Khách Tây tiếc nuối khi thấy quán bánh mì Phượng Hội An bất ngờ đóng cửa

Quốc Việt

(Dân trí) - Trước chuyến đi tới Hội An, Theresa Batbold dự tính tới thưởng thức bữa sáng ở tiệm bánh mì Phượng vì đã nghe danh tiếng từ lâu. Nhưng tới nơi, du khách người Mỹ bất ngờ khi thấy quán đóng cửa.

Một trong những điểm đến ẩm thực của Hội An

Theresa Batbold, du khách 24 tuổi người Mỹ cho biết, thông qua mạng xã hội, cô biết tới tên tuổi của bánh mì Phượng. Nhân dịp tới Hội An du lịch lần này, Theresa càng háo hức muốn tới trải nghiệm để kiểm chứng "miếng ngon có đúng như lời đồn".

Tìm theo địa chỉ tới đường Phan Chu Trinh, cô gái cùng nhóm bạn bất ngờ khi thấy quán hàng ở tình trạng "cửa đóng then cài".

"Tiếc quá, tôi rất muốn thưởng thức bánh ở đây mà lỡ hẹn rồi", cô gái trẻ tiếc nuối.

Khách Tây tiếc nuối khi thấy quán bánh mì Phượng Hội An bất ngờ đóng cửa - 1
Bánh mì Phượng là một trong những thương hiệu bánh mì có tiếng ở TP Hội An (Ảnh: Công Bính).

Không chỉ Theresa, một nhóm bạn trẻ trước đó cũng tới đây và phải ra về. Được biết, kể từ ngày 13/9, TP Hội An đã yêu cầu tiệm bánh mì Phượng tạm dừng kinh doanh sau vụ việc thực khách bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện, trong đó hơn 30 khách là người nước ngoài.

Theo cơ quan chức năng, thức ăn nghi ngờ ngộ độc là bánh mì gồm pa tê, thịt xíu mại, rau thơm, hành, xà lách, sốt trứng gà tươi, dưa leo, đu đủ chua...

Vụ việc đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận bởi từ lâu tiệm bánh mì Phượng đã trở thành điểm đến ẩm thực được khách du lịch trong và ngoài nước biết tới.

Trước đó rất nhiều lần, báo chí nước ngoài cũng như đầu bếp danh tiếng đã dành những mỹ từ để ca ngợi cửa tiệm này.

Đầu bếp người Canada, ông Cameron Stauch, là một trong số đó. Từng có thời gian nấu ăn phục vụ Tổng thống Canada, đầu bếp Cameron chia sẻ "đây là điểm đến không còn xa lạ với bất cứ tín đồ ẩm thực nào trên thế giới".

Hay cố đầu bếp người Mỹ Anthony Bourdain từng ca ngợi đây là "bánh mì ngon nhất thế giới". Năm 2009, chiếc bánh mì của cửa tiệm từng xuất hiện trong chương trình "No Reservations" của vị cố đầu bếp này, tạo nên cơn sốt trong cộng đồng du lịch.

Khách Tây tiếc nuối khi thấy quán bánh mì Phượng Hội An bất ngờ đóng cửa - 2
Khách nước ngoài chia sẻ khoảnh khắc thưởng thức ở bánh mì Phượng (Ảnh: Hyo Kxx).

Từ hiệu ứng truyền thông, lượng khách nước ngoài tìm tới đây càng nhiều hơn.

Rose, nữ blogger du lịch người Anh, đã dành 3 tháng vi vu khắp Việt Nam, thưởng thức không biết bao ổ bánh mì từ Bắc vào Nam với mục đích tìm ra nơi có loại bánh ngon nhất.

Và rồi khi dừng chân ở Hội An, cô tìm đến bánh mì Phượng và thưởng thức nhiều loại hương vị ở đây. Với cô, vị thịt heo nướng đầy đủ rau dưa là chất lượng nhất.

Tương tự, nhà báo Kate Springer, phóng viên của hãng tin CNN (Mỹ) cũng tới Hội An vào tháng 4/2022 với sứ mệnh tìm ra quán bánh mì hấp dẫn nhất. Sau khi thưởng thức rất nhiều hàng quán có tên tuổi, Kate cho rằng bánh mì Phượng là một trong những nơi cô ưng ý nhất.

Khách Tây tiếc nuối khi thấy quán bánh mì Phượng Hội An bất ngờ đóng cửa - 3
Du khách chụp ảnh trước cửa tiệm (Ảnh: Dew Jang).

Tuy nhiên, đi cùng với danh tiếng, trước đó cửa tiệm này từng vấp phải những lùm xùm không đáng có như bị thực khách "tố" có thái độ phân biệt đối xử, nhân viên "cư xử chưa đúng mực".

Thêm vụ việc liên quan tới hơn một trăm khách bị ngộ độc thực phẩm, trên nhiều diễn đàn ẩm thực - du lịch, không ít thực khách bày tỏ sự tiếc nuối với thương hiệu bánh mì mà cửa tiệm gây dựng suốt gần 40 năm qua.

"Sản phẩm ngon, thương hiệu lâu đời cũng chưa đủ"

Khi được hỏi "giữa bối cảnh ngành dịch vụ nhà hàng và quầy uống (F&B) tại Việt Nam phát triển nhanh và đào thải mạnh, làm thế nào bánh mì Phượng lấy lại lòng tin với thực khách", ông Nguyễn Hoàng Tùng, chuyên gia trong ngành F&B cho rằng "tuy những thương hiệu lâu đời có lợi thế về mặt lịch sử, nhưng vẫn có hạn chế nhất định như yếu về mặt dịch vụ, tính sáng tạo của sản phẩm". 

"Các phương tiện truyền thông đưa tin rất nhanh, nên mỗi thương hiệu muốn tồn tại và phát triển lâu dài, cần đẩy mạnh tính chuyên nghiệp. Nếu như ngày xưa, sản phẩm chỉ cần ngon sẽ giữ được chân khách hàng, thì bây giờ, điều này không đủ. Muốn thương hiệu được lâu dài, cửa tiệm cần xây dựng dịch vụ bài bản và duy trì bền vững cả chất lượng và phục vụ tốt".

"Việt Nam sở hữu nền ẩm thực phong phú, nhiều sản phẩm ngon hấp dẫn du khách và giàu tiềm năng phát triển. Nhưng chúng ta không có quá nhiều thương hiệu mạnh, đủ tốt để nhân bản thành chuỗi bởi tư duy về việc vận hành theo chuỗi, quản lý dây chuyền còn thấp", ông Nguyễn Hoàng Tùng nói.

"Tôi hy vọng thế hệ kế tiếp của những cửa tiệm này sẽ đưa ẩm thực Việt phát triển thành chuỗi thương hiệu lớn. Đây cũng là hướng đi mà ngành F&B ở Việt Nam nên hướng tới", ông Tùng đưa ra quan điểm.