DMagazine

Mẹ khoe con giật mình nghe hỏi: "Con không học giỏi nữa, mẹ có còn thương?"

(Dân trí) - Những cuộc tranh luận quanh vấn đề khoe điểm, khoe con trên mạng xã hội nếu diễn ra một cách văn minh thì đó là cuộc đối thoại hữu ích cho giáo dục.

Mẹ khoe điểm con giật mình nghe hỏi: "Con không học giỏi nữa, mẹ còn thương không?" 

 (Dân trí) - Những cuộc tranh luận quanh vấn đề khoe điểm, khoe con trên mạng xã hội nếu diễn ra một cách văn minh thì đó là cuộc đối thoại hữu ích cho giáo dục.

Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập Faros Education nhấn mạnh đến khía cạnh này khi nói đến câu chuyện khoe điểm con trên mạng xã hội đang làm bùng nổ tranh cãi giữa các nhóm phụ huynh.

Mẹ khoe con giật mình nghe hỏi: Con không học giỏi nữa, mẹ có còn thương? - 1

Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương (Ảnh: NVCC).

Khoe cũng phải an toàn 

Quan điểm của bà về hình ảnh phụ huynh khoe bảng điểm, giấy khen của con tràn ngập mạng xã hội mỗi mùa bế giảng?

- Tôi thấy việc khoe con là một sở thích rất tự nhiên và bình thường của các phụ huynh. Phụ huynh yêu con thường có một điểm chung là thấy con mình làm cái gì cũng đáng yêu, đáng tự hào cả. Từ chuyện con chập chững bước đầu tiên, con bập bẹ tiếng nói đầu đời, cho đến những thành tích học tập con đạt được ở trường… 

Khoe con, đâu đó cũng là cách mà nhiều phụ huynh chọn để bày tỏ tình yêu, sự quan tâm dành cho con hoặc đơn giản là bày tỏ niềm vui sướng khi những nỗ lực mình bỏ ra để nuôi dạy con nay đã được đền đáp. 

Điều đáng suy nghĩ trong câu chuyện này là khoe cái gì và khoe thế nào!

Tại sao cần bận tâm đến việc "khoe cái gì"? Vì những thứ càng được khoe thì chứng tỏ chủ nhân càng coi trọng cái đó. Và những gì số đông phụ huynh quan tâm, cái đó càng dễ trở thành thước đo của nhà trường, của xã hội. 

Nếu chỉ toàn khoe chuyện con đạt điểm cao mà chẳng mấy khi kể chuyện con giúp đỡ bạn bè, con bảo vệ môi trường, hay một niềm vui giản dị nào đó của con…thì rốt cuộc đâu mới là điều phụ huynh thật sự coi trọng? Chúng ta chỉ trích giáo dục ngày càng chạy theo thành tích, ngày càng áp lực nhưng rồi chính ta lại tung hô và góp phần biến nó thành thước đo để các trường học theo đuổi?

Rồi nhiều phụ huynh mải mê khoe giấy khen của con mà lại không chú ý là điều đó có thể làm lộ các thông tin cá nhân quan trọng của con như là con học lớp, trường nào, cô giáo chủ nhiệm là ai… Cách khoe cần được chú ý để đảm bảo rằng sở thích khoe của người lớn không gây ra những điều bất lợi cho con trẻ. 

Sự an toàn của trẻ còn là chuyện liệu cha mẹ, gia đình có tạo ra áp lực, sự kỳ vọng vô hình lên con hay không? 

Mẹ khoe con giật mình nghe hỏi: Con không học giỏi nữa, mẹ có còn thương? - 2
Mẹ khoe con giật mình nghe hỏi: Con không học giỏi nữa, mẹ có còn thương? - 3

Phụ huynh khoe điểm con trên mạng xã hội kéo theo nhiều tranh cãi nảy lửa (Ảnh: H.L - H.N).

Có lần, con tôi hỏi tôi một câu thế này: "Nếu lỡ con không học giỏi nữa, mẹ có còn thương con không?". Câu hỏi đó của con khiến tôi sau đó phải học cách tiết chế lại những lời khen con.

Không dừng lại ở đó, câu chuyện khoe điểm, khoe giấy khen của các con dường như đang kéo theo "cuộc chiến" nảy lửa trên mạng xã hội giữa các nhóm phụ huynh?

- Mọi vấn đề đều có hai mặt, không thể chỉ bằng một câu mà khẳng định chuyện khoe hay khen con là đúng tuyệt đối hay sai tuyệt đối. 

Nó cũng giống như câu hỏi tiền là tốt hay xấu vậy. Đồng tiền tự thân nó không tốt không xấu, cách kiếm tiền và dùng tiền mới là thứ đáng để bàn. Chuyện khen con, khoe con là ổn hay không ổn phải xét đến nội dung khoe, cách khoe như tôi đã nói ở trên.

Tuy nhiên, việc có những tranh luận như vậy và nếu những tranh luận này có thể diễn ra một cách văn minh, thì tôi cho rằng đó là cuộc đối thoại hữu ích cho giáo dục. Nó cho thấy, phụ huynh đã dần quan tâm đến những chủ đề sâu sắc như: Liệu điểm số cao ở trường học có phải là điều đáng để tự hào? Việc khoe con có dẫn đến hệ quả nào mà chúng ta cần cân nhắc? Cách khen ngợi, ghi nhận con như thế nào là phù hợp?  

Thay vì "chiến" xem ai đúng ai sai, nếu cộng đồng có thể dành thời gian bàn sâu hơn về những câu hỏi này thì tôi tin là sẽ ra được nhiều góc nhìn thú vị.

Trong giáo dục, rất cần tinh thần đồng kiến tạo của tất cả các bên, từ nhà trường, gia đình, người học. Mỗi người làm tốt hơn việc của mình, kiến tạo ra một điều gì đó có khi giải quyết được vấn đề. Còn hiện nay, giáo dục của chúng ta dường như chỉ cần thả một ngọn lửa nhỏ thôi là có thể thổi bùng lên bất kỳ sự căng thẳng nào.

Phụ huynh Việt Nam xem con là tài sản 

Với nhận định phụ huynh Việt Nam quá coi trọng, nếu không muốn nói là "cuồng" điểm số, bà đánh giá sao?

- Câu chuyện điểm số gặp nhiều ở xã hội mà áp lực thành công ở nơi đó nặng về sự công nhận của người khác.

Khát vọng thành công ai cũng có, không sai và xã hội nào cũng có áp lực về thành công. Việc đó chỉ "có vấn đề" khi một người đeo đuổi thành công theo góc nhìn của người khác chứ không phải là vì cần cho mình. 

Trong xã hội Việt Nam, giá trị vai trò làm cha làm mẹ được quyết định với việc phải có một gia đình ấm êm và con tôi phải thành công. Và những áp lực này được đẩy xuống đứa trẻ. 

Con cái với phụ huynh Việt Nam vẫn là một kiểu... tài sản. Con thành đạt giống như bảo chứng cho việc một người là cha mẹ tốt, nếu con không thành đạt nghĩa là thua kém, không bằng người này người kia. 

Sự thành công của một đứa trẻ sau này được đánh giá sẽ là ông này bà nọ, được quy vào điểm số vì đó là thứ dễ nhìn thấy nhất, dễ đo nhất, làm cho người ta cảm thấy yên tâm. Còn tất cả những vấn đề ẩn, ngầm khác như tính cách, năng lực của trẻ... thì vừa khó nhìn thấy lại vừa khó đo lường.

Chưa kể, chúng ta vẫn dùng điểm số là công cụ đánh giá chính yếu cho các kỳ thi. 

Mẹ khoe con giật mình nghe hỏi: Con không học giỏi nữa, mẹ có còn thương? - 4

Phụ huynh tại TPHCM chờ con trước cổng trường thi năm 2022 (Ảnh minh họa: Hải Long).

Xem trọng điểm số, thành tích học tập là vấn đề ở xã hội nào cũng có nhưng ở châu Á nặng nề hơn bởi phụ huynh châu Á gắn thành tựu cá nhân trong vai trò làm cha làm mẹ với thành tựu cá nhân của con cái. 

Cũng phải nói thêm, vươn lên những tiêu chuẩn xuất sắc, ưu tú là cần thiết. Khi dạy học trò, người thầy phải có tâm thế, có sự nghiêm cẩn xem liệu có thể đẩy học sinh lên bước nữa không, phải gieo cho học trò tư duy em đó có thể làm tốt hơn nữa và chính mình cũng có thể làm tốt hơn.

Cái tốt hơn cần dựa trên năng lực của từng đứa trẻ, có trẻ từ 5 lên 6 là phù hợp, là tốt chứ không phải là ép tất cả lên điểm 9 - 10. 

Ở chiều hướng ngược lại, không ít phụ huynh có quan điểm "con chỉ cần vui, rèn luyện nhân cách, không quan trọng điểm số". Bài toán với mỗi phụ huynh, gia đình phải chăng là tính mức đánh đổi giữa niềm vui, phát triển kỹ năng và kết quả học tập của trẻ? 

-Theo tôi, đừng tuyệt đối hóa về một khái niệm hay chiều hướng nào rồi phản bác hoàn toàn những cái khác. Khi chúng ta nói bản thân không coi trọng điểm số không có nghĩa là dễ dãi, để con học làng nhàng thế nào cũng được. 

Chúng ta hay có suy nghĩ được cái này thì mất cái kia. Tôi tập trung vào học thuật thì sẽ xem nhẹ kỹ năng, rèn luyện nhân cách và ngược lại, tôi rèn nhân cách thì sẽ hy sinh việc học. Không phải! Chúng ta có thể có được cả hai. Giáo dục không phải là việc đánh đổi việc rèn luyện nhân cách, kỹ năng với việc thu nạp kiến thức. 

Nhưng để có được cả hai toàn vẹn như vậy đúng là việc rất khó. Bởi vì khó nên trong các quyết định, lựa chọn hàng ngày chúng ta sẽ làm gì, làm như thế nào sẽ phải rất tỉ mỉ, dụng công. 

Khi tìm hiểu về mô hình trường học kiến tạo ở Ấn Độ, tôi thấy thời khóa biểu của học sinh có nhiều tiết dành cho các hoạt động, dự án phát triển kỹ năng, rèn luyện nhân cách. Số tiết cho các hoạt động này cân bằng với thời gian học kiến thức học thuật nhưng học sinh của họ vẫn có kết quả học tập rất tốt. 

Còn chương trình học của ta, ngày học rất dài và dày đặc các môn học, khung thời gian cho các hoạt động ngoài học thuật vô cùng ít ỏi, chỉ 1 - 2 tiết tuần. 

Thước đo nào ra kết quả đó

Vẫn là câu chuyện điểm số, mọi người vẫn hay than thở, chương trình giáo dục phổ thông rất nặng nhưng kết quả học sinh lại toàn giỏi, toàn xuất sắc. Rất nhiều người không lý giải nổi nghịch lý này, thưa bà?

- Tôi lại thấy điều đó không phải là nghịch lý, trái lại, nó rất hợp lý với những gì đang diễn ra. Chính vì chúng ta muốn tất cả học sinh đều phải là giỏi, xuất sắc nên mới phải ép học, học nặng như vậy!

Có lần, tôi tình cờ xem một diễn viên hài độc thoại người Mỹ gốc châu Á nói về phụ huynh châu Á của mình. Anh ấy đùa một câu khiến tôi nhớ mãi: "Với phụ huynh châu Á, điểm A mới được xem là "đạt", mọi thứ dưới điểm A đều là không đạt. Điều đó ở trong máu chúng tôi rồi. Vì chữ "Asian" (châu Á) được bắt đầu bằng chữ "A" mà, có phải chữ B đâu!". 

Mẹ khoe con giật mình nghe hỏi: Con không học giỏi nữa, mẹ có còn thương? - 5

Học sinh gánh nhiều kỳ vọng lẫn áp lực về điểm số (Ảnh minh họa: Hải Long).

Theo thước đo chung thì chỉ cần trên 5 điểm đã được xem là "đạt" nhưng thực tế có mấy phụ huynh bằng lòng với điểm trung bình của con.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khách quan như việc nhiều trường học hay giáo viên chưa có đủ điều kiện và năng lực để dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh. Một lớp học 40-50 em, cộng thêm áp lực phải "chạy" cho kịp thời lượng chương trình, thời khóa biểu rất dễ dẫn đến chuyện trường học phải đổ đồng một khối lượng kiến thức, một lối dạy cho tất cả không thể chú ý đến nhu cầu riêng của từng em. 

Nhiều giáo viên còn có tâm lý, thà cứ áp gánh thật nặng lên học sinh để lỡ có vấn đề gì, lãnh đạo hay phụ huynh sẽ không trách thầy cô đã không làm hết sức. Có ai ghi nhận giáo viên biết giảm tải, biết lắng nghe học sinh không hay thước đánh giá giáo viên cũng chỉ dựa trên số lượng học sinh giỏi, học sinh tốt nghiệp điểm cao? 

Có một câu châm ngôn tiếng Anh là "You get what you measure" (Bạn dùng thước đo nào thì nhận về kết quả đó), tôi thấy khá đúng với tình huống này.

Trân trọng cám ơn bà về cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn!

Hoài Nam (thực hiện)