"Dừng dạy thêm học thêm, học sinh trung bình khá sẽ thất thế"
(Dân trí) - Trên đây là một trong nhiều ý kiến của độc giả khi cho rằng Thông tư 29 về dạy thêm học thêm còn nhiều bất cập và không có lợi cho học sinh trung bình khá trở xuống.
Sau một tuần Thông tư 29 về dạy thêm học thêm được áp dụng, dư luận xã hội tiếp tục có nhiều ý kiến trái chiều.
Những điểm tích cực của Thông tư 29 được chỉ ra như "cởi trói" cho những học sinh, phụ huynh đã và đang phải học thêm tự nguyện trong ép buộc", nâng cao chất lượng giảng dạy chính khóa trong nhà trường, thúc đẩy cha mẹ tham gia vào giáo dục con cái, nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu của học sinh, quản lý hoạt động dạy thêm học thêm ngoài nhà trường đảm bảo quyền lợi chính đáng của người học…
Tuy nhiên, không ít phụ huynh cho rằng Thông tư đã bỏ chung tất cả các trường hợp dạy thêm, học thêm "vào một giỏ", làm ảnh hưởng trực tiếp tới học sinh, nhất là học sinh yếu thế.
Độc giả Hùng Cường nêu ý kiến: "Thông tư mới có những điều tích cực như: giảm được tình trạng dạy thêm tràn lan, lôi học sinh của mình ra ngoài học, phân biệt giữa học sinh đi học thêm và không đi học thêm.
Tuy vậy Thông tư cũng còn nhiều điều bất cập, không có lợi cho học sinh. Nếu dừng toàn bộ việc dạy thêm như hiện nay thì những học sinh trung bình khá trở xuống (chiếm trên 70%) sẽ thất thế hơn.

Học sinh tiểu học tại Hà Nội (Ảnh: Quân Đỗ).
Những bạn nào có nền tảng tốt, học giỏi thì sẽ phân hóa rõ ràng hơn, còn bạn trung bình khá trở xuống thì sẽ rất vất vả.
Chưa kể học sinh ở nông thôn sẽ còn chịu thiệt thòi hơn so với thành phố. Học sinh ở thành phố có thể đổ ra các trung tâm để học thêm, làm cho việc phân hóa giữa học sinh thành phố và nông thôn ngày càng rõ ràng hơn.
Liệu Bộ Giáo dục có tính được chi phí học thêm ở trường là một con số rất nhỏ nếu đem ra so với chi phí mà phụ huynh phải bỏ ra để cho con đi học tại các trung tâm, các môn kỹ năng khác?".
Độc giả Hùng Cường cũng chỉ ra bất cập trong việc cha mẹ quản lý thời gian con ở nhà tự học: "Tôi dám chắc là thời gian rảnh ở nhà đa phần các con xem điện thoại, máy tính, tivi. Các trò chơi lành mạnh như ngày xưa giờ hiếm lắm, ngay cả vùng nông thôn hiện tại cũng khó chứ chưa nói tới thành thị".
Cùng quan điểm, độc giả Văn Đức Đinh cho rằng chỉ những phụ huynh may mắn có con cái ý thức tốt, tự giác học hành mới không lo lắng. Số còn lại sẽ rất vất vả để quản lý con.
Bên cạnh đó, độc giả này cũng khuyến cáo, ngay cả bố mẹ có con ngoan, học giỏi cũng cần thận trọng. Bởi khi có nhiều thời gian rảnh, trẻ sẽ tìm đến các thiết bị điện tử và dễ sa đà, chểnh mảng học hành.
Bên dưới bài viết "Con tôi bảo dừng học thêm như được nghỉ Tết lần hai", độc giả Nguyễn Ngọc Quý bày tỏ: "Chúc mừng anh chị phụ huynh trong bài viết khi có con ngoan, tự giác học.
Dù vậy, thực sự là chia sẻ với các phụ huynh khác lại lo việc con ở nhà nhiều sẽ tự do hơn, điện thoại và các thiết bị điện tử luôn kè kè bên người, biết nó sẽ xem cái gì, nghe người lạ xúi bẩy cái chi.
Với những trẻ nhỏ hơn thì không có người trông, chăm, thuê người giúp việc thì khó khăn và nếu tìm được thì cũng chưa chắc đáp ứng được mức lương giúp việc.
Ngoài ra có nhiều đồng nghiệp của tôi cũng than phiền khi con đang cuối cấp mà chả có nơi nhận ôn luyện. Trung tâm thì tù mù về chất lượng, phí học thì cao vì trung tâm phải gánh nhiều chi phí vận hành".
Cùng chung nỗi băn khoăn, độc giả Doxuantuan viết: "Từ đáy lòng tôi nói thật, nếu trẻ em ở vùng nông thôn được nghỉ học thêm thì sẽ dành thời gian và không gian để chơi, chứ trẻ em thành phố thì sẽ tìm đến điện thoại và tivi để giải trí.
Trong việc có học hay không học thêm cũng có nhiều mặt tích cực nhưng cũng rất nhiều mặt tiêu cực. Vấn đề là hài hòa nó kiểu gì khi cho các cháu nghỉ và học".
Trong bài viết "Điều tra dư luận xã hội về quy định dạy thêm, học thêm của Thông tư 29", độc giả Huyen Do chỉ ra 7 điểm bất cập của quy định mới về dạy thêm học thêm:
"1. Việc học thêm là yếu tố tự nguyện theo nhu cầu. Vậy tại sao không để các gia đình tự nguyện đăng ký cho con theo nhu cầu không bắt buộc và cũng không có áp lực?
2. Đã là Thông tư giảm áp lực học thêm cho học sinh, cớ sao lại vẫn vạch đường cho đăng ký dạy trung tâm và đóng thuế.
3. Điều này đang gây xáo trộn trong ngành giáo dục vì ai cũng đang đi tham khảo để "chạy cửa" với mục đích này.
4. Con học rất yếu chưa có ý thức tự học nay càng yếu hơn.
5. Tăng thêm áp lực cho cha mẹ vì tối ngày đi làm không có thời gian trông giữ con và kèm cặp con.
6. Con tự do xem phim và điện thoại khi cha mẹ vắng nhà vì thời gian nhàn rỗi và không có ý thức tự học.
7. Việc dạy miễn phí (cho học sinh tiểu học) cũng không được, muốn kèm cho con cháu trong nhà vẫn có thế bị coi là dạy thêm ngoài nhà trường".
Mới đây, Vụ Nghiên cứu - Dư luận xã hội thực hiện cuộc điều tra dư luận xã hội về quy định dạy thêm học thêm của Thông tư 29.
Cuộc điều tra dư luận xã hội được triển khai trên toàn quốc bằng hình thức trực tuyến (điện thoại, internet, tin nhắn, Zalo…).
Phiếu xin ý kiến gồm 8 câu hỏi, trong đó, có nhiều nội dung như: Đâu là nguyên nhân của việc dạy thêm, học thêm tràn lan thời gian qua; ông (bà) có lo lắng gì khi triển khai, thực hiện quy định dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29; hiệu quả của Thông tư 29…
Thời gian tiến hành cuộc điều tra dư luận xã hội diễn ra từ ngày 20/2 đến 23/2.