“Điểm yếu của nhiều giáo viên là chưa biết ra đề, phân tích đề”

(Dân trí) - Hiến kế về thực hiện chương trình, sách giáo khoa theo hướng tích hợp, phân hoá, GS.TS Nguyễn Đức Chính, Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội có nhấn mạnh đến khía cạnh khoa học đánh giá trong giáo dục, trong đó có nhắc đến vai trò của giáo viên.

Cùng với GS.TS Nguyễn Đức Chính, nhiều chuyên gia giáo dục cũng đã có những góc nhìn thẳng thắn, đồng thời đã đưa ra những ý kiến đóng góp đối với vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
 
GS Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội khẳng định: “Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa là cần thiết. Tuy nhiên, đây là việc làm hệ trọng, cần phải kế thừa, đổi mới, điều chỉnh, tiếp cận chương trình, nội dung giáo dục phổ thông ở các nước hiện đại phù hợp với thực tiễn Việt Nam”.
 
Giáo viên là lực lượng chủ công trong đổi mới

Theo GS Nguyễn Đình Hương, giáo dục phổ thông thời gian qua đã đạt được những thành tựu đánh kể về quy mô trong thời kỳ đổi mới, nhưng chất lượng giảm sút, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống. Giáo dục nặng với ứng phó thi cử, nặng lý thuyết, kém thực hành, không thực hiện được phân ban, phân hướng, gần như tốt nghiệp phổ thông để thi vào đại học nền cả ngành và xã hội hàng năm tập trung vào kỳ thi đại học là chủ yếu. Hiện tại, không chỉ thi vào lớp 1, lớp 10 ở các trường, lớp chất lượng cao cũng không kém căng thẳng.

Bên cạnh đó, chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) hiện hành có nội dung nặng, quá tải, nặng lý thuyết, chưa gắn nhiều với thực tiễn, tính liên thông giữa các cấp trình độ ở phổ thông với giáo dục chuyên nghiệp, đại học còn thấp. Do đó, việc đổi mới CT, SGK phổ thông là cần thiết.

“Tuy nhiên, đây là việc làm hệ trọng, cần phải kế thừa, đổi mới, điều chỉnh, tiếp cận chương trình, nội dung giáo dục phổ thông ở các nước hiện đại phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Cần chuẩn bị khẩn trương nhưng chu đáo, hiệu quả vì CT, SGK phổ thông gắn chặt với trình độ giáo viên và học sinh, hàng triệu người và hàng trăm đối tượng khác nhau” - GS Hương lưu ý.

GS Hương đề nghị: “Đổi mới CT, GSK phổ thông phải lấy hệ thống các trường Sư phạm làm nòng cốt. Không để các trường Sư phạm đứng ngoài cuộc như thời gian vừa qua. Các trường Sư phạm không chỉ làm nòng cốt đổi mới mà là nơi đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện đổi mới CT,SGK nên coi đây là lực lượng chủ công cần được huy động và đầu tư thoả đáng.

Bên cạnh đó, hiện tại khối lượng kiến thức các môn tự nhiên nên lựa chọn giáo trình chuẩn của các nước tiên tiến và áp dụng thích hợp ở nước ta. Huy động các thầy cô giáo giỏi, kể cả Việt kiều có trình độ, chuyên môn tâm huyết để dịch và chuẩn giáo trình phổ thông. Riêng đối với các môn khoa học xã hội cần phải nghiên cứu đầu tư phù hợp với văn hóa Việt Nam.
 
Thận trọng khi đổi mới chương trình, sách giáo khoa
Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục lưu ý ngành giáo dục hết sức thận trọng khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
 
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội cho rằng: “Giáo dục phổ thông là nền tảng hình thành và phát triển nhân cách con người nên cần có sự đổi mới về quan điểm giáo dục phổ thông, cần có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo. Theo đó, đối với đào tạo giáo viên phải nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học và THCS lên trình độ đại học. Bên cạnh đó, đào tạo giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành giáo dục chứ không phải đào tạo theo nhu cầu xã hội. Vì vậy, nên có định hướng về kế hoạch và có sự chọn lọc tuyển sinh những học sinh đủ điều kiện về phẩm chất và năng lực phù hợp với nghề dạy học”.

Nên đưa Kiểm tra - đánh giá thành một môn học bắt buộc

Hiến kế về thực hiện CT,SGK theo hướng tích hợp, phân hoá, GS.TS Nguyễn Đức Chính, Trường ĐH Giáo dục  - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần thừa nhận sự lạc hậu của quy trình dạy học lấy nội dung dạy học làm trọng tâm, xây dựng và ban hành quy trình dạy học lấy đối tượng dạy học, mục tiêu dạy học làm điểm xuất phát.  Đưa môn học kiểm tra - đánh giá kết quả học tập thành môn bắt buộc trong chương trình đào tạo giáo viên. Xem kiểm tra - đánh giá kết quả học tập là một trong những kỹ năng nghề nghiệp quan trọng, tích hợp cả năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm.

GS Chính dẫn giải về mô hình này, một chương trình giáo dục có thể chưa tốt, nhưng nếu biết tổ chức hoạt động kiểm tra - đánh giá kết quả học tập một cách khoa học, công bằng, vì sự tiến bộ của học sinh thì vẫn có thể tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao. Một chương trình giáo dục tốt, nhưng nếu hoạt động kiểm tra - đánh giá không tốt khó có thể nói tới một nền giáo dục có chất lượng. Học sinh học không phải để kiểm tra - đánh giá, nhưng họ có quyền được kiểm tra - đánh giá để học ngày càng tiến bộ hơn. Kiểm tra - đánh giá trước hết vì sự tiến bộ bền vững của người học. Chính sự thiếu vắng kiến thức, kỹ năng về kiểm tra - đánh giá kết quả học tập của học sinh là một trong những nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến sự yếu kém của chất lượng dạy học - GS Chính khẳng định.

GS Chính cho hay, rất tiếc ở Việt Nam do khoa học về đánh giá trong giáo dục, trong đó kiểm tra - đánh giá kết quả học tập chưa phát triển, hầu hết các trường sư phạm chưa có môn học rèn luyện kỹ năng này cho giáo sinh, hầu hết giáo viên chưa biết dùng kiểm tra - đánh giá như một phương pháp dạy học, chưa biết dung kiểm tra - đánh giá để thúc đẩy sự tiến bộ trong học tập của học sinh trong suốt quá trình.

Kiểm tra - đánh giá mới được dùng để đo lượng một cách tương đối kết quả học tập cuối cùng của học sinh, đó là chưa nói đến những hiện tượng tiêu cực như quay cóp, nâng điểm, cấy điểm… hay những điểm yếu của nhiều giáo viên như chưa biết ra đề, phân tích đề, viết câu hỏi -  GS Chính nhận định.

Hồng Hạnh