Bài thi văn gây “chấn động”

Tại kỳ thi học sinh giỏi các lớp không chuyên của Hà Nội tháng 3/2005, trong các bài thi văn, có một bài đã khiến những người chấm hết sức ngạc nhiên vì đi “lạc đề”.

Cô học sinh Nguyễn Phi Thanh, lớp 11A18 Trường THPT Việt Đức, đã mạnh dạn, thẳng thắn bày tỏ chính kiến của mình về đề thi nói riêng, cách dạy và học môn văn trong nhà trường nói chung, dù biết bài thi chắc chắn sẽ nhận điểm liệt. Bài thi này không những gây ngạc nhiên cho hầu hết giáo viên, học sinh Hà Nội mà còn tạo được sự chú ý ở cả cơ quan Trung ương là Bộ GD-ĐT.

 

Đây có thể coi là một chuyện rất hy hữu trong các kỳ thi, cũng là một tiếng chuông báo động về cách dạy học môn văn nói riêng và cách dạy học “thầy đọc trò ghi”, “mưa từ trên xuống” nói chung trong trường phổ thông. Dưới đây là phần trích đăng bài thi và ý kiến của một chuyên viên phụ trách môn văn, Bộ GD-ĐT.

 

Đề thi: Em hãy giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc...

 

Bài làm

 

Nói đến Nguyễn Đình Chiểu, người ta thường nhớ đến một thầy giáo mù yêu nước, có tài thơ văn nhưng cuộc sống gặp nhiều bất hạnh. Nguyễn Đình Chiểu sáng tác khá nhiều, nổi tiếng là tập thơ Nôm “Lục Vân Tiên” và trong văn học lớp 11, chúng ta được làm quen với tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Bài tế được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác để tưởng nhớ những chiến sĩ, những người nông dân đã hy sinh trong phong trào Cần Vương khi thực dân Pháp tấn công Gia Định, Sài Gòn.

 

Đề bài thi học sinh giỏi năm nay là “Giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” nhưng thực sự em không hề thích tác phẩm này, như vậy em có thể viết hay được không? Em có thể chắc chắn rằng trong số 10 học sinh như em thì có 9 người cũng không thích tác phẩm này. Đơn giản bởi vì bọn em không sống trong thời chiến tranh, bọn em không thể rung động trước một bài tế khi mà thực sự bọn em đang sống trong thời bình. Bọn em không quay lưng với lịch sử nhưng có nhiều cách để bọn em hiểu về lịch sử dân tộc...

 

Em nghĩ, đứng trước một tác phẩm văn học bao giờ cũng có ý kiến trái ngược khen – chê, hay-dở nhưng dường như học sinh bọn em chỉ có quyền thích, chỉ có quyền khen hay mà không có quyền nói lên chính kiến của mình, và việc phê bình văn học hình như chỉ là việc của các nhà phê bình (Hoài Thanh, Hoài Chân...)... Nhìn ra, chỉ ra cái hay của một tác phẩm văn học đã khó nhưng chỉ ra cái hạn chế, thiếu sót của tác phẩm ấy còn khó hơn nữa, vậy mà chưa bao giờ bọn em được tỏ rõ chính kiến của mình trong một bài thi, tất cả chỉ vì áp lực của điểm số...

 

Học sinh Nguyễn Phi Thanh,
Lớp 11A18 Trường THPT Việt Đức, Hà Nội.

Kỳ thi học sinh giỏi các lớp không chuyên Hà Nội 18/3/2005

 

Ý kiến nhà chuyên môn

Ông Hà Bình Trị, chuyên viên phụ trách môn văn, Vụ THPT Bộ GD-ĐT: “Đồng phục hóa” bài giảng và bài làm văn diễn ra phổ biến!

 

Trong chương trình môn Văn - tiếng Việt ở phổ thông nói chung và ở cấp THPT nói riêng có rất nhiều bài cả về văn học Việt Nam đến văn học nước ngoài. Vì thế có học sinh (HS) nào đó không thích một số tác phẩm trong số rất nhiều tác phẩm trong chương trình là chuyện bình thường, mỗi người có một sở thích riêng là điều dễ hiểu.

 

Tuy vậy, nếu chương trình và sách giáo khoa (SGK) tuyển chọn được những bài phù hợp với HS, được các em yêu thích thì chắc chắn việc tiếp nhận của các em sẽ thuận lợi hơn.

 

Nhưng, ở đây phải nói thêm: Biên soạn chương trình và SGK cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu chứ không phải chỉ có yêu cầu chọn cho được những tác phẩm phù hợp với HS. Có lẽ không thể nghĩ một cách đơn giản phù hợp với HS là gần gũi với các em và các em hiểu được tác phẩm dễ dàng.

 

Nhìn ở góc độ nào đó, Hịch Tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bài Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, văn của E. Hemingway... không thể coi là gần gũi, là dễ hiểu với các em, việc tiếp nhận của HS gặp khó khăn là điều khó tránh. Nhưng ở nước nào cũng vậy, nhà trường không thể không dạy cho HS những tác phẩm ưu tú nhất của dân tộc, của nhân loại cho dù chúng có phần xa lạ với HS.

 

Em Thanh nói một cách chân thành là mình “không hề thích” bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu vì “em không sống trong thời chiến tranh”, “em không hiểu được ý nghĩa” của nhiều câu văn có những từ ngữ địa phương hay tiếng cổ. Vấn đề đặt ra ở đây là phải làm sao có SGK tốt và nhất là có cách dạy, cách học thích hợp. Giải quyết được những vấn đề này việc tiếp nhận của HS sẽ thuận lợi hơn. Chỉ khi nào các em hiểu được tác phẩm, các em mới yêu thích.

 

Em Thanh nói đúng, sự cảm thụ về một tác phẩm văn học cần có sự khác biệt giữa HS này và HS khác. Bản chất của văn học là sáng tạo, vậy cảm thụ văn học cũng cần phải sáng tạo, phải độc đáo. Theo chúng tôi được biết, nhiều năm qua trong hướng dẫn chấm môn văn thi tốt nghiệp THPT Bộ GD-ĐT bao giờ cũng lưu ý giám khảo đánh giá cao, khuyến khích những bài có sáng tạo trong cảm nhận và thậm chí cả trong trình bày, diễn đạt. Như vậy cũng có nghĩa bộ khuyến khích những cách hiểu khác nhau của từng HS, khích lệ các em thể hiện chính kiến của riêng mình. Tuy thế, sự cảm nhận riêng chỉ có thể được chấp nhận khi bám sát văn bản tác phẩm, có lý lẽ thuyết phục và sự cảm nhận ấy làm cho tác phẩm sáng giá hơn. Do đó, không dễ gì có được sự cảm nhận riêng.

 

Sự hạn chế đó phản ánh một nhược điểm khá nặng nề kéo dài nhiều thập kỷ trong việc dạy và học văn. Từ nhiều năm nay, từ bộ đến các sở GD-ĐT, giáo viên dạy môn văn đã tích cực góp phần khắc phục nhược điểm này. Nhưng công bằng mà nói, kết quả còn nhiều hạn chế. Đến nay, việc “đồng phục hóa” bài giảng của giáo viên, việc “đồng phục hóa” bài làm văn của HS vẫn diễn ra một cách khá phổ biến.

 

Tôi cũng muốn nhận xét một chút về em Thanh. Qua bài làm của em có thể nhận thấy tuy còn thiếu hụt khá nhiều về kiến thức cơ bản, tuy sự hiểu biết còn nhiều phiến diện, nhưng đây là một HS có chính kiến và rất đáng quý là đã dám thể hiện chính kiến của mình một cách chân thành, trung thực bằng một bài văn nghị luận, ít nhiều có lý lẽ với cách diễn đạt lưu loát, uyển chuyển. Theo tôi, ở một phương diện nào đó, các thầy cô giáo nên trân trọng, khích lệ những HS này.

 

Cũng từ bài làm văn của em Thanh, chúng ta có thể rút ra được nhiều điều bổ ích xung quanh việc dạy và học văn. Về phía các thầy cô giáo cần tìm cách để HS chuẩn bị bài chu đáo trước khi đến lớp. Tiếp tục kiên trì đổi mới phương hướng giảng dạy.

 

Các nhà quản lý cũng thấy cần phải xây dựng chương trình, SGK môn văn gần gũi với HS hơn, đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá giáo viên và HS. Trước mắt, nên tiếp tục cải tiến cách thức ra đề thi, làm đáp án ở môn văn, vừa tạo điều kiện thuận lợi để HS thể hiện những suy nghĩ riêng của mình vừa đánh giá chính xác kết quả học tập của mỗi em.

 

Theo Hoàng Lan Anh
Người lao động

Dòng sự kiện: Bài thi văn chấn động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm