(Dân trí) - Nhiều du khách cho biết, Việt Nam sở hữu rất nhiều cảnh đẹp nhưng khi cần một nơi vui chơi sầm uất để giải tỏa căng thẳng, họ lại luôn đặt vé đến Thái Lan.
Đến Việt Nam vì thích ăn phở, vừa ở một ngày khách Tây đã than… "chán"
Nỗ lực không ngừng trở thành thiên đường nghỉ dưỡng toàn cầu với loạt giải thưởng danh giá, nhưng Việt Nam vẫn chưa đón được lượng khách quốc tế như kỳ vọng bởi nhiều yếu tố kìm chân.
Việt Nam nhận nhiều giải thưởng du lịch nhưng lại thua Thái Lan, Singapore... về lượng khách quốc tế
Chris Ashton, 35 tuổi, một du khách người Australia ở Hà Nội, cho biết, lần đầu tiên anh được giới thiệu về Việt Nam nhờ một bài báo trên CNN Travel, viết về phở bò.
"Một số người bạn châu Á của tôi từng đến Việt Nam và nói món này rất ngon. Trước đó tôi chưa từng nghe về Việt Nam nên tôi bắt đầu việc tìm kiếm từ các bảng xếp hạng: Việt Nam có giải thưởng du lịch gì không, điểm đến nào được đánh giá cao, món ăn nào nổi tiếng nhất? Sau đó, tôi đặt mục tiêu phải thưởng thức hết các món ăn Việt lọt top ẩm thực thế giới và tôi đã hoàn thành từ cuối năm 2022", Chris nói.
Cũng theo Chris Ashton, với những người mới đến Việt Nam lần đầu và thích sự an toàn, việc dựa theo các gợi ý từ giải thưởng, báo chí, bảng xếp hạng… là một lựa chọn lý tưởng.
Câu chuyện của vị khách người Úc cho thấy, những nỗ lực xây dựng hình ảnh của đất nước thông qua các giải thưởng du lịch uy tín, đã và đang mang lại hiệu quả.
Từ một quốc gia phải coi du lịch giá rẻ là ưu thế để hút khách, tên tuổi "Việt Nam" đã phủ sóng trên bản đồ du lịch thế giới là một thiên đường nghỉ dưỡng toàn cầu.
Tại buổi lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (tháng 11/2022) ông Graham Cooke, Chủ tịch Tổ chức World Travel Awards cũng dành nhiều lời khen cho Việt Nam. Ông ghi nhận, những năm gần đây, Việt Nam có sự tập trung, đầu tư bài bản, nâng cao năng lực cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Năm 2022, Việt Nam được đề cử 61 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á và dành quán quân 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu thế giới, tiêu biểu như: Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới; Điểm đến di sản hàng đầu thế giới (Phú Quốc); Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới (Tam Đảo)…
Không chỉ sở hữu lợi thế về cảnh quan thiên nhiên đẹp, Việt Nam còn có nền ẩm thực độc đáo, hấp dẫn. Tháng 2/2023, Tạp chí du lịch nổi tiếng Travel + Leisure đã gợi ý Việt Nam là điểm đến ẩm thực hàng đầu khu vực châu Á trong hành trình du lịch năm 2023.
"Độ phủ sóng của điểm đến Việt Nam ngày càng rộng rãi. Các giải thưởng quốc tế uy tín cũng giống như chỉ dẫn hoặc bảo chứng đáng tin cậy khi đánh giá về một điểm đến hay một thương hiệu nào đó.
Tuy nhiên, theo tôi, như vậy là chưa đủ. Trên thực tế các con số cho thấy lượng khách quốc tế vào Việt Nam còn hạn chế, thậm chí thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore… dù họ không sở hữu nhiều giải thưởng", ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) nhận định.
Khách Tây choáng ngợp với cảnh đẹp Việt nhưng vẫn đặt vé du lịch Thái Lan
Ông Hylton Lipkin, người gốc Johannesburg, Nam Phi, từng nhiều lần đi du lịch ở Việt Nam và Thái Lan cho biết, Việt Nam sở hữu rất nhiều cảnh đẹp nhưng khi ông cần một nơi vui chơi sầm uất để giải tỏa căng thẳng, ông luôn đặt vé đến Thái.
"Việt Nam nổi tiếng với cảnh đẹp, đồ ăn rất ngon nhất là các món phở. Tuy nhiên, thật sự với những người thích các hoạt động giải trí, khám phá như tôi thì ở một hai ngày đã cảm thấy... buồn và không biết tìm chỗ chơi ở đâu", ông Hylton Lipkin nói.
Tương tự, Kim Eunhyuk, 30 tuổi, du khách người Hàn Quốc, khi so sánh hoạt động du lịch của hai quốc gia cũng cho rằng, trung tâm thương mại, chợ cho du khách tại Thái đa dạng hơn, chất lượng hàng hóa cao và nhiều sản phẩm độc đáo.
Ở Thái, du khách cũng có thể dễ dàng sử dụng các phương tiện công cộng với chi phí chỉ 35 baht - 80 baht (25.000 - 70.000 đồng). Trong khi đó, ở Việt Nam chỉ có xe ôm, xe buýt, tuyến đường sắt Cát Linh, Hà Nội thì không dẫn tới các điểm du lịch trong trung tâm của thành phố.
"Nếu đi bộ, tôi thường phải đi xuyên qua các hàng quán trên vỉa hè, xe cộ thì quá đông đúc trong giờ cao điểm", Eunhyuk nói.
Năm 2022, Việt Nam là quốc gia có lượt khách quốc tế đến du lịch thấp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á với 3,6 triệu lượt, chỉ cao hơn Philippines (khoảng 2,5 triệu lượt). Trong khi đó, Thái Lan, một quốc gia có nhiều nét tương đồng về địa lý, văn hóa đã vượt chỉ tiêu với 11,1 triệu lượt khách quốc tế.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: Thái Lan nổi tiếng chiến thuật "móc hầu bao" du khách 3G (Get them in - Đưa khách vào, Get their money - Lấy tiền của họ và Get them out - Tiễn khách).
Theo thống kê được đưa ra tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam năm 2018, khách quốc tế dành thời gian ở Việt Nam và Thái Lan ngang nhau, khoảng 9 ngày. Tuy nhiên, chi tiêu mỗi ngày tại Thái Lan là 163 USD một người (khoảng 3,8 triệu đồng), tại Việt Nam là 96 USD (khoảng 2,2 triệu đồng).
Theo ông Long, Việt Nam có thể học hỏi cách người Thái xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ như ăn uống, lưu trú, vận chuyển, giải trí, mua sắm "All in" (Tất cả trong một), có tính kết nối chặt chẽ.
Các sản phẩm du lịch ở Thái Lan có thể gói gọn trong "6 chữ S" gồm Sun (thời tiết ấm áp, nắng quanh năm), Sea (những bãi biển đẹp), Shopping (mua sắm), Service (dịch vụ), Show (các chương trình biểu diễn) và Sex (tình dục). Việt Nam có thể ngang hàng, thậm chí nhỉnh hơn Thái Lan về khía cạnh thiên nhiên nhưng cách làm dịch vụ, kiếm tiền từ du khách lại chưa bằng.
Bà Linh Prefer, Giám sát bộ phận Tiền sảnh khách sạn Premier Residences Phu Quoc, cho biết: Thực tế, với mức giá dưới 1 triệu đồng dành cho khách du lịch budget thích giá rẻ, chúng ta có rất nhiều lựa chọn ở khu vực phố cổ Hà Nội mà nội thất đẹp và mới hơn so với ở những khu trung tâm Bangkok.
Một khách sạn ở tầm giá 700.000 đồng một đêm ở khu Pratunam thậm chí không có toilet riêng, không amennities (cà phê, nước, bàn trải, dép đi trong phòng…)
Tuy nhiên, dưới góc độ người làm dịch vụ, bà Linh đánh giá cao thái độ phục vụ và sự chuyên nghiệp trong công việc của người Thái. Ở Việt Nam, người Việt vẫn được nhận định là thân thiện trong môi trường hospitality (ngành dịch vụ, khách sạn du lịch), nhưng có điểm trừ là tiếng Anh, có phần không đồng đều bằng các nước bạn.
Phải thay đổi tư duy làm du lịch
Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group: "Ngay và luôn, Việt Nam cần thực hiện cạnh tranh bằng chiến lược visa. Du lịch Việt Nam cần làm mới mình với chiến lược thương hiệu quốc gia về du lịch và chính sách visa đột phá, tư duy mới về làm kinh tế du lịch, có ban chuyên trách chịu trách nhiệm và có sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng mới thay đổi được cục diện và mục tiêu đón 8 triệu khách mới khả thi".
Du khách thường phàn nàn rằng họ không dễ dàng xin thị thực du lịch như trước Covid-19. Họ bị yêu cầu phải có các công ty bảo lãnh (gánh nặng mới), hoặc bị mời mọc qua các đại lý, mức phí rất cao (từ 200-500 USD (từ 5 - 12 triệu đồng) nếu xin gấp, còn lệ phí chính thức chỉ 25 USD). Hay công dân các nước không thuộc danh sách được cấp e-visa (80 nước/vùng lãnh thổ) rất khó xin, chẳng hạn như Mauritius, có thể phải đợi 30 ngày và phải trả 800 USD (hơn 18 triệu đồng).
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài visa cũng cần xem xét các chính sách trước dịch và sau dịch, tắc ở chỗ nào, cần gỡ ở chỗ nào, gỡ cái gì. Đầu tiên là chính sách, hệ thống dịch vụ và phục vụ; sau đó là lưu thông vận chuyển. Các doanh nghiệp cũng cần tự nâng cấp mình; xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn; thúc đẩy đầu tư của địa phương về vùng, địa điểm du lịch; quảng bá du lịch; nâng cao trình độ nhân lực; tăng cường chuyển đổi số…
Việt Nam cũng có nhiều bãi biển đẹp được thế giới công nhận như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng hay Phú Quốc (Kiên Giang). Tuy nhiên, hoạt động về đêm chưa được khai thác tốt và không đa dạng.
Tại Hà Nội, khu phố đi bộ chỉ được mở vào cuối tuần và chưa có nhiều hoạt động giải trí cho khách nước ngoài. Các phố Tây như Bùi Viện (TP.HCM) hay Tạ Hiện (Hà Nội) chủ yếu chỉ có quán bar và phải đóng cửa vào 2 giờ.
Nội dung: Thanh Thúy