(Dân trí) - Đây là hai trong số những hình thức du lịch được nhiều người lựa chọn trong bối cảnh phức tạp của dịch Covid-19, bởi nó giúp giảm thiểu tiếp xúc khi di chuyển, nghỉ dưỡng và trải nghiệm.
Du lịch trên những "ngôi nhà di động", thưởng ngoạn cảnh đẹp qua "tour online"
Đây là hai trong số những hình thức du lịch được nhiều người lựa chọn trong bối cảnh phức tạp của dịch Covid-19, bởi nó giúp giảm thiểu tiếp xúc khi di chuyển, nghỉ dưỡng và trải nghiệm.
Đại dịch Covid-19 khiến nhận thức và hoạt động xã hội thay đổi. Với những người mê "xê dịch", họ đã tìm những cách để có thể du lịch trong đại dịch mà vẫn đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch, đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Trong khi đó, những người làm trong ngành du lịch cũng không ngồi im chờ dịch bệnh đi qua, họ cũng tìm nhiều cách để "sống sót" bằng cách chuyển đổi số và chuyển đổi hình thức làm việc.
Du lịch trên những "ngôi nhà di động"
Du lịch không điểm chạm ngay trên những chuyến xe gia đình là xu hướng mới trong mùa dịch, đặc biệt là với những người lựa chọn du lịch tại chỗ.
Với phương án này, chủ nhân sẽ cải tạo chiếc xe gia đình của mình thành mobihome (nhà di động - có đủ không gian ăn uống, nghỉ ngơi) để cùng cả nhà đi du lịch khắp mọi nơi, chủ yếu là đến những nơi hoang vắng, không tiếp xúc với ai. Buổi tối, cả gia đình chỉ cần ngủ lại trong chiếc xe của mình.
Vợ chồng anh Lương Lam Sơn (34 tuổi, ở Hà Nội) và chị Trần Thu Thảo (32 tuổi) đều chung sở thích đi du lịch và khám phá, nhưng khi Covid-19 ập đến, cả hai phải ở nhà nhiều nên đã nghĩ ra ý tưởng biến xe ô tô thành "ngôi nhà di động" để cả gia đình chu du khắp nơi mà vẫn đảm bảo phòng dịch.
Cũng giống như xây một ngôi nhà, ban đầu anh Sơn lên ý tưởng và quyết định chọn mua 1 chiếc xe ô tô cũ để đại tu, bảo dưỡng. Trong 15 ngày, anh và bố vợ hoán đổi chiếc ô tô cũ thành "ngôi nhà" với đầy đủ tiện nghi.
Kể từ khi có "ngôi nhà di động" này, gia đình anh Sơn đã thực hiện nhiều chuyến du lịch trong mùa dịch, trong đó chuyến đi xa nhất và lâu nhất là đến bản Tả Van (SaPa, Lào Cai).
Để hạn chế tối đa tiếp xúc, anh Sơn chọn cung đường thẳng một mạch từ Hà Nội lên Sapa bằng cao tốc Hà Nội - Lào Cai, suốt quá trình không tiếp xúc với ai ở dọc đường. Thời điểm đó bản Tả Van hầu như 99% là dân bản địa, không có người du lịch nên rất vắng vẻ.
Gia đình anh ở trong một farmstay có suối, có vườn và rất nhiều loại rau củ quả, vật nuôi, anh Sơn hào hứng kể: "Tụi trẻ nhà mình rất thích chơi với những con vật ở đây. Ngoài ra các con còn khám phá được ruộng bậc thang, rồi tắm suối với các bạn trẻ con ở bản cũng như hiểu được văn hóa tại đây. Các con cũng tránh xa được điện thoại, tivi".
Cũng giống như gia đình anh Sơn, anh Huỳnh Lý Hùng (Nhiếp ảnh gia, Mỹ Tho) cũng mò tìm hiểu, thiết kế, thi công hoàn thiện "ngôi nhà di động" với đủ giường, tủ, kệ, vòi hoa sen..., đưa vợ con đi vi vu khắp nơi trong mùa dịch
Nhìn bộ hình ấn tượng về những chuyến hành trình trên chiếc mobihome - "ngôi nhà di động" của vợ chồng anh Hùng, ít ai ngờ được... ông bố đảm cải tạo nó từ một chiếc xe Suzuki Wagon đời cũ, đã 16 - 17 năm sử dụng.
Đầu tháng 7/2020, vợ chồng anh Hùng và con trai 8 tháng tuổi có chuyến đi đầu tiên trên "ngôi nhà di động".
Ông bố trẻ chia sẻ: Cả nhà đi từ Mỹ Tho qua Hồ Trị An, Phan Thiết, Đà Lạt, Vũng Tàu trong 10 ngày. Hành trình cả đi lẫn về dài gần 1.700 km, với chi phí xăng là 1,4 triệu đồng.
Chiếc xe có đầy đủ tiện ích nên gia đình nhỏ có thể dừng xe ở bất cứ cảnh đẹp thiên nhiên nào họ muốn, không tiếp xúc với ai.
"Đến nơi có cảnh đẹp, vợ chồng mình dừng xe, hạ trại, cùng nhau nấu ăn, ngắm cảnh, chơi đùa cùng con và chụp ảnh. Cảm giác rất tự do. Nếu thời tiết xấu hay lo ngại an toàn thì mình thuê homestay gần đó", anh Hùng cho biết.
Mở tour online, đưa du khách khám phá Sa Pa qua màn hình
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, Vũ Thị Ngọc Hướng (1999) sinh ra và lớn lên tại xã Tả Van, thị xã Sa Pa (Lào Cai) vừa tốt nghiệp ĐH Hà Nội nảy ra ý tưởng làm tour du lịch online, giới thiệu đến các du khách trong nước về những điểm du lịch nổi tiếng ở Sa Pa và Lào Cai trên nền tảng mạng xã hội và phần mềm trực tuyến như Zoom, Google Meet.
Đầu tháng 7 vừa qua, khi có ý tưởng, cô gái 22 tuổi dành toàn bộ số tiết kiệm từ việc đi làm thêm để mua dụng cụ làm tour du lịch online. Hướng mua một chiếc điện thoại Iphone cũ, một chiếc gimbal (tay cầm chống rung), chân máy và tai nghe.
Dù đã có kinh nghiệm quay video làm vlog về du lịch gần một năm nay, nhưng cô gái trẻ này chia sẻ vẫn rất hồi hộp, lo lắng. Các điểm đến hoặc trải nghiệm được Hướng lựa chọn theo yêu cầu của đại đa số du khách và phù hợp với hình thức online.
Trước khi tour lên sóng, Hướng sẽ dành một ngày đi thực tế, tìm hiểu thông tin để lên kịch bản dẫn, đem đến cho khách du lịch những kiến thức và trải nghiệm hấp dẫn và chân thực.
Với tour tìm hiểu về bãi đá cổ Sa Pa, Hướng chia làm 2 phần, phần 1 sẽ giới thiệu thông tin chung về lịch sử, vị trí, hình dáng bãi đá, giá trị hình vẽ trên bãi đá cổ. Phần thứ 2, cô nói sâu hơn về những câu chuyện đằng sau những hình vẽ trên đá, đưa du khách đến khu trưng bày trạm khắc đá cổ.
Còn với tour tìm hiểu về suối nước nóng độc lạ tại Sa Pa, cô gái người Giáy dẫn du khách đến trải nghiệm một góc Sa Pa rất khác về cả khí hậu, cảnh vật và văn hóa con người tại bản Hồ của người dân tộc Tày. Tìm hiểu những câu chuyện thú vị về những con suối, đặc biệt là suối nước nóng duy nhất tại Sa Pa.
"Dẫn tour online trực tiếp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thời tiết nên mình luôn có phương án dự phòng. Ngoài ra còn khó khăn về kết nối Internet, lên những vùng núi cao mạng yếu nên hình ảnh mờ hoặc âm thanh không nghe rõ. Mình sẽ dần tìm cách khắc phục", Hướng chia sẻ.
Để tăng tương tác, đan xen quá trình dẫn cô sẽ hỏi cảm nhận của khách và khuyến khích mọi người đặt câu hỏi để cô giải đáp. Nhiều du khách bày tỏ thích thú với cách làm mới của Hướng, đặc biệt trong mùa dịch khi mọi người đều hạn chế đi lại, việc được vi vu qua màn hình điện thoại cũng là cách để giải trí, giảm áp lực.
Bên cạnh tour trải nghiệm online theo lịch trình có sẵn, Hướng cũng nhận dẫn online cho cá nhân hoặc nhóm theo yêu cầu của khách.
Đưa du khách nước ngoài khám phá Việt Nam qua màn hình điện thoại
Hai năm chống chọi với đại dịch Covid-19, trong bức tranh chung ảm đạm của ngành du lịch, Lê Hoàng (27 tuổi) đã "sống sót" nhờ bắt kịp xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi cách thức làm việc.
Kể từ tháng 3/2020, giống nhiều đồng nghiệp trong ngành, Hoàng bị thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Anh chủ yếu dẫn du khách quốc tế nói tiếng Anh nên khi du lịch "đóng băng", cơ hội làm việc của Hoàng rất hạn chế.
Sau khi tìm hiểu trên mạng, Hoàng biết đến một nền tảng trải nghiệm trực tuyến mới cho phép mọi người bán hoặc tham gia vào các tour du lịch. Từ đó anh nảy ra ý định dẫn tour trực tuyến để có thể giới thiệu Việt Nam tươi đẹp đến với mọi người một cách miễn phí trên nền tảng du lịch trực tuyến. Lê Hoàng đã thực hiện các tour du lịch trực tuyến để có thể giới thiệu hình ảnh Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đến du khách quốc tế ngay giữa đại dịch.
Với một chiếc điện thoại thông minh và một tay cầm chống rung nhỏ gọn, mỗi ngày, chàng hướng dẫn viên du lịch 27 tuổi có thể dẫn hàng chục du khách quốc tế tham quan Hà Nội, trải nghiệm âm thanh cuộc sống, thăm thú những con phố buôn bán sầm uất hay thưởng thức ly cà phê theo cách của người Hà Nội.
Những tour tham quan phố cổ, khám phá đồ ăn đường phố Hà Nội... nhận được hàng ngàn lượt theo dõi của du khách từ các quốc gia châu Âu hay Mỹ, Canada trong hơn 1 năm qua.
Song song với những hình ảnh sinh động về cuộc sống, Hoàng lồng ghép vào đó câu chuyện lịch sử hình thành và phát triển, tái hiện những mốc ký ức hào hùng, đầy tự hào của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
"Về tour online cũng khác nhiều với hướng dẫn tour trực tiếp, đó là mọi người theo dõi trực tuyến qua màn hình máy tính nên họ có thể kiểm chứng những lời mình nói có đúng hay không. Chính vì thế mình phải hiểu biết thực sự về tour hay địa điểm mình dẫn. Mỗi ngày mình làm khoảng 2 tour online", Hoàng chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ của Hoàng, tour tham quan các con ngõ nhỏ ở Hà Nội thu hút được nhiều chú ý của mọi người. "Việc người Hà Nội sống trong ngõ nhỏ sâu hun hút, dây điện chằng chịt khiến nhiều người ngạc nhiên và tò mò theo dõi. Mỗi con ngõ lại bán những đồ đặc trưng cũng khiến khách châu Âu, châu Mỹ thấy thú vị. Mình có thể đưa du khách tới thăm phố Hàng Mã hay ngõ Tạm Thương...", Hoàng nói.