Có phải cách dạy văn đã giết chết thẩm mỹ của học sinh?

Bài thi “gây chấn động” dư luận của em Nguyễn Phi Thanh trường THPT Việt Đức, Hà Nội trong cuộc thi học sinh giỏi văn không chuyên của TP. Hà Nội đã trở thành một hiện tượng không chỉ trong ngành giáo dục mà còn là một hiện tượng xã hội. Chúng tôi trích đăng lại bài viết của nhà thơ, nhà phê bình Trần Mạnh Hảo trên báo Công an TPHCM về bài thi này và về cách giảng dạy môn văn, cách giảng dạy tác phẩm "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" của Nguyễn Đình Chiểu trong SGK hiện nay:

Trước hết cần cảm ơn em Nguyễn Phi Thanh đã dám dũng cảm viết bài tập làm văn trong kỳ thi học sinh giỏi văn phản ứng lại đề thi và bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, phê phán cách giảng dạy môn văn khô cứng, một chiều, đơn điệu trong trường học hôm nay.

 

Thầy giáo ra đề thi cho cuộc thi học sinh giỏi văn của TP. Hà Nội năm nay là người chưa nắm được bản chất cái hay nơi tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu. Đề thi ra như sau: “Em hãy giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Xin lỗi, với đề thi này, thử hỏi chính thầy ra đề thi liệu có làm bài được hay không? Ngay cả với một nghiên cứu sinh trình độ tiến sĩ văn đang được “xóa mù tiến sĩ tới huyện” như bây giờ chắc cũng đành cắn bút ngồi chơi mà thôi. Đề thi văn trên có thể là một đề thi cho luận văn tiến sĩ mỹ học chứ sao lại biến thành đề thi học sinh giỏi văn lớp 11?

 

Học sinh trung học chưa hề được học môn mỹ học, các em làm sao mà biết được CÁI BI là một phạm trù của CÁI ĐẸP trong mỹ học. Nói đến thể loại văn tế nói chung và nói đến bài văn tế này của Nguyễn Đình Chiểu là phải nói đến CÁI BI, CÁI HÙNG, tức chất BI TRÁNG của tác phẩm. Chất bi tráng trong tác phẩm này là sự than khóc, tiếc thương những người chân đất chống Pháp hi sinh đồng thời qua nỗi thương khóc mà khơi lên tính chất anh hùng của các nghĩa sĩ.

 

Quan niệm CÁI BI trong mỹ học chưa được dạy trong nhà trường nên nó không đồng nghĩa với VẺ ĐẸP văn chương nơi trình độ ban đầu tiếp nhận của học sinh. Vẻ đẹp văn chương mà một học sinh lớp 11, 12 được dạy trong nhà trường là vẻ đẹp của tính lãng mạn trong tình yêu, trong cảnh thiên nhiên, trong tình cảm bay bổng, êm dịu giữa con người với Tổ quốc, cha mẹ, đồng bào, đất nước, trong vẻ đẹp của nghệ thuật ngôn từ...

 

Như vậy, người ra đề thi văn trên đã lạc đề, đã không hiểu được chính tác phẩm văn tế trên, đúng như Giáo sư (GS) Trần Thanh Đạm đã nói trên Báo Người lao động ngày 13-5-2005: “Giảng dạy và học tập bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc phần nào đã vượt quá sức thầy trò nhà trường trung học phổ thông”. Một bài văn tế hay thuộc hàng kiệt tác như trên vượt quá sức hiểu của thầy trò trường THPT như ý kiến  của GS. Trần Thanh Đạm, một vị giáo sư từng tham gia soạn sách giáo khoa văn trung học, sao vẫn để trong chương trình học văn lớp 11?

 

Ta cần phải hoan hô học sinh Nguyễn Phi Thanh về bài làm văn: chê bài văn tế chưa hay và chê đề bài văn trên là kém, vì em đã nói thật! Vì sao vậy? Vì dạy như thế, ra đề như thế thì học sinh làm sao mà thấy vẻ đẹp của Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc cho được! Không thấy hay, không hiểu được cái hay mà vẫn bắt học trò làm bài tập làm văn ra rả khen hay là hội chứng dạy và học văn GIẢ DỐI. Mà cái giả dối là cái phản văn học nhất.

 

Một học sinh lớp 11 thuộc hàng giỏi văn, được đi thi học sinh giỏi văn toàn Hà Nội như em Nguyễn Phi Thanh lại nói thẳng ra trong bài thi rằng em chẳng thấy Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc hay ho ra sao  thì có phải là dấu hiệu của tinh thần dân tộc đang suy vong trong lớp trẻ, hay là do môn văn được dạy trong nhà trường đã giết chết chính thẩm mỹ tiếp nhận văn học nơi học sinh?

 

Cái lỗi này còn đổ cho ai được nữa, chính là cái lỗi của NỀN GIÁO DỤC = Bộ Giáo dục, lỗi của sách giáo khoa dạy văn và các thế hệ thầy giáo dạy văn đang đứng lớp. Thay vì hướng dẫn học sinh tiếp cận với cái hay, cái đẹp của tác phẩm, lại đẩy các em ngày càng xa với tâm hồn cha ông giấu trong trang sách; ví dụ như bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc thuộc hàng kiệt tác văn chương dân tộc mà em Thanh - một học sinh giỏi văn của Hà Nội không biết nó hay ở chỗ nào thì thà ĐỪNG DẠY MÔN VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG còn hơn là dạy kiểu giết chết sáng tạo như hội chứng dạy theo văn mẫu hiện nay.

 

Phần giảng dạy về Nguyễn Đình Chiểu trong SGK hiện nay

 

SGK dành cho miền Bắc do các giáo sư Trường Đại học Sư phạm Hà Nội soạn, trong đó có phần giảng dạy về tác giả - tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu do Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú soạn đã mắc những sai lầm hết sức hệ trọng.

 

Ngay trong SGK chính dành cho học sinh lớp 11, GS. Chú đã nhầm câu thơ hay nhất của Nguyễn Đình Chiểu: “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương” thành ra thơ... Xuân Diệu thì thử hỏi việc dạy về Nguyễn Đình Chiểu của Bộ Giáo dục - Đào tạo trong nhà trường còn hơn cả sự đùa cợt, quá sức vô trách nhiệm.

 

Suốt từ năm 1991 - 2000 cái nhầm chết người THƠ NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU NHẦM THÀNH THƠ XUÂN DIỆU trong chính sách giáo khoa Văn 11 của Bộ Giáo dục - Đào tạo dạy về chính Nguyễn Đình Chiểu vẫn cứ để nguyên, vẫn không ai phát hiện ra thì thử hỏi nhà trường có phải là nơi dạy môn văn chân chính hay không?

 

Bài giảng về Nguyễn Đình Chiểu trong SGK chỉnh lý hợp nhất đang dạy hiện nay cũng lại do GS. Nguyễn Đình Chú soạn nên nó còn vô vàn những cái sai không sao hiểu nổi. Giáo sư Nguyễn Đình Chú gần như hiểu sai rất nhiều từ trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu nơi SGK. Ví dụ từ “tà” trong câu “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, giáo sư cũng giảng sai “tà” cần hiểu như CHÍNH - TÀ, như sau: “Tà: xiên xẹo, không ngay thẳng”... “Viết văn là đâm kẻ gian tà, đâm mấy cũng không xiên xẹo”. Sách giáo khoa văn 11 đang dạy cho cả nước hiện nay còn giảng sai hàng chục từ ngữ trong các bài văn thơ Nguyễn Đình Chiểu.

 

Ví dụ đoạn văn dưới đây trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc: “Đau đớn bấy! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều. Não nùng thay! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ” được tác giả phân tích, giảng giải như đùa như sau: “... Mẹ đã mất con thì dù trẻ mấy cũng thành già hết (mẹ già). Con dù lớn đến mấy, khỏe đến mấy trong tình thương của mẹ vẫn là trẻ cả (khóc trẻ). Vợ đã mất chồng thì dù có khỏe bao nhiêu cũng là vợ yếu. Cách tạo hình, tạo cảnh để gợi cảm tối đa: mẹ khóc con không phải lúc nào mà lúc đêm khuya, không phải ở nơi nào khác mà ở trong lều. Vợ tìm chồng không phải lúc nào khác mà là lúc bóng xế...”. Đoạn văn trên nên xếp vào loại văn hài thì đúng hơn là văn của sách giáo khoa...

 

Thông qua bài viết của em Nguyễn Phi Thanh, học sinh lớp 11, chúng tôi xin mạnh dạn có một số ý kiến nêu trên. Đã đến lúc Bộ Giáo dục - Đào tạo cần chủ động thay đổi cơ chế, tăng cường trách nhiệm trong giảng dạy và đặc biệt trong khâu biên soạn sách giáo khoa để lấy lại thẩm mỹ văn chương cho học sinh. Nếu không, từ cách dạy VĂN PHÁ VĂN này sẽ là một trong những nguy cơ cho cả dân tộc trong thế hệ tương lai.

 

Trần Mạnh Hảo

 

 

Dòng sự kiện: Bài thi văn chấn động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm