Kỳ lạ chương trình học ngày càng khó, học sinh lại toàn điểm 9, 10
(Dân trí) - Có một nghịch lý trong giáo dục lâu nay là chương trình luôn bị than quá khó, làm khổ học sinh nhưng kết quả lại tưng bừng, học sinh toàn giỏi, xuất sắc.
Giáo dục đến ngưỡng... phổ cập học sinh giỏi?
Quanh năm, lúc nào chị Mai Anh, có con học lớp 4 ở Hà Nội, cũng than chương trình học bây giờ khó quá, chương trình làm khổ học sinh. Nhưng rồi kết quả của "chương trình làm khổ học sinh" đó là con chị cũng như nhiều đứa trẻ khác, điểm kiểm tra toàn 9 - 10, xếp loại xuất sắc.
Câu chuyện của chị Mai Anh, những lời than thở của chị về "chương trình khó ơi là khó, làm khổ học sinh" cũng là câu chuyện gây băn khoăn với nhiều phụ huynh và nhà giáo dục lâu nay. Đâu đâu cũng nghe than chương trình khó lắm, căng lắm nhưng kết quả thì... phấn chấn vô cùng. Học sinh giỏi, xuất sắc áp đảo, học sinh tiên tiến còn trở thành số hiếm chứ chưa nói đến trung bình.
Kết thúc năm học, khắp nơi có thể nhìn thấy những bảng điểm long lanh không tì vết của học trò, những bảng điểm toàn 10, hiếm 9 phủ sóng khắp mạng xã hội. Một vài con số thống kê về tỷ lệ xếp loại học sinh tại nhiều lớp, nhiều trường, nhiều địa phương dường như cho thấy, giáo dục đang tiến đến ngưỡng... phổ cập học sinh giỏi.
Chương trình khó mà học sinh toàn giỏi, toàn xuất sắc được xem là một nghịch lý kỳ lạ, khó lý giải.
ThS Phạm Thái Sơn, Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đưa ra quan điểm, thầy cô đang dạy theo kiểu "tín chỉ", tức là dạy bao nhiêu thì thi bấy nhiêu, dạy 3 chương thì thi sẽ giới hạn trong 3 chương đó nên học sinh dễ dàng đạt điểm cao.
Ngoài ra, hiện nay giáo viên thường ra đề theo hướng đề mở. Đề mở có cái hay là khơi gợi ý tưởng cá nhân nhưng thực tế, thay vì để học sinh nói lên quan điểm cá nhân thì giáo viên lại dạy trước và ra đề gần giống nội dung đã ôn cho các em.
Quan sát từ chính các con mình, ông Sơn nhận thấy các con thường được giới hạn đề ôn thi giống với đề thi chính thức. Các con sẽ có 4 - 5 đề mẫu để ôn tập và đề thi chính thức cũng chỉ lấy ý trong đề mẫu. Với cách học và thi này, nếu học sinh ôn bài kỹ thì sẽ làm bài rất tốt và ngược lại.
Ông Phạm Thái Sơn thẳng thắn: "Nói thật tôi không mấy tin tưởng vào cách đánh giá bây giờ. Cách đánh giá bây giờ khác trước nhiều quá, tôi cũng không hiểu nổi".
Vị giảng viên đại học cho rằng cần phải quy định rõ ràng về tiêu chí đánh giá học sinh, chẳng hạn như các học sinh loại giỏi thì năng lực phải thật sự xuất sắc và có những điểm độc đáo, còn những em loại khá thì học lực phải giỏi và có ý tưởng gì mới. Việc đánh giá cần phải đúng với năng lực của học sinh.
Việc nhìn đâu cũng thấy học sinh khá, giỏi, xuất sắc như hiện nay, ông Sơn cho rằng thực sự không có lợi, dẫn tới cái nhìn "ảo tưởng" vào năng lực của các em.
Một chuyên gia giáo dục ở TPHCM cho hay, nói học sinh của chúng ta bây giờ giỏi cũng không sai, thầy cô dạy hiệu quả hơn cũng không sai... Ít nhất là hiệu quả về mặt điểm số, hiệu quả để làm bài kiểm tra.
Chương trình nếu có nặng thì việc học và dạy vẫn chỉ "co cụm" trong giới hạn... để làm bài thi, làm bài kiểm tra đó. Học sinh được ôn kỹ, luyện kỹ, học thuộc khi kiểm tra thì chỉ cần chép lại nên đạt điểm cao là điều không khó hiểu.
Điều đáng quan tâm, theo bà, là việc học thực chất đang không phải để phát triển năng lực, phát triển tư duy mà ngày càng bị "trói" trong khuôn khổ học để thi, để lấy điểm. Kiểu như dạy học toán không phải đề phát triển logic, tư duy, phương pháp giải quyết vấn đề mà để... làm bài thi toán.
Ngoài ra, theo quan điểm của chuyên gia này, chương trình của Việt Nam không nặng, không quá sức học trò như chúng ta hay than phiền nhưng bị chồng chéo, thừa những phần hàn lâm, nặng những nội dung không cần thiết và thiếu thứ gắn liền với thực tế...
Thứ "nặng" hơn là do bệnh thành tích từ nhà trường cho tới gia đình, ai cũng muốn trẻ phải đạt điểm 9 - 10. Người lớn không chấp nhận những con điểm khác nên kéo theo việc học thêm tràn lan hay ép con học thái quá.
Điểm cao nhờ... học thêm!?
Ở góc độ phụ huynh, anh P.T., ông bố ở Đà Nẵng, người vừa lên tiếng kêu gọi "bố mẹ hãy bớt ảo tưởng đi" trước điểm số toàn giỏi của học sinh lý giải rằng, nhiều phụ huynh sợ con điểm thấp nên môn nào cũng chở con đến chính nhà giáo viên dạy môn đó trên lớp để học thêm. Đã đi học thêm ở nhà thầy cô thì kiểu gì cũng 9, cũng 10...
Nhiều điểm 9, điểm 10 đang được tạo ra từ lớp học thêm chứ không phải ở lớp học thật! Học thêm quyết định điểm số, kết quả của học trò chứ chưa chắc đã phải học chính khóa.
Cùng góc nhìn này, trong lần chia sẻ với PV Dân trí , nhà giáo Phạm Đình Thực, nguyên Trưởng Bộ môn phương pháp dạy toán tiểu học, Trường đại học Sài Gòn nhấn mạnh, bất cứ sự động não nào của con người cũng đòi hỏi sự vất vả, khổ luyện, căng thẳng. Không thể có chuyện muốn đạt được về trí tuệ mà không vất vả.
Tuy nhiên theo ông Thực, sự vất vả hiện nay của các em học sinh là không cần thiết. Trẻ lao vào học thêm, học nhồi nhét chứ không thật sự phát huy được khả năng tự học của mình.
Trẻ muốn hiểu được bài, muốn có kỹ năng, mở mang về tư duy phải tự suy nghĩ, tự động não mới hiểu vấn đề. Nhưng giờ đây, gặp một bài toán khó là các em đến lớp học thêm để được thầy chỉ cho dạng này, dạng kia rồi chỉ cách giải thế này, thế kia ngay. Cái gì các em cũng được thầy cô "mớm" sẵn, làm hộ mà không cần động não.
Chỉ "chép lại" nên có thể các em đạt điểm rất cao, toàn 9 - 10 nhưng cái giá của việc này, theo nhà giáo Phạm Đình Thực là hình thành cho các em thói quen lười tư duy.
Trong khi học là để trao cho trẻ nhận định bằng chính tư duy của mình, phải biết phản biện, phải linh hoạt trước mọi vấn đề, tăng khả năng dồi dào về trí tuệ... Một khi lười tư duy, thiếu phản biện, học sinh cũng sẽ mất đi khả năng đề kháng trước mọi vấn đề.
Học sinh toàn điểm 9, điểm 10 nhưng liệu có giỏi là câu hỏi kéo theo băn khoăn lớn về bệnh thành tích, về vấn nạn dạy học thêm, về việc dạy học chạy theo thi cử, về cách thức đánh giá học sinh, về những ông bố bà mẹ thích nhìn vào điểm số hơn nhìn nhận năng lực thật của trẻ!
"Vì sao học sinh, con em chúng ta toàn giỏi?" là câu hỏi chí mạng dành cho tất cả...