(Dân trí) - Hai năm nay, ở thôn Hạnh Đàn (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội) cứ chiều đến, người già, trẻ em lại tập thể dục, vui chơi quanh khuôn viên rộng gần 3.000 m2 mới được nâng cấp từ một ao làng vốn hôi thối. Toàn bộ số tiền 1,8 tỷ đồng dùng để cải tạo, xây dựng các hạng mục quanh khuôn viên này đều do ông Nguyễn Tứ Hùng (74 tuổi) cùng thôn ủng hộ.
CỤ ÔNG 74 TUỔI BỎ 1,8 TỶ ĐỒNG CẢI TẠO AO LÀNG HÔI THỐI THÀNH CÔNG VIÊN
Hai năm nay, ở thôn Hạnh Đàn (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội) cứ chiều đến, người già, trẻ em lại tập thể dục, vui chơi quanh khuôn viên rộng gần 3.000 m2 mới được nâng cấp từ một ao làng hôi thối. Toàn bộ số tiền 1,8 tỷ đồng dùng để cải tạo, xây dựng các hạng mục quanh khuôn viên này đều do ông Nguyễn Tứ Hùng (74 tuổi) ủng hộ.
"Ước mơ từ lâu, nhưng giờ mới có tiền để biến thành sự thật"
Hai năm nay, cứ đến chiều người dân thôn Hạnh Đàn (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội) từ trẻ em đến người già lại tụ hội quanh khuôn viên rộng gần 3.000 m2 để nghỉ ngơi, vui chơi. Công viên này gồm có hồ cá và đường đi bộ ven hồ, mới được đầu tư 1,8 tỷ đồng để nâng cấp từ ao làng hôi thối. Điều đặc biệt, toàn bộ số tiền 1,8 tỷ đồng dùng để cải tạo, xây dựng các hạng mục quanh khuôn viên này đều do ông Nguyễn Tứ Hùng (74 tuổi) ủng hộ.
"Mình có tâm nhưng lúc ấy chưa có tiền, khi có tiền rồi cộng với có tâm thì làm được. Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, tôi cùng với Đảng bộ, chính quyền địa phương tham gia xây dựng nông thôn mới trong đó có làm ao môi trường này cho cảnh quan, làng xóm thêm xanh, sạch đẹp", ông Hùng chia sẻ.
Thời điểm trước khi được cải tạo, ao làng là nơi người dân không muốn lui tới vì bẩn. "Ao làng trước kia rộng rãi và trong xanh lắm. Tết đến người làng còn mang gạo và lá dong ra ao rửa. Đô thị hóa tăng nhanh trong những năm qua, người dân thi nhau xây nhà, dồn nước thải ra ao khiến nó bị ô nhiễm trầm trọng. Nhà mình sát ao, cứ nắng lên là mùi hôi thối bốc lên, khủng khiếp đến mức tôi không dám mở cửa sổ", ông Hùng nhớ lại.
Từ những năm 2000, ông Hùng đã ấp ủ ý muốn cải tạo ao làng để có môi trường trong lành cho mọi người. Nhưng phải mãi đến năm 2016 khi 5 người con của ông thành đạt, mong muốn cải tạo ao làng mới thành hiện thực. Toàn bộ số tiền 1,8 tỷ đồng, ông huy động từ các con.
Ông Hùng đã làm đơn xin phép Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân xã Tân Lập trước khi đề đạt nguyện vọng tới Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện Đan Phượng cho ông bỏ tiền để cải tạo ao làng. "Được đồng ý, tôi vui lắm, lúc đó chỉ nghĩ vậy là mong muốn của mình từ thời còn khó khăn đến bây giờ sắp thành hiện thực", ông Hùng nhớ lại.
Toàn bộ kinh phí sửa chữa nâng cấp ao làng ông Hùng chuyển cho địa phương. Địa phương tự thiết kế, chủ đầu tư là Ủy ban nhân dân xã Tân Lập, đơn vị thiết kế do chủ đầu tư chỉ định. "Nhà tôi chỉ có trách nhiệm chuyển tiền về Ủy ban, còn Ủy ban tự làm", ông Hùng vui vẻ cho biết.
"Hai anh em tôi mồ côi từ bé, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương nuôi, thậm chí cho ăn học, học hết cấp III hệ 10/10. Sau đó em thì vào trường Cán bộ Y tế, còn tôi thì vào trường Trung cấp Thuỷ sản Trung ương ở Văn Điển.
Học xong thì chiến tranh xảy ra, hai anh em được gọi vào bộ đội, mỗi người một chiến trường, em thì chiến đấu ở Lào còn anh thì chiến đấu ở miền nam. Tôi trải qua hai giai đoạn đó là chiến tranh trống Mỹ và chiến tranh Biên giới phía Bắc.
Việc làm này xuất phát từ nguyện vọng của tôi dành cho quê hương. Đây là tự lòng tôi, chỉ đơn giản vậy thôi", ông Hùng chỉ ra lý do tại sao mình lại bỏ số tiền lớn như vậy để cải tạo ao làng.
Biến ao làng hôi thối thành công viên thu nhỏ
5 tháng xây dựng, với bao tâm huyết của cá nhân ông Hùng và chính quyền, nhân dân địa phương, ao làng hôi thối nay không còn nữa mà thay vào đó là một công viên thu nhỏ với hồ cá, đường đi bộ lát gạch, cây cối toả bóng mát. Công trình được khánh thành vào ngày 22/5/2017, đúng dịp kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm quê hương ông. Từ chỗ bị ám ảnh bởi ao làng thì nay, cứ chiều chiều, người già trẻ nhỏ lại tập trung đi bộ, tập thể dục, đạp xe...
Kể từ ngày công viên này được khánh thành ông Hùng kiêm luôn chân quét dọn, bảo vệ. Công việc hàng ngày của ông là cầm chổi mang theo thùng đựng rác quét sạch lá rụng, bụi bẩn quanh ao, cầm vợt vớt vài con cá chết. Cuối cùng vào lúc 6h tối ông bật điện thắp sáng khuôn viên ao làng.
"Tuổi này tôi cũng nhàn, hàng ngày tôi coi việc quét dọn quanh khuôn viên như một công đôi việc, vừa làm cho khuôn viên xanh sạch hơn vừa tập thể dục. Tôi luôn xác định rằng bà con ta được sống hạnh phúc, thì chính mình cũng nằm trong niềm hạnh phúc của mọi người. Có nghĩa là khổ thì cùng khổ mà sướng thì cùng sướng, đó là nghĩa vụ của một công dân bình thường", ông Hùng chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo xã Tân Lập cho biết: "Đây là trường hợp đầu tiên ở xã ủng hộ số tiền lớn như vậy. Từ khi đề xuất cho đến khi bác Hùng chuyển tiền cũng rất nhanh. Bởi vậy, công trình nạo vét và cải tạo ao làng hoàn thành chỉ trong 5 tháng".
Nhân dịp kỷ niệm 64 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2018), Hà Nội tổ chức vinh danh 10 công dân Thủ đô ưu tú. Những cá nhân, từ doanh nhân thành đạt đến lão nông thôn quê, bằng nhiều công việc, đóng góp khác nhau, nhưng có điểm chung ở những việc tốt, ở tình yêu quê hương, làng xóm. Ông Hùng là 1 trong 10 công dân Thủ đô ưu tú được vinh danh vào dịp đó.
Trọng Trinh