Chuốc rượu: Văn hóa hay hủ tục?

Là đàn ông, đừng để rượu "uống" mình!

(Dân trí) - “Khách đến nhà không trà thì rượu”. Mời rượu là nghi lễ quan trọng trong đời sống tinh thần của không ít người. Tuy nhiên văn hóa mời rượu hiện đang bị biến tướng nghiêm trọng, xa rời những giá trị tốt đẹp truyền thống. Dưới đây là chia sẻ của cánh mày râu – những người đánh giá vấn đề dưới góc nhìn của người trong cuộc.

Đâm chém nhau vì chuốc rượu

Anh Đỗ Mạnh Dũng (20 tuổi, Phú Xuyên – Hà Nội) nêu quan điểm: "Theo như mình thấy thì rượu hay các chất có cồn giờ rất phổ biến và hầu như không thể thiếu trong các cuộc vui. Cá nhân mình thấy uống rượu là để vui, là để mọi người có thể thoải mái hoà đồng vào nhau chứ không phải là để uống cho say, cho bất tỉnh nhân sự thì thôi".


Anh Đỗ Mạnh Dũng

Anh Đỗ Mạnh Dũng

"Tuỳ theo tửu lượng của mỗi người, có người uống được rất nhiều mà vẫn tỉnh táo, có người chỉ một, hai chén rượu thôi cũng đủ choáng váng rồi. Cá nhân mình cho rằng không nên bắt ép ai phải uống hết. Có những trường hợp quá chén rồi bạn thân đâm chém nhau vì chén rượu uống không hết, hay vì say mà hiểu sai 1 câu nói thôi cũng có thể xảy ra mâu thuẫn mà đánh nhau.”

Anh Lê Tuấn ( 32 tuổi, Sóc Sơn – Hà Nội) cho rằng cái gì cũng có hai mặt của nó, uống rượu là một văn hóa đẹp thế nhưng rượu là một chất gây nghiện nên khi sử dụng nó quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Đáng buồn là hủ tục này đang tồn tại ở khắp nơi trong đời sống, trên mọi tỉnh thành, mọi tiệc nhậu.


Anh Lê Tuấn

Anh Lê Tuấn

"Chúng ta cần ý thức được điều này và mạnh dạn lên án những hành động như vậy. Cần biết uống thế nào là vừa phải, thế nào là đẹp. Uống rượu là nét văn hóa chúng ta cần trân trọng, tuy nhiên cần có liều lượng hợp lí. Có chuốc rượu để bày bỏ sự chân thành nhưng không cần đến mức để đồng nghiệp, bạn bè say bí tỉ. Lúc say thì chẳng biết chuyện gì sẽ sảy ra cả. Nhiều sự việc báo chí đưa tin chỉ vì say mà mâu thuẫn giết chính người thân, đồng nghiệp của mình, như vậy không đáng chút nào.”

Uống rượu chỉ xấu khi nó trở nên quá đà, đừng để rượu uống mình

Anh Ngô Đại Dương ( 20 tuổi, Phú Xuyên – Hà Nội) cho rằng việc đàn ông uống rượu không có gì sai, nó chỉ sai khi trở nên quá đà.

Là đàn ông, đừng để rượu "uống" mình! - 3

"Cánh đàn ông thì hay cho rằng càng uống nhiều càng chứng tỏ sự nhiệt tình, uống càng say thì người đó sống càng hết mình. Ai uống được nhiều hơn thì họ lại tự hào ta đây vô địch thiên hạ. Việc chuốc rượu , ép rượu trong những buổi liên hoan đang biến tướng thành một thứ lễ nghi mù quáng. Đàn ông thường có cái sĩ diện lớn, nhiều lúc bị ép uống cũng phải chịu. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng chúng tôi cũng có cái khó khi ngồi trên bàn nhậu, buộc phải tiếp rượu, có uống mới dễ nói chuyện, chia sẻ. Suy cho cùng phải biết tự điều chỉnh hợp lí, có đáp lễ nhưng không nhất thiết phải chuốc rượu cho say", anh Dương trao đổi với Dân trí.

Anh Bùi Tiến Thành ( 53 tuổi, Hà Nội) nêu quan điểm: “ Tôi thấy uống được rượu bia là tốt nhưng mình phải uống nó chứ đừng để rượu bia nó uống mình. Vì theo tôi rượu rất tốt các cụ từ nghìn đời nay họ đều uống rượu cả. Thậm chí, có nhiều người nếu biết uống rượu đúng cách thì rất tốt cho sức khỏe.


Anh Bùi Tiến Thành

Anh Bùi Tiến Thành

"Còn việc uống rượu tràn lan, chuốc rượu cho nhau say đấy là hành động xấu không tốt ảnh hưởng trực tiếp ngay tới chính bản thân mình sau đó là cho gia đình, hàng xóm và xã hội. Việc uống rượu bia tràn lan ảnh hưởng trước hết là tới sức khỏe, làm mất thời gian và tốn tiền. Khi uống rượu bia nên biết tửu lượng của mình đến đâu để dừng lại chứ không nên uống tràn lan", anh Thành nói.

Chuốc nhau say, hậu quả khôn lường

Anh Trần Phạm Nguyên (38 tuổi, Thanh Xuân – Hà Nội) cho rằng rượu bia là một trong những hình thức để phái mạnh thể hiện mình. Đồng thời, qua các bữa tiệc tùng qua ly rượu hay cốc bia để con người giải quyết những vấn đề tình cảm và các mối quan hệ.


Anh Trần Phạm Nguyên.

Anh Trần Phạm Nguyên.

"Thế nhưng, việc uống rượu bia sẽ rất hại và có ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe khi nhiều người nhậu nhẹt một cách tràn lan. Nhiều người nghĩ mình uống rượu là “vô đối” nên thường uống rượu rất nhiều tràn lan để thể hiện mình tôi nghĩ là không nên. Vấn đề kích bác, ép uống trong các bữa nhậu là rất phổ biến. Việc nhiều người không uống được nhưng bị chuốc say gây ra hậu quả rất nghiêm trọng như ảnh hưởng tới sức khỏe, thần kinh bị kích động dẫn đến những hành động sai trái , rất nguy hiểm khi tham gia giao thông. Đã quá nhiều thảm kịch bắt nguồn từ say rượu", anh Nguyên chia sẻ.

Anh Nguyễn Danh Hải - 40 tuổi (Ba Đình - Hà Nội) cho rằng rượu giúp giảm stress tốt nếu như biết kiểm soát, nhưng thiếu kiểm soát đó sẽ là mối hại khôn lường.


Anh Nguyễn Danh Hải

Anh Nguyễn Danh Hải

“Do đặc thù công việc nên bản thân tôi cũng là một người thường xuyên cũng tham gia các cuộc tụ tập uống rượu bia với anh em. Tôi thấy việc uống rượu bia sau những giờ làm việc căng thẳng cũng rất vui và giảm stress rất nhiều. Tuy nhiên, nếu uống rượu bia tràn lan không có giới hạn thì tôi hoàn toàn không đồng ý. Vì nó ảnh hưởng và gây hại tới sức khỏe cho bản thân và xã hội".

Đặng Ngoãn- Thùy Linh (ghi)

Trước việc chuốc rượu tràn lan trên bàn nhậu, gây nhiều hệ lụy cho xã hội như hiện nay, mục Đời sống báo Dân trí mở chuyên đề "Chuốc rượu, văn hóa hay hủ tục?"

Chúng ta nên nhìn nhận việc chuốc rượu như một nét đẹp văn hóa hay một hủ tục cần loại bỏ khỏi đời sống? Mời bạn đóng góp ý kiến, quan điểm của mình vào hộp thư vanhoa@dantri.com.vn.

Dân trí giữ quyền biên tập.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm