Xung quanh "bài văn lạ": Ý kiến của người cùng thế hệ

Những ngày vừa qua, báo chí bàn luận quá nhiều về “bài văn lạ” của một học sinh lớp 11. Phần lớn những người tham gia diễn đàn đều là “người lớn”, tiếp cận sự việc bằng con mắt “từ trên nhìn xuống”. Trong khi đó, có rất nhiều ý kiến của những bạn trẻ, những người cùng tuổi, cùng thế hệ với Nguyễn Phi Thanh rất đáng để chúng ta lắng nghe và suy ngẫm.

"Thường một bài thi HS giỏi luôn được viết bằng những lời lẽ bóng mượt, cảm xúc dạt dào, nhưng bài này lại viết với một giọng gai góc. Theo tôi, nhìn thoáng hơn thì bạn ấy đã viết được ra cái mà bạn ấy nghĩ"... Đó là ý kiến của bạn Nguyễn Thu Trang - HS lớp 12, Trường THPT Chu Văn An (HN)

 

Trang còn cho biết thêm: Bản thân tôi trước đây không thích học văn vì bị học theo cách áp đặt. Cấp 2 các cô cho bài mẫu, mình chỉ việc làm theo thôi. Phải đến năm lớp 11 tôi đi học thêm, gặp được cô giáo dạy văn tốt, cái nhìn của tôi mới khác đi. Cô có cách dẫn dắt, cách hiểu hợp lý nhất, giúp HS thấy hứng thú hơn trong học tập. Cô cũng sẵn sàng nghe ý kiến từ chúng tôi - điều mà tôi không thể thực hiện được ở trên lớp học chính khoá.

 

Tôi cũng đã có lần nêu thắc mắc, cô giải thích nhưng tôi không thấy thoả đáng, tuy nhiên tôi nghĩ rằng càng nói cô càng không hiểu ý mình nên thôi, từ đó không bao giờ thắc mắc nữa. Còn những bạn không có nhiều kiến thức lắm thì sẽ cảm thấy giờ học văn nhàm chán và thấy buồn ngủ, không quan tâm đến cô đang dạy gì, và cũng không có ý kiến luôn.

 

Khi đọc bài văn của Thanh, lúc đầu tôi thấy ngạc nhiên, thấy đây là hiện tượng lạ, một HS giỏi văn tại sao viết được như thế? Thường một bài thi HS giỏi luôn được viết bằng những lời lẽ bóng mượt, cảm xúc dạt dào, nhưng bài này lại viết với một giọng gai góc. Theo tôi, nhìn thoáng hơn thì bạn ấy đã viết được ra cái mà bạn ấy nghĩ.

 

Để nói được ra như Thanh là rất khó vì nói đến sẽ động chạm nhiều. Tôi cũng đã từng nói là không muốn học theo cách thức áp đặt như thầy cô đang dạy, nói trong giờ sinh hoạt lớp khi cô giáo chủ nhiệm hỏi một cách thân tình. Chứ nếu nói với các thầy cô bộ môn thì chắc là không dám.

 

Tuy nhiên, chuyện Thanh đã viết chính là những việc cần phải nói ra. Tôi sẽ rất thích thú nếu được gặp Thanh bây giờ, sẽ có nhiều chuyện để nói với nhau.

 

* (nguyengiamicu@ yahoo.com): Hãy để bạn Phi Thanh được yên với tuổi học trò tươi non

 

Em là một học sinh lớp 12, không giỏi văn, không có điều kiện đọc nhật báo, nhưng vừa rồi đọc một số báo khác để theo dõi sự kiện "bài văn lạ". Phần lớn những người tham gia ý kiến trên mặt báo là quan chức Bộ GDĐT, nhà giáo, nhà văn, bạn đọc... Nói chung là người lớn tuổi. Nhiều người phản đối bài văn.

 

Phản đối gay gắt nhất là của nhà thơ Thanh Thảo. Bác này "kinh hoàng" sau khi đọc bài văn lạ vì "cô học sinh giỏi" vô cảm, hỗn xược trước "ngôi đền thiêng trong văn học" lại còn được một nhóm người lớn "a dua" nữa chứ. Em hình dung bác rất giận và răn đe: "Chớ động vào những ngôi đền thiêng do chính nhân dân dựng lên!" và "hãy cẩn trọng khi chạm đến nó"! Càng đọc càng thấy tội cho Phi Thanh.

 

Em đồng ý có những câu trong "bài văn lạ" của bạn Thanh như thể xúc phạm tới quá khứ, tới giá trị của tác phẩm "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Nhưng, nói theo sách giáo khoa, "chủ đề" của "bài văn lạ" của Phi Thanh phải chăng là cần dạy và học văn học cổ điển theo cách nào đó khác hơn để chúng em vượt qua được từ ngữ - hình ảnh - thể loại không còn phổ biến, và cả khoảng cách lịch sử nữa, để hiểu và cảm? Hơn thế, xin đừng ra đề có mỗi mẫu câu: Tìm hiểu cái hay cái đẹp của bài thơ này, của đoạn văn kia... Vả lại theo em, bản thân giá trị của "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" không cần ai phải bảo vệ.

 

Chính Nguyễn Phi Thanh mới là "cô bé" cần được "bảo vệ" để sống yên cái tuổi học trò đúng một chút, sai một chút. "Chuyện thường ngày ở lớp"!

 

* Một học sinh trường Việt - Đức - HN (đề nghị không nêu tên): Cô giáo tôi đã cho phép viết những gì không thích

 

Trong tuần qua, HS trong trường bàn luận rất nhiều về việc này. Tôi và nhiều bạn nữa cho rằng chắc chắn là Thanh không phải định chơi nổi vì bạn ấy không thể biết rằng bài văn sẽ được đưa lên báo. Và những gì bạn ấy viết, không về tác phẩm cụ thể mà về cách học, cách dạy văn thì chúng tôi rất đồng tình. Cô giáo dạy văn lớp tôi sau đó đã ra đề bài yêu cầu chúng tôi viết những gì không thích khi học văn.

 

* Trần Ngọc Lan Khanh - cán bộ đoàn,  SV khoa Địa chất ĐH KHXH-NV TPHCM: Dễ dàng đồng cảm khi bài giảng sống động.

 

Mấy hôm nay SV chúng tôi rất xôn xao, tự thảo luận khá nhiều về trường hợp này. Thật ra, nếu nói như Phi Thanh là phiến diện vì tuy thế hệ của chúng tôi cũng như Phi Thanh đã may mắn sinh ra trong thời bình nhưng chúng tôi vẫn được biết đến những mất mát, đau thương của chiến tranh qua những tiết họ  lịch sử, văn học... trong nhà trường hoặc thông qua sách báo... Và tôi tin rằng, mình cũng như đa số những bạn đồng lứa khác, vẫn có thể cảm nhận  được sự đau thương, mất mát đó chứ nói chi đến một học sinh giỏi văn (?).

 

Tuy nhiên, để chúng tôi có thể "cảm" được cái hay, cái đẹp, cái  thần của  những tác phẩm văn học trong thời chiến hoặc những tác phẩm kinh điển thì rất cần sự sáng tạo của thầy cô trong các tiết học. Chúng tôi sẽ dễ dàng "đồng cảm" khi thầy cô sử dụng những minh họa sống động. Giáo viên nên sử dụng thêm những giáo cụ bằng sách báo, phim ảnh... về thời điểm lịch sử đó khi giảng dạy về  những môn xã hội hoặc là những tiết học ngoại khoá, thực tế đối với những môn khoa học tự nhiên. Và tất nhiên, để làm được điều đó thì giáo viên không thể "chạy theo giáo trình" được, đặc biệt  đối với môn văn.  

 

Theo H.NG - Thể Uyên

Lao Động

Dòng sự kiện: Bài thi văn chấn động