp của cảnh thay đổi theo từng khoảnh khắc trong ngày. Vậy mà cô giáo yêu cầu cả lớp tả theo bố cục từng phần của cảnh với các ý đã cho sẵn. Thế là dẹp dàn ý ấy qua một bên để làm theo cô vì “Sợ cô!”. Còn nhiều, rất nhiều câu chuyện về thực tế dạy văn và học văn hiện nay đang giết dần mầm sự sáng tao.

Thế mới biết, truyền tình yêu Văn học cho các em học sinh đã khó, nuôi dưỡng tình yêu đó lại càng khó hơn...

Trang Hiếu

 

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm