"Đại hội" bố mẹ sung sướng khoe bảng điểm con tràn cõi mạng
(Dân trí) - Sau buổi họp phụ huynh cuối năm, trên mạng xã hội ngập tràn cảnh tượng phụ huynh hỉ hả, sung sướng khoe bảng điểm, thành tích của con đến ngộp thở.
Cuối tuần qua, hàng loạt trường học tổ chức họp phụ huynh cuối năm để chuẩn bị kết thúc năm học. Ngay sau buổi họp, khắp cõi mạng từ Facebook, Zalo đến cả TikTok... tràn ngập cảnh tượng bố mẹ sung sướng khoe bảng điểm, thành tích của con.
Nhiều bảng điểm của trẻ, bảng xếp hạng của lớp, của trường được chính bố mẹ đăng tải, rồi đến ngay cả tên tuổi lớp học của con cũng được chính bố mẹ công khai trần trụi...
Ngập tràn, khắp nơi trên mạng xã hội, lướt đâu cũng thấy đập vào mắt toàn là những điểm số "chói lòa" bất kể trẻ học cấp 1, 2, hay 3. Hàng loạt bảng điểm chỉ có điểm 10, vài bảng điểm hiếm hoi có số 9. Học sinh xếp loại giỏi, xuất sắc...
Đi cùng minh chứng rõ ràng bằng những con số này, cũng không thiếu những lời ca ngợi, xuýt xoa của phụ huynh như "niềm tự hào của nhà mình", "điểm số của con khiến mẹ rất tự hào, hài lòng"...
Nhìn những bảng điểm được khoe công khai, những lời chia sẻ hạnh phúc không khó để thấy niềm sung sướng của bố mẹ trước điểm số của con. Với rất nhiều ông bố bà mẹ, hành trình học tập một năm của con chỉ cần từng đấy là đủ...
Niềm sung sướng, phấn khởi của bố mẹ khi khoe điểm số của con phản ánh rõ nét việc coi trọng điểm số, đánh giá con dựa vào điểm số ngay từ trong gia đình, ăn sâu trong nhiều ông bố bà mẹ cực kỳ nặng nề. Điều này cũng phán ảnh bố mẹ xem đứa trẻ, cụ thể là điểm số của đứa trẻ như vật trang sức long lanh đeo trên người mình.
Dẫu rằng, cũng không ít người biết rõ bệnh thành tích, biết rõ trẻ toàn 9, 10 là điều không bình thường, thậm chí biết rõ năng lực của con mình không thể đạt được mức đó... Nhưng kệ, niềm vui con đạt điểm cao quan trọng hơn tất thảy.
Chị Đậu Minh Nhân, ở Gò Vấp, TPHCM chia sẻ những ngày này vào Facebook là chị... khó thở với "đại hội" khoe điểm, thành tích của con trên mạng xã hội.
"Đọc nhiều bài khoe điểm, khoe thành tích của con tôi có thể nghe thấy cả tiếng cười hỉ hả, sung sướng của phụ huynh. Nói thật tôi chỉ thương cho những đứa trẻ của những ông bố mẹ này khi niềm vui họ dành cho con được tính trên điểm số. Chưa kể, nhiều con điểm không có thật... ", chị Nhân nêu quan điểm.
Chị Nhân cũng đặt vấn đề khi bố khoe lên mạng nhận về không ít bình luận "đãi bôi" kiểu "con giỏi thế", "xuất sắc vậy"... khi mà giờ học sinh nào mà chẳng 9, chẳng 10.
Đằng sau điểm số có thể là sự bế tắc của trẻ
TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia phân viện TPHCM cho hay, mỗi cuối học kỳ, cuối năm học, Facebook lại tràn ngập cảnh khoe điểm, khoe hình giấy khen từ phụ huynh bà lại không khỏi trăn trở bởi người lớn có thể đã bỏ qua những khó khăn, chán nản của trẻ.
"Chúng ta có biết sau mỗi điểm số cao chót vót của con mình, lớp con mình là bao nỗi niềm chán chường, mệt mỏi, mất định hướng của các con?", bà đặt câu hỏi.
Nữ TS nhắc đến câu chuyện tận cùng đau đớn về một em học sinh giỏi đã chọn cái chết vì áp lực học hành, điểm số cách đây không lâu.
Trong lá thư tuyệt mệnh, em học trò nói rằng nhiều năm nay, hầu như cuộc đời của học sinh chúng con chỉ là thức dậy, đi học trên trường, đi học thêm, về nhà và lặp lại. Qua nhiều năm, niềm đam mê học tập của con dần mất đi. Em bắt đầu kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng khi nghe đến chữ học. Không biết tự bao giờ, thời gian chúng con đi học còn nhiều hơn khoảng thời gian chúng con được ngủ...
Đứa trẻ ấy nói về những nỗi sợ của mình: "Con sợ lắm! Con sợ mỗi khi ông mặt trời lại lên báo hiệu một ngày đi học nữa lại đến. Con sợ khi điều đầu tiên thầy cô làm khi bước vào lớp là khảo bài, kiểm tra một núi bài tập họ giao cho chúng con. Con sợ khi tiếng trống giờ về không đồng nghĩa với việc chúng con được về nhà nghỉ ngơi mà nó chỉ đơn thuần là giờ ra chơi giữa giờ học chính khóa và giờ học thêm.
Con sợ khi nhìn các bạn đồng trang lứa ăn vội vàng cái bánh bao và ánh mắt họ đờ đẫn, xa xăm, vô hồn ngồi trên chiếc xe máy giữa dòng người kẹt xe lúc 5h chiều…."
Em học trò cũng thốt lên" "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" - là điều đầu tiên em con được nghe khi bước vào lớp 1. Và cho đến giờ, khi đang ở độ tuổi 18, em căm ghét cái câu nói này kinh khủng...".
Đi dạy hàng chục năm, bà Thúy nhận thấy nhiều học sinh giờ đây muốn điểm cao chỉ có thể học vẹt, thi xong là quên. Điểm cao của các em mà người lớn đang khoe không nói lên năng lực thực sự của đứa trẻ. Điểm số đó càng không có ý nghĩa gì với sự phong phú của cuộc sống mà các con sẽ sống.
Theo bà Phạm Thị Thúy, cần nhìn lại hệ thống giáo dục hiện tại, chương trình, sách, cách giảng dạy và đặc biệt là cần nhìn lại quan điểm của chúng ta về điểm số, thành tích của các con. Có phải chúng ta đang đi ngược lại mong muốn của chính chúng ta là mong con hạnh phúc? Làm sao đứa trẻ hạnh phúc khi học với áp lực điểm số?
Đứa trẻ chỉ thực sự hạnh phúc khi các con được tự do, được sáng tạo, được phát huy năng khiếu, sở trưởng của riêng mình mà không cần phải đóng khuôn giống ai đó, giỏi bằng ai đó chỉ với một so sánh hạn hẹp qua điểm số.
Bà Phạm Thị Thúy mong mỏi thầy cô và đặc biệt là cha mẹ hãy thay đổi tư duy "nhìn vào điểm" đánh giá các con để bớt làm khổ con. Nhất là hiện nay, các nhà tuyển dụng đã quá thấm hậu quả của giáo dục áp đặt, đọc chép, học vẹt nên phần lớn không tuyển dựa trên điểm số, bằng cấp mà dựa trên năng lực ứng dụng vào công việc, năng lực hội nhập với đội nhóm, năng lực thích nghi và linh hoạt, năng lực học suốt đời của ứng viên để quyết định tuyển dụng.
Vì vậy, nếu vẫn đánh giá các con theo điểm số, áp lực các con theo điểm số có phải chúng ta đang vô lý, và vô tình hủy hoại sự hạnh phúc, niềm yêu thích học tập, sáng tạo của các con - những tố chất cần thiết cho cuộc sống tương lai của các con!
Có thể lắm, khi đang hân hoan, vui sướng với những con điểm trên giấy, bố mẹ đã bỏ quên những đứa con bằng da bằng thịt ngay bên cạnh mình...