Nên có nhiều bộ sách giáo khoa hay chỉ 1 bộ?

(Dân trí) - Hiện Bộ GD-ĐT đang xúc tiến xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới sau năm 2015. Đối với vấn đề sách giáo khoa, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần có nhiều bộ sách để phù hợp với vùng miền.

Việt Nam nên có nhiều bộ sách giáo khoa hay chỉ 1?
Việt Nam nên có nhiều bộ sách giáo khoa hay chỉ 1?

Nên có nhiều bộ sách giáo khoa để học sinh, giáo viên lựa chọn

Ngày 30/10, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo “Đổi mới và hiện đại hóa chương trình và sách giáo khoa (SGK) theo định hướng phát triển bền vững”.

Tại hội thảo, ngoài việc góp ý về xây dựng chương trình SGK mới năm 2015, nhiều ý kiến cho rằng cần nhiều bộ SGK để học sinh, giáo viên lựa chọn.

Về đổi mới, hiện đại hóa chương trình và SGK sau năm 2015, GS Nguyễn Lộc cho rằng: “Phải thay đổi triết lí để chuyển một nền giáo dục lấy trang bị kiến thức chuyên môn làm mục tiêu chủ yếu sang một nền GD chỉ dạy những kiến thức chuyên môn cơ bản. Dành nhiều thời gian dạy người học về phương pháp, kĩ năng, cách tự học, dạy cách sử dụng, khai thác các thiết bị … và dạy làm người với mục đích người được đào tạo sẽ có khả năng thích ứng nhanh với hoàn cảnh, có khả năng học tập suốt đời và có trách nhiệm cao với gia đình và xã hội..

Theo GS Lộc, chương trình mới phải tiếp cận theo hướng hình thành và phát triển năng lực cho người học, giảm mạnh đầu vào các môn học. Đồng thời thay đổi căn bản hệ thống đánh giá từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, theo đó, SGK phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Đặc biệt, để tiến hành tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình và SGK mới, cần phải coi trọng việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên vì người thầy là “máy cái” để tạo ra các sản phẩm. Bởi thầy giáo không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà sẽ tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học, tự khai thác kiến thức, vận dụng kiến thức để hình thành năng lực, phẩm chất, kĩ năng và khả năng thích ứng với môi trường.

GS Nguyễn Lộc đề xuất: “Với một chương trình quốc gia nên có nhiều bộ SGK. Bộ GD-ĐT là cơ quan trực tiếp thẩm định và cho phép sử dụng nếu đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, số bộ không nên quá nhiều, có thể biên soạn các bộ theo 3 vùng: đô thị, nông thôn và vùng miền núi, dân tộc thiểu số”.

Đồng quan điểm, PGS Nguyễn Kế Hào cho rằng: “SGK có những nội dung cơ bản có tính hàn lâm làm nền tảng, đồng thời có những nội dung có tính ứng dụng giúp học sinh học để hành và qua hành sẽ họ tốt hơn. Vấn đề là xử lý làm sao đảm được được sự hài hòa cân đối giữa nội dung có tính hàn lâm và nội dung có tính ứng dụng. SGK dành cho học sinh từng lớp học, cấp học có phần khác biệt bởi dấu ấn của tác giả nhưng đều phải đáp ứng được những yêu cầu, những chuẩn mực chung. Việc cụ thể hóa nội dung giáo dục thành SGK dành cho học sinh cần có tổng chỉ huy của từng cấp học và được tổ chức làm việc theo bài bản khoa học từ tổ chức nhân sự đến quy trình thẩm định, hoàn thiện bộ SGK... Đây là công việc do Bộ GD-ĐT tổ chức triển khai và chịu trách nhiệm chính, người tổng chỉ huy là Bộ trưởng".

PGS Nguyễn Kế Hào cũng đề nghị mỗi cấp học cần có vài ba bộ khác nhau để học sinh, giáo viên lựa chọn.

Nói về hạn chế 1 bộ SGK khi sử dụng trong trường học, theo TS Hoàng Thị Tuyết, khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, việc thực hiện dạy học lấy học sinh làm trung tâm bị hạn chế của chính sách giảng dạy thống nhất theo một bộ SGK quốc gia.

Trường phổ thông hiện nay chưa đáp ứng được nhiều bộ sách?

Với tư cách là thành viên của bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo Đề án Đổi mới chương trình và SGK phổ thông sau 2015, GS Đinh Quang Báo phân tích: “Theo chúng tôi phương án nào cũng có mặt mạnh mặt yếu, vì mỗi phương án chỉ tối ưu cho một bối cảnh tương ứng với các điều kiện nhất định của thực tiễn nhà trường phổ thông.

Chẳng hạn, nếu chương trình chuẩn quốc gia được thiết kế đủ chi tiết và tường minh thì có thể dạy học theo các bộ SGK, tài liệu khác nhau để được được hiệu quả giáo dục đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình. Đồng thời theo phương án này, trình độ giáo viên phải tinh thông về kĩ năng tổ chức quá trình sư phạm, trong đó năng lực phát triển, phân tích, triển khai chương trình theo các cấp độ phải cao, có thể phát hiện và giải quyết các tình huống sư phạm thông qua nghiên cứu hiệu quả tác động tới đối tượng dạy học.

Phương án này cũng đòi hỏi một sự mô tả “chuẩn” đầu ra của kết quả học tập, nghĩa là nó đủ tường minh để xây dựng các bộ công cụ kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục một cách khách quan, công bằng và chính xác. Ngoài ra, việc này còn đòi hỏi một cơ chế quản lí tự chủ, tự chịu trách nhiệm với chất lượng và sản phẩm đào tạo theo yêu cầu của xã hội của các cấp quản lí giáo dục, đặc biệt là của từng nhà trường phổ thông.

GS Đinh Quang Báo cho rằng: “Với những yêu cầu trên đây, hiện tại nhà trường phổ thông của chúng ta chưa hoàn toàn đáp ứng được vì vậy phải có một bước quá độ tiệm cận đến phương án một chương trình nhiều bộ SGK”.

Theo GS Báo, ở bước quá độ này cần có các biện pháp như: Nghiên cứu, thiết kế bộ chương trình giáo dục ở các cấp độ theo một hệ thống tổng thể, chuẩn đầu ra phải được thể hiện bằng các tiêu chí cụ thể thông qua những hành động quan sát, đánh giá được; không nên quá kì vọng vào việc mọi ý đồ sư phạm đều có thể thể hiện được ở văn bản SGK; Cần tập hợp được đội ngũ tác giả biên soạn SGK là các chuyên gia giỏi ở phổ thông; Tổ chức tốt việc biên soạn các tài liệu bổ trợ trực tiếp cho hệ thống SGK; khuyến khích cá nhân giáo viên, tập thể sư phạm, từng trường liên kết biên soạn các tài liệu bổ trợ.

“Ở nước ta không có cơ sở Viện hay Trung tâm nghiên cứu biên soạn SGK riêng biệt như ở một số nước khác trên thế giới, cho nên không có đội ngũ các nhà sư phạm chuyên sâu về SGK. Phần lớn các tác giả tự rút kinh nghiệm qua tham gia nhiều đợt biên soạn SGK, tuy rất uyên bác về chuyên môn nhưng còn hạn chế về tri thức giáo dục học. Đó là một khó khăn” - GS Báo cho hay.

Hồng Hạnh