“Nên ưu tiên đặc biệt cho nam sinh vào học ngành Sư phạm”
(Dân trí) - “Nên có chế độ ưu tiên đặc biệt để thu hút nam sinh viên học sư phạm để tránh được nguy cơ vắng bóng thầy giáo trong trường học” - đó là ý kiến đề xuất của bà Lê Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường THPT Hà Nội - Amsterdam.
Góp ý về việc thực hiện chính sách pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bà Lê Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, cho rằng: Nội dung chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) phổ thông cần hướng tới phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, kỹ năng thực hành, tăng khả năng hoạt động thực tiễn để hình thành và và phát triển toàn diện nhân cách thế hệ trẻ Việt Nam. Theo đó, cần đặc biệt chú ý tới việc đào tạo giáo viên. Cụ thể, chương trình, nội dung đào tạo của các trường ĐH Sư phạm cần phải được thay đổi để mỗi sinh viên sư phạm khi ra trường phải đạt được chuẩn là những nhà sư phạm, nhà giáo dục thực sự.
Đặc biệt, bà Oanh kiến nghị nên có cơ chế ưu đãi về chế độ lương cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vì với mức lương hiện nay chưa đủ sức hút học sinh khá - giỏi thi tuyển vào học ngành sư phạm. Thêm vào đó, nên có chế độ ưu tiên đặc biệt để thu hút nam sinh viên học sư phạm để tránh được nguy cơ vắng bóng thầy giáo trong trường học.
Bà Oanh phân tích: Sự cân bằng giới tính trong đội ngũ nhà giáo sẽ mang đến sự ổn định của xã hội, giúp giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn mang đến cho xã hội như căn bệnh trầm cảm hay “nữ hóa” trong nam học sinh. Sự mất cân bằng giới tính trong đội ngũ giáo viên có thể nhìn thấy tại nhiều cơ sở giáo dục và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động nhà trường. Hiện tượng “nữ hóa” học đường là điều trái với quy luật tự nhiên và có thể là nguy cơ giảm sút sức khỏe cộng đồng và giảm sút sức lao động sáng tạo của toàn xã hội.
Về nguyên nhân chưa thu hút được các nam sinh vào học nghề Sư phạm, theo bà Oanh, vấn đề này bắt nguồn từ chế độ chính sách dành cho giáo viên. “Đồng lương của người thầy chưa đủ đề mỗi nam giáo viên đảm đương được vai trò trụ cột kinh tế trong từng gia đình Việt Nam” - bà Oanh nói.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XI (nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ: “Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao; có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. |