Chuốc rượu, văn hóa hay hủ tục?
(Dân trí) - Uống rượu là hình ảnh quen thuộc trong bữa tiệc của người Việt, tuy nhiên việc chuốc rượu nhau đến mức say mất kiểm soát hiện đang diễn ra tràn lan, nhất là trong dịp trước và trong Tết nguyên đán. Việc này đang gây hậu quả không nhỏ cho xã hội. Vậy chúng ta nên nhìn nhận việc chuốc rượu là văn hóa hay hủ tục?
Mỗi ngày, cả nước có không biết bao nhiêu ca ngộ độc rượu và con số này càng khó thống kê vào dịp đầu năm mới. Nếu chúng ta không hiểu rõ tác hại của rượu, không sử dụng rượu đúng mức độ, thì vô hình chung, rượu sẽ trở thành “kẻ thù” nguy hiểm nhất trên mâm cơm ngày Tết.
Uống rượu có thể gây mù mắt, tử vong
Trong cuộc sống, công việc và nhất là trên mâm cơm dịp Tết, rượu là một thứ không thể thiếu. Nó góp phần làm bầu không khí thêm sôi động và khiến con người xích lại gần nhau hơn. Nhưng trên thực tế, rượu cũng chính là thủ phạm gây nên hàng loạt những sự cố đáng tiếc, trực tiếp ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe và sinh mạng con người.
Không phải ai cũng có điều kiện sử dụng rượu đắt tiền, mà rượu rẻ tiền, rượu giả thì lúc nào cũng tràn lan. Những loại rượu rẻ tiền này thường chứa nhiều độc tố, tác động trực tiếp đến cơ thể người uống. Việc kiểm soát những sản phẩm này cũng là một bài toán khó, bởi nhiều khi quy mô sản xuất chỉ thu gọn trong một hộ gia đình.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, rượu kém chất lượng có nhiều cách sản xuất, nhưng phổ biến nhất là nấu thủ công và pha chế.
Với rượu nấu thủ công, không có các trang thiết bị hiện đại, việc loại bỏ các độc tố trong đó là điều không thể. Loại rượu này khi uống vào dễ say, thậm chí khiến người dùng tê liệt thần kinh, không còn đủ tỉnh táo để kiểm soát hành vi của mình.
Nhưng rượu pha chế mới là loại nguy hiểm và có tác hại nặng nề hơn rượu nấu thủ công. PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết, ở Việt Nam có rất nhiều nhà máy sản xuất cồn, hàng năm cho ra số lượng thành phẩm cực lớn. Vốn được dùng để pha chế xăng sinh học E5, nhưng khi không thể tiêu thụ hết, cồn này được mang ra ngoài thì trường bán.
Rượu pha chế có thể gây nên nhiều tác hại nguy hiểm.
Các độc tố tồn tại trong loại cồn này rất nhiều. Bởi qua quá trình lên men, cồn công nghiệp đã tạo thành rượu etylic (rượu uống được), nhưng cũng đồng thời có hàm lượng rượu metylic và methanol rất cao.
“Đây là nhóm rượu chứa tạp chất, nếu uống nhiều sẽ tác động vào gan, não gây viêm gan, thần kinh bị giảm dẫn tới không tỉnh táo. Hậu quả là người uống sẽ không điều chỉnh được chính mình, thậm chí có thể dẫn tới mù mắt và nặng nhất là tử vong”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.
Những loại rượu đắt tiền tuy cũng được làm từ cồn, nhưng đây là các loại cồn thực phẩm có nguyên liệu từ gạo, ngô và đã được tách chất độc nên độ an toàn cao. Rượu etylic sau khi ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh thì chuyển thành nhiệt, thoát ra ngoài và không để lại di chứng. Nhưng như vậy không có nghĩa với việc khuyến khích sử dụng rượu.
Đừng lạm dụng rượu bia, làm biến tướng một nét văn hóa
Uống nước chanh khi say giúp quá trình bài tiết diễn ra nhanh hơn.
Là một quốc gia có nền văn minh lúa nước, rượu trắng từ lúa gạo được coi là vật để thờ cúng Tổ tiên. Không thể cấm rượu bởi đó là một nét văn hóa của ngày Tết và trong văn hóa Việt. Không những thế, rượu còn là loại hình kinh tế dịch vụ quan trọng trong xã hội, nếu biết khai thác và biết sử dụng đúng cách.
Trên bàn nhậu, người ta vẫn truyền tai nhau những sáng kiến giúp hết say rượu bằng cách kết hợp các thực phẩm với nhau. Nhưng PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, đó hoàn toàn là những biện pháp mang tính chất tình thế, không thể giải quyết triệt để.
“Thông thường, khi uống các loại rượu mạnh có nồng độ cồn khoảng 40-45 độ, nhiều người thường để một chai nước khoáng có ga bên cạnh với mục đích làm loãng rượu, đỡ khé cổ, làm nhẹ rượu một cách giả tạo. Nhưng trên thực tế, dù có làm loãng ra thì lượng rượu vào cơ thể vẫn không thay đổi. Từ đó rượu ngấm dần, sinh ra những độc tố tác động đến hệ thống thần kinh và trở thành chất cực độc.”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh giải thích.
Vào dịp lễ Tết hay khi uống rượu, cách tốt nhất là mỗi người cần biết tự điều chỉnh lượng mức uống cho phù hơp, tránh tình trạng quá chén, gây mất kiểm soát. PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cũng đưa ra lời khuyên: “Khi say, nên uống một cốc nước chanh đường thật lớn, góp phần làm quá trình bài tiết diễn ra nhanh hơn, chất độc cũng nhờ thế mà được đẩy ra nhanh hơn.”
Hoàng Ngọc
Trước việc chuốc rượu tràn lan trên bàn nhậu, gây nhiều hệ lụy cho xã hội như hiện nay, mục Đời sống báo Dân trí mở chuyên đề "Chuốc rượu, văn hóa hay hủ tục?"
Chúng ta nên nhìn nhận việc chuốc rượu như một nét đẹp văn hóa hay một hủ tục cần loại bỏ khỏi đời sống? Mời bạn đóng góp ý kiến, quan điểm của mình vào hộp thư vanhoa@dantri.com.vn.
Dân trí giữ quyền biên tập.