Trung Quốc ra quy định nghiêm ngặt, xử phạt nghệ sĩ quảng cáo "bẩn"
(Dân trí) - Sau khi ra quy định mới về quản lý nghệ sĩ, siết chặt kiểm soát văn hóa thần tượng, giới chức Trung Quốc còn ra quy định mới về hoạt động quảng cáo các sản phẩm của người nổi tiếng.
Ra quy định nghiêm ngặt với hoạt động quảng cáo của giới nghệ sĩ
Chỉ trong vòng một tháng, giới chức Trung Quốc đã ra một loạt quy định nhằm hạn chế hoặc cấm hoạt động nghệ thuật với những nghệ sĩ vi phạm pháp luật hoặc đạo đức, chính trị.
Ngoài ra, những quy định về định hướng thẩm mỹ với công chúng cũng được quan tâm. Theo đó, các nam nghệ sĩ "ẻo lả", các bộ phim đam mỹ (đồng tính nam) sẽ bị cấm tại Trung Quốc.
Một loạt các nghệ sĩ trẻ của Trung Quốc như Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm, Hoắc Tôn, Trương Triết Hạn hay nữ diễn viên nổi tiếng Triệu Vy đều bị xóa sổ khỏi làng giải trí trong thời gian vừa qua. Khả năng quay lại hoạt động nghệ thuật của họ là vô vọng.
Tối 9/9, Tổng cục quản lý nhà nước về Phát thanh, Truyền hình, Điện ảnh (Quảng Điện) đã ban hành một quy định mới liên quan tới việc quản lý hoạt động ký kết hợp đồng quảng cáo, làm gương mặt đại diện cho các nhãn hiệu đối với giới nghệ sĩ Trung Quốc.
Văn bản này lập tức thành chủ đề "nóng" trên mạng xã hội Hoa ngữ. Theo đó, từ khóa "Các ngôi sao quảng cáo sai sự thật sẽ bị cấm nhận hợp đồng trong vòng 3 năm" đang là từ khóa đắt giá nhất trên mạng xã hội Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc nhấn mạnh: Người đại diện của thương hiệu không được giới thiệu các sản phẩm chưa qua sử dụng; Người đại diện nếu quảng cáo sai về hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan đến tính mạng, sức khỏe, tổn tại người tiêu dùng, sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới; Nếu người đại diện biết quảng cáo là sai sự thật nhưng vẫn cố tình giới thiệu sản phẩm, cũng phải chịu trách nhiệm liên quan.
Hình phạt cho các quảng cáo sai phạm là xử phạt hành chính, tịch thu phần thu nhập bất hợp pháp, phạt tiền bằng hoặc gấp đôi cát sê, không được phép ký hợp đồng đại diện cho bất cứ thương hiệu nào trong vòng 3 năm.
Những bê bối giới thiệu sản phẩm "bẩn" của giới nghệ sĩ Trung Quốc
Trong những năm qua, người tiêu dùng tại Trung Quốc từng chứng kiến nhiều "phốt" quảng cáo sai sự thật của giới nghệ sĩ. Tháng 5 vừa rồi, "ngọc nữ của màn ảnh nhỏ" Lưu Thi Thi trở thành người đại diện cho một thương hiệu chăm sóc tóc nhưng nhiều khách hàng đã lên án chất lượng kém của dòng sản phẩm này.
Ngôi sao trẻ Quan Hiểu Đồng cũng là một ngôi sao trẻ gặp rắc rối với quảng cáo. Trong đoạn clip giới thiệu món ăn chay, nữ diễn viên 9X chia sẻ món ăn giúp giảm cân, tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, lời giới thiệu này của Quan Hiểu Đồng khiến công chúng tranh cãi. Món ăn Quan Hiểu Đồng giới thiệu làm từ tinh bột và hoàn toàn không có công dụng giảm cân như cô đã nói. Không dừng lại ở đó, nhiều người cho rằng trong clip giới thiệu, ngôi sao 9x chỉ giả vờ nuốt.
Tháng 5/2021, "Hạ Tử Vy" Mã Y Lợi cũng bị Cục Kinh tế Thượng Hải điều tra hành vi lừa đảo. Theo bản án của cơ quan chức năng, công ty sản xuất đã lập trang web giả, làm giả giấy ủy quyền, thuê người dàn cảnh để thu hút sự chú ý và lôi kéo nhà đầu tư.
Tiến hành triệt phá băng nhóm lừa đảo này, Đội Kinh tế Thượng Hải bắt giữ hơn 90 nghi phạm với tổng số tiền tang vật thu được là 108 triệu USD. Do Mã Y Lợi là người phát ngôn, đại diện thương hiệu trà sữa, cô cũng trở thành một trong những đối tượng bị điều tra.
Phản hồi về vụ việc, đại diện của nữ nghệ sĩ tuyên bố đã đơn phương chấm dứt hợp đồng kinh tế với thương hiệu trà sữa. Cô cho biết sẵn sàng tiếp nhận, hợp tác điều tra với cơ quan chức năng, đồng thời gửi lời xin lỗi đến khán giả.
Ngôi sao trẻ Trịnh Khải cũng bị lên án khi thương hiệu trà sữa mà anh làm người đại diện kêu gọi đầu tư bị tố lừa đảo. Có khách hàng đã bỏ ra 1 triệu nhân dân tệ để tham gia, nhưng sau đó mất trắng. Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện có khoảng 700 nạn nhân của vụ việc, thiệt hại kinh tế lên tới hàng trăm triệu nhân dân tệ. Vụ việc cũng khiến hình ảnh của Trịnh Khải trở nên xấu xí trong mắt công chúng.
Gần nhất là trường hợp của MC Lý Duy Gia. Theo một số nguồn tin, MC của chương trình truyền hình ăn khách Happy Camp là người đại diện cho một thương hiệu trà sữa nhưng doanh nghiệp này bị phát hiện giở thủ đoạn lừa đảo, sau đó bỏ trốn. Lý Duy Gia biết đối tác không minh bạch song vẫn nhận lời làm người đại diện.
Sau vụ việc nghệ sĩ bị phát hiện quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng cũng lên tiếng kêu gọi cần có quy định chặt chẽ hơn nữa trong việc quản lý các hợp đồng quảng cáo. Người đại diện có thể bị truy cứu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự nếu để lại hậu quả nặng nề.
Khán giả Trung Quốc cũng nhận định việc quảng cáo cho các sản phẩm kém chất lượng thể hiện sự vô trách nhiệm của người nổi tiếng, mờ mắt bởi những khoản cát-sê hậu hĩnh. Nghệ sĩ tại Trung Quốc không chỉ kiếm tiền từ việc đóng phim, ca hát, tham gia show truyền hình thực tế, họ còn kiếm bộn tiền từ việc làm gương mặt đại diện cho các nhãn hiệu hay livestream bán hàng.
Việc Quảng Điện ra văn bản siết chặt việc quản lý hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ khiến những người nổi tiếng phải có trách nhiệm hơn khi lựa chọn các sản phẩm mà mình đại diện, thay vì chạy theo các khoản thu nhập.
Việc tăng cường quảng lý hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng cũng khiến khoản doanh thu của giới nghệ sĩ cũng bị thu nhỏ lại vì họ không thể bừa bãi lựa chọn sản phẩm quảng cáo, không quan tâm tới chất lượng sản phẩm, giới thiệu những sản phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe và lợi ích người tiêu dùng.