8X thất nghiệp mở quán canh cá Thái Bình: 15.000 đồng/bát, ngày bán trăm tô

Việt Hà

(Dân trí) - Sau 10 ngày "học nghề" ở nhà bác ruột với kinh nghiệm mở quán hàng chục năm, chị Nga mạnh dạn thuê địa điểm gần nhà, bán những bát canh cá Quỳnh Côi đầu tiên với mức giá chỉ 10.000 đồng.

Khởi nghiệp từ 30 triệu đồng, sau 3 tháng thu hồi vốn

Ở nông thôn, người dân thường có thói quen ăn sáng sớm nên cứ 5h hàng ngày, quán nhà chị Nga đã đỏ lửa.

Trong bếp nấu, người phụ nữ sinh năm 1989 tất bật tay chân rim từng chảo cá, nêm nếm nồi nước dùng, dọn sẵn bàn ghế đón những vị khách đầu tiên.

8X thất nghiệp mở quán canh cá Thái Bình: 15.000 đồng/bát, ngày bán trăm tô - 1

Từ sáng sớm, chị Nga tất bật dọn quán đón những vị khách đầu tiên (Ảnh: Việt Hà).

Quán canh cá nhà chị Nga bình dị như biết bao quán hàng ăn sáng khác ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, một vùng quê nằm cách thành phố Thái Bình khoảng 30km.

Nhắc tới địa danh này, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới món đặc sản nổi tiếng - canh cá. Gọi là thế nhưng đây không phải là cá nấu chua, mà là thức đồ ăn sáng như bún, phở ở nhiều vùng miền khác.

Trước ngày mở quán, chị Nga từng bôn ba từ Bắc vào Nam và rồi lại trở về quê hương. Năm 2015, vừa may đúng dịp có một công ty chuyên sản xuất giày mở chi nhánh tại địa phương, chị xin vào làm công nhân.

Tưởng rằng sẽ gắn bó trọn vẹn với công ty tới ngày nghỉ hưu, nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát khiến chị cũng như nhiều chị em công nhân khác phải tạm dừng việc.

8X thất nghiệp mở quán canh cá Thái Bình: 15.000 đồng/bát, ngày bán trăm tô - 2

Canh cá Quỳnh Côi là món ăn rất được người địa phương ưa chuộng (Ảnh: Việt Hà).

Thất nghiệp đúng thời điểm khó khăn khiến chị Nga càng bối rối. Chồng là lái xe, lại có hai con nhỏ nên kinh tế gia đình còn nhiều nặng gánh. Với số vốn 15 triệu tích góp được từ thời làm công nhân, được em gái ủng hộ thêm 15 triệu, chị bàn bạc với gia đình, quyết định khởi nghiệp bằng món đặc sản quê hương.

Sau 10 ngày "học nghề" ở nhà bác ruột với kinh nghiệm mở quán hàng chục năm, chị Nga lần tìm và kiếm được một quán gần nhà muốn sang nhượng cửa hàng. 

Quán mở cửa vào tháng 6/2020. Nhiều người trong gia đình ngăn cản vì cho rằng "giữa thời buổi dịch dã chẳng ai đi mở quán ăn", nhưng chị Nga vẫn được chồng và em gái ủng hộ.

"Canh cá vốn là món ăn quen thuộc của người địa phương nên vừa mở cửa đã thu hút khá đông khách tới ăn ủng hộ. Thời điểm đó cá rẻ, các nguyên liệu không bị đội giá, nên giá một bát chỉ 10.000 đồng đến 15.000 đồng", chị nói.

8X thất nghiệp mở quán canh cá Thái Bình: 15.000 đồng/bát, ngày bán trăm tô - 3

Với số vốn khởi nghiệp 30 triệu đồng, chị Nga thuê địa điểm bán hàng, sắm sửa bàn ghế, bát đĩa (Ảnh: Việt Hà).

Dù giá cả rất bình dân, nhưng bán được số lượng tốt, mỗi ngày từ 100 đến 150 bát, nên chỉ sau khoảng 3 tháng, chị Nga đã thu hồi vốn.

Niềm vui chưa kéo dài được bao lâu, chỉ nửa năm sau, hàng loạt các quán canh cá tương tự mọc lên xung quanh khiến lượng khách vơi dần. Chưa kể dịch bệnh kéo dài khiến nhiều người ngại ra ngoài ăn sáng.

"Có những lúc, tôi chỉ mong mỗi ngày thu lời từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng là mừng. Thấy khó khăn quá, gia đình từng khuyên bỏ quán, tìm việc mới làm công nhân như trước".

"Quán từng đóng cửa suốt hơn 5 tháng vì dịch bệnh, nhưng khách quen gọi điện nhiều, hỏi bao giờ bán tiếp. Tôi còn bán thêm cá rim đóng hộp để chống đỡ qua những ngày khó khăn. Đến tháng 4/2022, quán mở cửa trở lại. Người này ăn ngon lại truyền tai người kia. Và rồi mọi thứ cũng dần ổn định", chị tâm sự.

Những bát canh cá 15.000 đồng

Chị Nga tâm sự, để có một bát canh cá Quỳnh Côi chuẩn vị, quan trọng nhất vẫn là cá rim và nước dùng. Đó là loại cá rô đồng đầu vuông, nhập từ Hải Dương. Dù là cá nuôi nhưng thịt không bị bã, bở như cá rô phi. Khi ăn, thực khách vẫn cảm nhận rõ vị ngọt đậm và chắc thịt.

8X thất nghiệp mở quán canh cá Thái Bình: 15.000 đồng/bát, ngày bán trăm tô - 4

Cá rim xém cạnh được ví như "linh hồn" của món ăn (Ảnh: Việt Hà).

Công đoạn gỡ cá "lâu công tốn sức" nhất. Ngày đầu chưa quen, ngồi hơn 2 tiếng đồng hồ, chị mới gỡ được khoảng 10kg thịt cá.

Cá sau khi gỡ xong, chị cho thêm gia vị, nước mắm ngon, chút mì chính, dầu điều hoặc chút kẹo đắng (nước hàng) để tạo màu. Món cá rim không thể thiếu gừng và hành phi thơm lừng. Từng chảo cá được đun liu riu trên bếp than độ 3-4 tiếng nhưng liên tục phải đứng canh nếu không dễ cháy xém.

Trong khi đó, nước dùng được làm hoàn toàn từ xương cá và xương ống, ninh nhiều giờ trong bếp than cho vị đậm tự nhiên, hoàn toàn không nêm nếm chất tạo ngọt.

Chị Nga dùng loại bánh đa sợi nhỏ, mềm trắng, được sản xuất ngay tại địa phương. Với một bát canh cá chuẩn vị sẽ gồm chút bánh đa chần với nước sôi cho mềm, thêm chút cá rim, hành tươi rau thơm, chan thêm nước dùng thanh ngọt.

Khi ăn, thực khách chỉ cần thêm chút tương ớt, giấm tỏi là đủ vị. Các gia vị từ tương ớt tới giấm nuôi đều do chị một tay tự chế biến.

Do ảnh hưởng giá cả chung nên hiện giá mỗi bát canh cá đã lên khoảng 15.000 đồng. Nếu khách muốn ăn thêm cá, chị vẫn bán những suất đắt hơn như 20.000 đồng, 30.000 đồng.

Trước những ý kiến cho rằng, chỉ 15.000 đồng khó lòng có được món ngon, chị Nga cho rằng việc "đắt hay rẻ còn phụ thuộc vào giá nguyên liệu, giá mặt bằng chung ở khu vực sinh sống".

"Giữa bao nhiêu thức quà ăn sáng ngon lành, người dân Quỳnh Phụ lại chỉ chuộng món canh cá. Nếu không đủ hấp dẫn, quán nhà tôi khó lòng cạnh tranh và tồn tại suốt gần 4 năm nay", chị nói.

8X thất nghiệp mở quán canh cá Thái Bình: 15.000 đồng/bát, ngày bán trăm tô - 5

Chú Đức, 52 tuổi, là một trong những khách quen từ ngày đầu mở quán. Nhà cách 3km nhưng sáng nào người đàn ông này cũng tới ăn ủng hộ vì "đồ ăn ở đây ngon, sạch, giá lại phải chăng" (Ảnh: Việt Hà).

Đến nay, quán đã có lượng khách quen nhất định và cả khách phương xa. Những ngày bình thường, trung bình quán bán khoảng 170 bát. Nhưng vào dịp cuối tuần hay lễ tết, số lượng bán ra có thể cao hơn gấp 2-3 lần. Mức thu nhập của gia đình cũng nhờ đó khấm khá hơn trước.

"Đợt nghỉ lễ 2/9 vừa rồi, quán bị vỡ trận. Chỉ trong đúng 2 tiếng buổi sáng, dù chuẩn bị 25kg cá rim nhưng sớm hết sạch. Đến 7h, nhiều khách đến nhưng quán không còn hàng để bán", chị vui vẻ cho biết.

Với chị Nga, khởi nghiệp ở tuổi 30 không đến mức "đáng sợ như tưởng tượng".

"Chỉ cần bạn thực sự nỗ lực và xuất phát từ tâm, mọi thứ rồi sẽ ổn", chị trải lòng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm