Khách kể chuyện chi 6,3 tỷ đồng để tới Triều Tiên nhưng vẫn thấy xứng đáng

Huy Hoàng

(Dân trí) - Để có thể tới Triều Tiên hợp pháp, vị khách người Mỹ đã bỏ ra khoản tiền lớn để mua quốc tịch thứ 2 ở đảo quốc Saint Kitts và Nevis nhưng anh thấy vẫn xứng đáng.

Justin Martell, 37 tuổi, người Mỹ, là nhà sáng lập ra một công ty truyền thông ở Connecticut. Anh từng tới Triều Tiên khoảng 11 lần.

Sau khi Triều Tiên mở cửa trở lại sau 5 năm, Martell cùng đại diện một số công ty du lịch đã tới quốc gia này trải nghiệm 5 ngày để khảo sát và mở các tour cho khách phương Tây. Qua đó, anh trở thành người Mỹ đầu tiên trở lại Triều Tiên sau khi nước này đóng cửa hơn 5 năm vì đại dịch.

Khách kể chuyện chi 6,3 tỷ đồng để tới Triều Tiên nhưng vẫn thấy xứng đáng - 1
Martell là vị khách Mỹ đầu tiên quay lại Triều Tiên (Ảnh: Young Pioneer Tours).

Từ năm 2024, Triều Tiên bắt đầu đón khách trong đó có khách Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên khách Mỹ vẫn chưa được phép nhập cảnh vào quốc gia này.

Để có thể nhập cảnh hợp pháp vào Triều Tiên, Martell đã xin một quốc tịch kép. Đó là mua quốc tịch thứ 2 ở đảo quốc Saint Kitts và Nevis. Đây vốn là một đảo quốc nổi tiếng ở vùng Caribbean với chương trình cấp quốc tịch theo diện đầu tư.

Bằng cách đóng góp một khoản tiền lớn hàng trăm nghìn USD vào quỹ Sustainable Island State Contribution của quốc đảo, du khách sẽ chờ một năm để làm thủ tục, kiểm tra lý lịch, chứng minh tài chính và cấp hộ chiếu thứ 2 một cách hợp pháp.

Với cách làm này, vị khách có thể tới Triều Tiên du lịch và quay trở lại Mỹ mà không vi phạm quy định.

Tuy nhiên, chi phí mua quốc tịch đã tăng vọt kể từ sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ. Theo Martell, đến nay chi phí đã lên tới 250.000 USD (6,3 tỷ đồng). Tuy nhiên, anh thấy khoản đầu tư này vẫn xứng đáng.

Khi có được hộ chiếu thứ 2, Martell bắt đầu hành trình quay lại Triều Tiên.

Đồng hành cùng chuyến đi lần này với vị khách người Mỹ có anh Rowan Beard, hướng dẫn viên người Australia với hơn 10 năm dẫn tour kinh nghiệm ở Triều Tiên và anh Gergo Vaczi, người quản lý tour du lịch Triều Tiên của công ty Koryo Tours tại Anh.

Khách kể chuyện chi 6,3 tỷ đồng để tới Triều Tiên nhưng vẫn thấy xứng đáng - 2
Cảnh quan Đặc khu kinh tế Rason (Ảnh: North Korea).

Cảm nhận đầu tiên của họ khi tới đây đó là các biện pháp y tế kiểm soát dịch bệnh vẫn được triển khai như người dân đeo khẩu trang, đo thân nhiệt. Những điểm đến đông khách như chợ địa phương phải hạn chế vì lo ngại lây truyền dịch bệnh. 

Ngày 13/2, cả đoàn đặt chân tới đặc khu kinh tế Rason. Do một số hoạt động du lịch còn hạn chế nên các công ty lữ hành đang làm việc với chính quyền địa phương nhờ hỗ trợ mở cửa đón khách. Ngoài ra, họ cũng đề xuất việc đưa rạp chiếu phim vào các điểm đến trải nghiệm.

Khi tới đặc khu kinh tế Rason, Martell cho rằng chưa có nhiều nơi để tham quan. Kiểm tra tài khoản ngân hàng của mình đã lập cách đó hơn 10 năm, anh phát hiện thấy số dư vẫn còn nguyên như trước, khoảng 25 tệ (90.000 đồng).

Trong khi đó, Vaczi, nhà quản lý tour Triều Tiên tại Anh, cho rằng hành trình khám phá Rason chưa có nhiều địa chỉ để tham quan.

"Đặc khu này có nhiều nhà máy và trường học chứ chưa có thị trường buôn bán sôi động", Vaczi nói.

Trước đó, việc quay phim chụp ảnh tại Rason được quy định rất chặt chẽ, thì nay mọi thứ được nới lỏng hơn. Khi tới thăm một trường học địa phương, vị khách Mỹ thấy rằng trẻ em Triều Tiên rất quan tâm tới âm nhạc, thể thao và cuộc sống ở Mỹ.

"Bọn trẻ muốn sự kết nối hơn là quan tâm tới chính trị", anh nhận xét.

Sau chuyến khảo sát này, đoàn khách dự kiến sẽ đưa các nhóm khách nhỏ tới Rason. Khách du lịch từ Đức, Pháp, Vương quốc Anh, Canada, Australia, Macao (Trung Quốc) và Jamaica nằm trong số những người đã đặt chỗ trước.