Vì sao 11 triệu khách quốc tế đến Việt Nam nhưng du lịch lại ế ẩm, thua lỗ?
(Dân trí) - Trong 11 tháng năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 11,2 triệu lượt, vượt kế hoạch đề ra đầu năm 40%, tuy nhiên theo đánh giá Du lịch Việt Nam vẫn đang phục hồi chậm chạp.
Tháng 11, du lịch Việt Nam tiếp tục "lập đỉnh" đón khách quốc tế với 1,23 triệu lượt khách. Con số này tăng 11% so với tháng 10 và là tháng đón nhiều khách nhất từ đầu năm đến nay.
Trong 11 tháng năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đạt hơn 11,2 triệu lượt, vượt kế hoạch đề ra đầu năm 40%, và bằng 62% so với cùng kỳ 2019.
Cũng trong tháng 11, đánh dấu một bước đột phá mới khi các thị trường được miễn visa tăng trưởng mạnh. Châu Âu là thị trường có mức tăng tốt nhất trong các châu lục, với gần 60% so với tháng 10, nhờ sự đóng góp từ những thị trường được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày.
Đơn cử: Anh (tăng 38,6%), Pháp (72,5%), Đức (36,1%), Italy (55,1%), Nga (41,8%), Đan Mạch (32,9%), Thụy Điển (84,8%), Na Uy (52,7%), Phần Lan (30,2%), Tây Ban Nha (15,5%).
Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng này là "điều bình thường" bởi cao điểm đón khách quốc tế của Việt Nam là từ tháng 10 đến tháng 4 hàng năm. Bên cạnh đó, tháng 11 và tháng 12 vẫn thường là hai tháng đón khách quốc tế đông nhất.
Tuy nhiên, nhận xét về lượng khách quốc tế tháng 11, và toàn cảnh 11 tháng vừa qua, ông Phạm Hà, CEO Lux Group, cho biết: "Thẳng thắn nhìn nhận, ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi chậm chạp.
Từ đầu năm, chúng ta đã đặt ra mục tiêu thấp so với tiềm năng, quá coi trọng số lượng trong khi việc khách ở lại bao lâu và chi tiêu tiền như thế nào để thẩm thấu vào kinh tế địa phương mới là điều cần quan tâm".
11,2 triệu du khách ở đâu?
Trên lưng chừng một rừng thông, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 20km, anh Vũ Ngọc Trung, 32 tuổi, là chủ một homestay (loại hình lưu trú ở tại nhà người dân) tại đây, đang đăng bán những món đồ nội thất cuối cùng.
Hỏi Trung nghĩ sao về những con số tăng trưởng của khách quốc tế trong 11 tháng qua, anh bảo: "Tôi không có nhiều thời gian quan tâm đến các câu chuyện du lịch vĩ mô, ở homestay tôi, một năm qua chỉ đón vài ba người khách nước ngoài".
Tính cả khách nội địa, homestay của Trung vẫn ế ẩm thê thảm. Suốt hai tháng nay, Trung loay hoay tìm cách sang nhượng homestay. Từ 500 triệu đồng, giảm xuống còn 230 triệu đồng vẫn chưa có người hỏi mua. Trung nói, anh chỉ muốn nhanh chóng rút khỏi thị trường này.
Tại Đà Lạt, nhiều người như Trung, trong giấc mơ cũng không nghĩ có ngày lại trắng tay trên mảnh đất du lịch vốn từng có cả "biển người" vào những ngày lễ năm 2018, 2019; là địa phương dẫn đầu trào lưu "bỏ phố về rừng" năm 2021.
Thống kê của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lâm Đồng, cho thấy, lượng khách du lịch và khách lưu trú tại tỉnh giảm liên tiếp từ tháng 7 đến tháng 11. Trong đó, khách du lịch giảm 2 lần còn khách lưu trú sụt giảm 1,9 lần, tác động không nhỏ đến trung tâm du lịch của tỉnh là Đà Lạt.
Tương tự Đà Lạt, trong báo cáo của ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, năm 2023, du lịch Kiên Giang có thời điểm giảm cục bộ so với cùng kỳ 2022.
Vào dịp 30/4-1/5, khách nội địa giảm 9,4%, khách quốc tế tăng 9% so với cùng kỳ. Dịp lễ 2/9 lượng khách giảm 32,9% so với cùng kỳ, khách quốc tế cũng suy giảm.
Qua 3 mùa cao điểm liên tiếp, Phú Quốc bị đánh bật ra khỏi danh sách những điểm đến được yêu thích nhất với du khách. Đảo ngọc được coi là "điểm nóng" du lịch năm 2023, bởi những đợt "tẩy chay" vì nạn chặt chém, chi phí dịch vụ đắt đỏ, rồi lại "giải cứu" vì giá vé máy bay tăng cao.
Nhiều thành phố du lịch trong năm 2023 không còn ghi nhận tình trạng quá tải, đông nghẹt.
Trong các dịp lễ lớn 30/4-1/5 hay 2/9, thời gian nghỉ kéo dài 4 ngày nhưng tỉ lệ lấp đầy phòng trống ở Sa Pa (Lào Cai); Đà Nẵng; Nha Trang; Vũng Tàu… chỉ dao động khoảng 60%, không có thành phố du lịch nào rơi vào tình trạng "cháy phòng".
Như vậy, theo nhiều chuyên gia, các con số thống kê chưa phản ánh đúng bức tranh toàn cảnh ngành du lịch. Tốc độ tăng trưởng của du khách đúng ra phải tỉ lệ thuận với tốc độ tăng doanh thu của nhà hàng, khách sạn và tỉ lệ thuận với không khí náo nhiệt của các thành phố.
Kinh tế "vỉa hè" khó tạo ra doanh thu lớn
Theo ông Phạm Hà, CEO Lux Group, bên cạnh tập trung tăng nhanh về số lượng khách quốc tế, du lịch Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến việc khách ở lại bao lâu và chi tiêu như thế nào để thẩm thấu vào nền kinh tế địa phương.
Ông Hà cho biết, mức chi tiêu trung bình của khách quốc tế đến việt nam vẫn quá thấp. Số liệu từ Báo cáo thường niên du lịch 2019 của Tổng cục Du lịch cho thấy, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam là 1.074 USD/khách, đi du lịch Việt Nam trong 8,1 ngày, bình quân 132,6 USD/ngày.
Trong khi đó, cùng thời gian lưu trú, con số này ở Thái Lan dao động khoảng 1.800-2.000 usd/người/chuyến.
"Chúng ta phải đặt câu hỏi khi đến Việt Nam khách Tây muốn rút hầu bao cho những dịch vụ gì? Và nhóm khách nào sẽ là nhóm chi tiêu cao?".
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, thị trường đưa khách vào Việt Nam phần lớn là khu vực Đông Bắc Á như: Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục, Đài Loan… với các tour ngắn ngày, chi tiêu trung bình thấp.
Trong khi đó, một khách Mỹ sử dụng dịch vụ du thuyền hạng sang của công ty ông Hà có thể chi trung bình 400-500 USD, thậm chí 1.000 USD/ngày. Họ mua các tour dài ngày, đi theo nhóm nhỏ và thích sử dụng các dịch vụ cao cấp, từ ăn uống đến lưu trú, chăm sóc sức khỏe.
Tại Hội nghị phát triển du lịch nhanh, bền vững, chuyên gia Võ Chí Thành cũng nhận định: "Việt Nam đang bán hàng kém so với Thái Lan".
Số lượng khách tăng cao nhưng doanh thu thấp vì suy thoái kinh tế khiến khách du lịch có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Mặt khác, các sản phẩm du lịch của chúng ta khá đơn điệu và không có giá trị cao để khách du lịch sẵn sàng chi trả.
Theo ông Lê Công Năng, Tổng giám đốc công ty du lịch Wondertour, kinh tế "vỉa hè" chắc chắn không thể tạo ra doanh thu lớn. Cần thêm nhiều các trải nghiệm đắt đỏ như những buổi trình diễn nghệ thuật giống concert Blackpink ở Hà Nội hay Charlie Puth ở Nha Trang, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, điểm vui chơi giải trí cao cấp…
"Một lý do khác giải thích doanh thu thấp do nhiều khách du lịch qua cửa khẩu các tỉnh giáp biên Việt Nam (Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng…). Mức chi tiêu của khách du lịch cửa khẩu rất thấp, thậm chí có nhiều đoàn hàng ngàn người nhưng chi tiêu gói gọn trong các hoạt động sự kiện", ông Năng nói.
Theo các tài liệu quốc tế, một nền du lịch phát triển thịnh vượng là khi lấy khách hàng làm trung tâm. Tạo ra các sản phẩm hấp dẫn để khách hàng tiêu đến những đồng tiền cuối cùng.
Du khách đi du lịch mất tiền nhưng họ vẫn cảm thấy vui, thậm chí càng mất tiền thì càng thấy vui hơn. Sau đó, chuyến đi của họ sẽ đóng góp cho kinh tế địa phương, thẩm thấu vào nền kinh tế quốc dân.