Khách Việt "sốc" khi ăn đĩa cá rán 400.000 đồng ở nước nghèo nhất thế giới
(Dân trí) - Dù thu nhập của người dân chỉ khoảng 15 đến 20 USD/tháng, nhưng Lê Khả Giáp nhận thấy giá cả các mặt hàng ở Burundi đều rất đắt đỏ. Bất ngờ hơn cả, cuộc sống người dân dù nghèo lại rất ít trộm cắp.
Theo số liệu được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra vào đầu năm 2023, Burundi, quốc gia nằm ở trung tâm châu Phi, phía đông của Cộng hòa Dân chủ Congo, hiện là quốc gia nghèo nhất thế giới. Tính theo GDP bình quân đầu người, nước này cũng thấp nhất thế giới, chỉ 308 USD.
Đang có chuyến đi dài ngày ở châu Phi, hộ chiếu lại sẵn luôn visa của 3 nước Đông Phi gồm Kenya, Uganda và Rwanda, trong khi Burundi rất gần đó, thị thực cũng dễ xin, nên Lê Khả Giáp quyết định tới luôn "quốc gia nghèo nhất thế giới" xem thực hư cuộc sống của người dân nơi đây ra sao.
Do thời gian khá gấp gáp nên lịch trình của Giáp hầu như chỉ xoay quanh đến thăm nơi người dân sinh sống và vào những khu chợ lớn. Chuyến đi chỉ kéo dài khoảng 3 ngày, nhưng cũng phần nào để chàng trai Hải Dương cảm nhận được đất nước, con người nơi này.
Giáp tiết lộ, anh thích khám phá những nơi không quá phổ biến với khách du lịch, được trang bị nhiều tiện nghi sẵn có.
Thay vào đó, anh muốn tới nơi còn hoang sơ, không bị con người can thiệp quá nhiều để trải nghiệm. Và vùng đất châu Phi là một nơi như thế. Những điều mới lạ ở "lục địa đen" khiến anh mải mê khám phá, không sợ bản thân chóng chán chỉ sau vài ngày.
Ngôn ngữ chính thức của Burundi là tiếng Kirundi và tiếng Pháp, nên Giáp phải thuê hướng dẫn viên du lịch địa phương đi cùng. Nếu đi lại trong thành phố, chi phí thuê một ngày là 30 USD, còn tới vùng ngoại ô hay nông thôn, giá thuê vào khoảng 40 USD/ngày.
Điều khiến anh bất ngờ nhất là giá cả ở đây cao hơn nhiều so với tưởng tượng. Mức thu nhập bình quân một người dân Burundi chỉ khoảng 15 đến 20 USD/tháng (370.000 đồng - gần 500.000 đồng). Với số tiền này, họ phải xoay sở để nuôi gia đình có thể lên tới 5-6 thành viên. Trái ngược với thu nhập, giá cả nhiều mặt hàng tại đây rất đắt đỏ.
"Khi vào cửa hàng tạp hóa, những món đồ quen thuộc như bàn chải hay kem đánh răng hầu như là đồ nhập khẩu, có giá thành rất cao so với mức lương của người dân. Nếu là dân thường không có điều kiện mua, hầu như họ chỉ sử dụng những đồ tự làm.
Được hướng dẫn viên du lịch dẫn tới khu chợ địa phương, rất đông các thanh niên trẻ tuổi vây quanh Giáp. Họ xúm lại hỏi han xem anh có cần nhờ bê giúp đồ gì không để nhận tiền boa.
"Hầu hết trẻ con ở đây đều không được đến trường. Còn các thanh niên này ngày nào cũng ra chợ, chờ xem có ai thuê bê vác gì không. Mức thù lao họ nhận được trung bình khoảng 2.000 BWF - tương đương 16.000 đồng một lần. Họ chỉ có công việc duy nhất như vậy. Nếu không có ai thuê, cũng chẳng có tiền mua đồ ăn. Bởi vậy khi thấy khách du lịch, họ thường chạy tới xin tiền", hướng dẫn viên giải thích.
Gọi là chợ nhưng du khách Việt nhận thấy xung quanh thực ra chỉ là bãi đất trống rất rộng với các mẹt hàng bày bán sơ sài. Hàng hóa chủ yếu là sản vật địa phương hoặc đồ của nhà tự làm. Dưới tán cây to, nhiều tiểu thương lăn ra ngủ ngon lành. Giáp cũng tranh thủ mua vài món đồ để ủng hộ.
Trong 3 ngày ở Burundi, 2 ngày đầu, anh đặt phòng tại một khách sạn ở thành phố Bujumbura với giá khoảng 40 USD/đêm (965.000 đồng), còn ngày cuối anh tìm được phòng trọ gần biên giới, thuê 200.000 đồng/đêm.
Dù khá dễ tính trong việc ăn uống và không ngại thưởng thức nhiều món ăn vùng miền, nhưng Giáp thú nhận không dám thử các món ngoài đường. Các suất ăn của anh đặt luôn tại khách sạn với giá trung bình mỗi bữa dao động từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
"Trong một bữa ăn tại khách sạn ở Bujumbura, tôi rất bất ngờ với đĩa cá rán rất đơn giản nhưng có giá gần 400.000 đồng. Mức giá này gần tương đương với lương tháng một người dân ở đây. Suất ăn chỉ có một con cá rán, thêm chút nước chấm và không kèm đồ gì khác, hương vị bình thường không có gì đặc biệt", anh mô tả.
Để di chuyển, anh cùng hướng dẫn viên thường đi bằng xe công cộng hoặc gọi taxi với giá cả tương đương với Việt Nam.
Nhưng điều khiến Giáp ấn tượng nhất chính là con người nơi này. Dù chỉ tiếp xúc thời gian ngắn, nhưng du khách Việt nhận thấy người Burundi "rất hiền lành và dễ thương". Đặc biệt nơi này không xảy ra tình trạng cướp bóc.
"Đáng lẽ họ nghèo như vậy thì nạn trộm cướp sẽ rất nhiều. Nhưng ngược lại, khi tới đây mình lại thấy hoàn toàn yên tâm", Giáp nhận xét.