Tìm giải pháp cho tự chủ trong tuyển sinh

(Dân trí) - Tự chủ trong tuyển sinh là một nội dung của Luật Giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học cần thực hiện. Vì vậy, một câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để thực hiện tự chủ trong công tác tuyển sinh của trường mình?

TS Lê Thế Vinh - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh đã có bài viết gửi báo Dân trí chia sẻ về công tác tự chủ tuyển sinh. Dân trí xin tăng tải bài biết này sau khi đã điều chỉnh cấu trúc để cho bạn đọc tiện theo dõi:

Vai trò của đổi mới tuyển sinh đại học

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá và hội nhập quốc tế là một công việc lớn bao gồm nhiều nội dung. Đó là đổi mới từ tư duy, quan điểm đến mục tiêu, hệ thống, chương trình giáo dục, các chính sách, cơ chế và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục. Đổi mới ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo từ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đến trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Đổi mới từ khâu xây dựng chương trình, giáo trình theo hướng tích hợp cao ở các lớp học, cấp học dưới; phân hoá cao ở các lớp học, cấp học trên. Đổi mới phương pháp dạy học từ giảng nhiều, tự học ít sang giảng ít, tự học nhiều, đổi mới cách thức tổ chức giảng dạy. Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá từ việc kiểm tra kiến thức tiếp thu của người học sang kiểm tra năng lực và phẩm chất được hình thành của người học.

Với sự thay đổi của chương trình theo hướng này, đến hết bậc trung học cơ sở, học sinh đã có đủ kiến thức, phẩm chất và kỹ năng cần thiết để học nghề, sau đó lập nghiệp. Ở cấp trung học phổ thông, chương trình học và sách giáo khoa sẽ được thiết kế theo hướng phân hoá cao; học sinh sẽ lựa chọn các môn học khác nhau thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, hoặc khoa học xã hội v.v. phù hợp với năng lực học tập của mình.
 
Tranh thủ xem lại bài trước khi vào thi. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học cũng sẽ thay đổi cho phù hợp với quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo nói trên và sự đổi mới ngay bên trong Nhà trường, phù hợp với đối tượng thí sinh tốt nghiệp ở cấp học trước đó. Vì vậy, các trường phải xây dựng bộ công cụ đánh giá tin cậy và đủ linh hoạt để thực hiện được công tác tuyển sinh trong những năm tới. Trong đó tính đến sự chuyển đổi đáng kể về bản chất trong công tác đánh giá, thi cử. Mục tiêu cơ bản của công tác tuyển sinh đại học là xác định được phẩm chất và năng lực của thí sinh, để xét trúng tuyển theo học một ngành nghề cụ thể của nhà trường. Tránh trường hợp xét trúng tuyển cho thí sinh không đủ năng lực theo học chương trình thí sinh đăng ký, dẫn đến việc không thể hoàn thành khoá học theo chuẩn đầu ra đã được xác định, hoặc đành phải cho sinh viên tốt nghiệp khi chưa đạt chuẩn, gây lãng phí cho cả sinh viên và nhà trường.

Thực hiện như thế nào?

Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT về việc ban hành các quy định về tự chủ tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, các trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng đáp ứng các yêu cầu: Phù hợp với quy định của Luật giáo dục đại học và mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; Hình thức, nội dung tuyển sinh phù hợp với ngành đào tạo của nhà trường và chương trình giáo dục phổ thông; Đảm bảo nguồn lực tổ chức thực hiện việc tuyển sinh riêng; Các tiêu chí đảm bảo chất lượng nguồn tuyển rõ ràng; Không gây phức tạp cho xã hội và tốn kém cho thí sinh, được dự luận đồng tình ủng hộ; Có các giải pháp chống tiêu cực khả thi….

Để đạt được mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đối với tự chủ tuyển sinh của các trường cao đẳng đại học, phải xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực và phẩm chất của thí sinh. Đây là một công việc rất khó khăn, cần sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá. Thực hiện một khối lượng lớn công việc mang tính học thuận thuộc chuyên môn đo lường, đánh giá.

Hiện nay, theo báo cáo, hai trường Đại học Quốc gia TPHCM và Hà Nội đã triển khai thực hiện việc này; Khối các trường đại học cao đẳng văn hoá nghệ thuật đã xây dựng đề án tuyển sinh riêng, bước đầu có kết quả tốt. Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT nên tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho các trường đại học cao đẳng về việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh sinh viên. Bộ công cụ đánh giá này sẽ gắn với từng ngành nghề đào tạo của từng cơ sở giáo dục đại học sẽ là linh hồn của đề án tự chủ trong tuyển sinh của các trường.

Theo tinh thần đổi mới giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ tuyển sinh là một việc hoàn toàn khác với việc tự tổ chức thi các môn giống như cách đây hơn 20 năm. Song song với quá trình đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thì việc xây dựng bộ công cụ đánh giá, thực hiện tự chủ tuyển sinh của các cơ sở đại học là rất quan trọng góp phần đảm bảo sự thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo.

TS Lê Thế Vinh