Chuốc rượu, văn hóa hay hủ tục?

Chuốc rượu là hành động phản văn hóa

(Dân trí) - Trong văn hóa Việt, khi giao tiếp, chén rượu đóng vai trò như “chất dẫn” đưa đẩy câu chuyện. Từ góc nhìn của T.S Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ông cho rằng nét đẹp này đang trở thành hành động phản văn hóa.

Uống rượu là nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Việt

“Khách đến nhà, không trà thì rượu”. Ngoài miếng trầu và ấm trà, rượu là công cụ giúp “khơi mào” câu chuyện, xóa nhòa khoảng cách và thêm kết nối con người. T.S Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: “Không chỉ riêng người Việt mà ở trên khắp thế giới, uống rượu là một hiện tượng rất phổ biến. Ở nhiều nền văn hóa khác nhau, người ta thậm chí coi rượu là tặng vật của tự nhiên, của chúa Trời hay của các vị thần linh dành cho con người.”


T.S Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội

T.S Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội

Khác với các thức uống chỉ dùng để giải khát, rượu tồn tại trong văn hóa Việt như một nét văn hóa đặc sắc về ẩm thực. Ở Việt Nam, tục uống rượu còn gắn với việc thờ cúng tâm linh. Việt Nam có nền văn minh lúa nước nên rượu trắng từ lúa gạo luôn được trân trọng dùng để thờ cúng Tổ tiên, thần thánh. Dĩ nhiên sau đó con cháu sẽ được uống hưởng lộc.

“Trước kia, tầng lớp trí thức, tầng lớp quý tộc có điều kiện uống rượu như một thú vui. Lúc này, việc thưởng rượu sẽ kết hợp ngâm thơ, bàn luận chính sự. Với tầng lớp bình dân, rượu được sử dụng như thức uống khiến con người được giải tỏa mệt nhọc sau một ngày lao động căng thẳng, giúp ăn ngon miệng hơn và có giấc ngủ sâu hơn. Rõ ràng, rượu gắn với văn hóa và được sử dụng với mục đích tốt.”, T.S Đinh Đức Tiến giải thích rõ hơn về văn hóa uống rượu của người Việt.

Rượu vốn là thức uống mỹ vị. Chính vì thế, người thưởng rượu cũng phải là người tinh tế. Uống rượu có văn hóa là phải nhấp từng ngụm rất nhỏ để cho hương rượu ngấm vào đầu lưỡi, cảm nhận đến tận cùng cái vị cay nồng đặc trưng. Cứ thế mà thưởng từng chút một để thấy tinh thần phấn khởi, tâm hồn nhẹ nhàng bay bổng, dễ trò chuyện, chia sẻ tâm tình.

Ngoài rượu trắng, nước ta còn có hàng trăm loại rượu nổi tiếng, không chỉ đậm đà về hương vị mà còn là những loại rượu thuốc quý, bồi bổ sức khỏe con người. Rượu như thế không những là nét đẹp văn hóa trong lễ hội, trong đời sống mà còn là loại hình kinh tế dịch vụ quan trọng nếu biết khai thác và sử dụng đúng cách.

Nam vô tửu như kỳ vô phong ?


Từ nét đẹp văn hóa tới hành động phản văn hóa chỉ cách nhau trong gang tấc. (Hình: Internet)

Từ nét đẹp văn hóa tới hành động phản văn hóa chỉ cách nhau trong gang tấc. (Hình: Internet)

Tửu lượng không phải mức thang đo đạo đức hay giá trị con người. Nó không chứng tỏ độ giàu có, chịu chơi hay độ “men” của đấng mày râu. Nhưng vì một sức ép vô hình nào đó, nhiều người ngày nay đang gắng sức thể hiện bản lĩnh của mình trên bàn nhậu chứ không phải trong công việc hay cách đối nhân xử thế.

Ép rượu, nốc rượu hay chuốc rượu đều là hành động thể hiện sự thiếu văn hóa. Ở góc nhìn của một người chuyên nghiên cứu về văn hóa Việt, T.S Đinh Đức Tiến lý giải: “Có một ranh giới mà mọi người cần phân định rõ. Trong hình thức sinh hoạt hát cô đầu của văn hóa Việt, chuốc rượu được coi như một nghệ thuật. Nhưng đặt trong bối cảnh hiện nay, việc chuốc rượu, ép nhau uống đến mất kiểm soát thì lại là việc phản văn hóa.”

Ngồi trên bàn nhậu, không ít quan niệm cho rằng cùng nhau uống hết cỡ mới thực lòng thể hiện tình anh em hoặc có thiện chí làm việc. Nếu từ chối chén rượu với bất cứ lý do gì, tức là không thực lòng với nhau hoặc không tôn trọng người mời rượu. Có lẽ, sức ép nặng nề để uống nằm ở chính những quan niệm như vây. Uống rượu nhiều khi trở thành cuộc đọ sức không hồi kết. Có lẽ, từ “hủ tục” vẫn còn là quá nhẹ khi dùng để nói về những cách uống rượu này.

Nhiều người cho rằng các sản phẩm rượu bia có nồng độ cồn thấp không gây hại nên thoải mái sử dụng và thoải mái ép người khác uống. Nhưng họ không biết rằng, chính từ những lần “thoải mái” đó đã khiến chất cồn tồn đọng trong dạ dày, từ đó gây nên các bệnh nguy hiểm. Chưa kể đến tính văn hóa đẹp trong cách sử dụng không hề có, hành động “chuốc rượu” chỉ cho thấy lối sống không có chuẩn mực, hoang phí vô độ, mất kiểm soát về hành vi của một lớp người.

Đừng vin vào cớ “Nam vô tửu như kỳ vô phong” mà chuốc rượu nhau đến say mèm trên bàn nhậu, bởi ý nghĩa thật sự của câu nói ấy không nhằm cổ súy việc uống rượu mất kiểm soát. “Nếu nhìn ở góc độ văn hóa, ý nghĩa của câu nói này là: người đàn ông trước khi làm một việc gì lớn thì dùng đến rượu như cách thức thúc đẩy sự quyết tâm, khẳng định ý chí mạnh mẽ. Nhưng cần nhìn nhận rõ, đây là câu nói trung tính, không đặt ra để cổ vũ, bao biện cho việc uống rượu đi ngược lại với văn hóa Việt.”, T.S Đinh Đức Tiến kết luận.

Hoàng Ngọc

Trước việc chuốc rượu tràn lan trên bàn nhậu, gây nhiều hệ lụy cho xã hội như hiện nay, mục Đời sống báo Dân trí mở chuyên đề "Chuốc rượu, văn hóa hay hủ tục?"

Chúng ta nên nhìn nhận việc chuốc rượu như một nét đẹp văn hóa hay một hủ tục cần loại bỏ khỏi đời sống? Mời bạn đóng góp ý kiến, quan điểm của mình vào hộp thư vanhoa@dantri.com.vn.

Dân trí giữ quyền biên tập.