Chuốc rượu, văn hóa hay hủ tục?

Đàn ông Việt, ai biết uống rượu bia cũng đều rất ham vui?!

(Dân trí) - Với bản tính ham vui và một phần chủ quan vì thấy mình cũng có khả năng uống được bia rượu, tôi đã suýt mất mạng trong một lần nhậu say mềm.


Bia rượu mang lại niềm vui nếu biết sử dụng trong kiểm soát.

Bia rượu mang lại niềm vui nếu biết sử dụng trong kiểm soát.

Đàn ông Việt, không kể những người do cơ địa không uống được rượu, ai biết uống rượu bia cũng đều rất ham vui. Tôi bắt đầu uống bia rượu từ khi học cấp 3, sau đó lên đại học tần suất nhậu nhiều hơn và từ khi đi làm thì nhậu nhẹt gần như liên miên.

Có đủ lý do để đàn ông ngồi với nhau bên chén rượu: Bạn cũ lâu không gặp, đi tiệc cưới, sinh nhật, khi vui, lúc buồn... Nói tóm lại mấy thằng đàn ông ngồi với nhau mà không có chất cay dẫn chuyện, chỉ cắn hạt dưa uống nước trái cây, thì chúng tôi hóa thành đàn bà.

Lúc vui hoặc ngồi lai rai lâu lâu, tôi có thể uống hết một thùng bia. Rượu thì có thể “cưa” được nửa chai 1 lít là thấy “vừa đẹp”. Chính vì uống được bia rượu nên tôi rất quảng giao, công việc làm ăn nhờ đó cũng thuận lợi.

Một lần tôi mời bạn về nhà. Hôm đó tôi “cậy” sân nhà nên uống rất tít. Có khoảng gần chục anh em. Sau những tuần rượu “đồng khởi”, “hết nhé”... thì chúng tôi bắt đầu đi vào chiều sâu như mọi cuộc nhậu khác, tức là người nọ mời riêng người kia. Vừa uống vừa lôi hết tên địa danh các địa phương ra thi đấu, nào là phải "Cao Bằng", sau đó cùng "Bắc Kạn", không được "Mũi Né"... Xong một chén, người uống lại bắt tay giật đi giật lại rất thân tình.

Đúng là ngồi trong một cuộc vui như thế, những người không uống được rất cực nhọc, vì khi đã được chúc là phải uống hết, người chúc lúc này có lẽ phải gọi là chuốc rượu chứ không còn là chúc rượu nữa. Chúng tôi nghĩ ra 1001 lý do để ép nhân vật được mời phải uống hết. Nhiều khi cả mâm gây sức ép bằng cách không ai ăn uống gì nữa, chờ người được mời hoàn thành nhiệm vụ (uống hết 100%) thì cuộc vui mới tiếp tục.


Nhiều vụ tai nạn thảm khốc xuất phát từ việc quá chén khi nhậu. (Hình minh họa)

Nhiều vụ tai nạn thảm khốc xuất phát từ việc "quá chén" khi nhậu. (Hình minh họa)

Riêng tôi là chủ nhà, sau khi uống riêng với từng người, tôi còn mời “lượt về” từng người. Hôm đó chúng tôi uống rất nhiều loại rượu khác nhau. Rượu ngon, chuyện trò hỉ hả. Tôi vẫn ngồi cười nói mà không nhận ra mình đã say mềm.

Tới cuối buổi, thực khách về hết, còn riêng anh bạn thân gần nhà thì tôi đòi lấy xe máy ra đưa về. Không ai có thể can ngăn được 1 người dở say dở tỉnh.

Giữa đêm, đường vắng, tôi đèo anh bạn được 1 đoạn thì… tự nhiên ngã lộn ra đường. Tôi ngã vỡ mặt, lăn xuống nằm úp mặt im như chết. Bạn tôi gãy tay, nhưng vẫn lết đến sờ vào mũi tôi xem còn thở hay đã tắt. Sau này mấy người xe ôm xung quanh nói rằng chúng tôi cao số vì bác tài lái chiếc xe tải phía sau đã nhanh tay đánh lái, nếu không chúng tôi nằm gọn trong gầm xe rồi.

Tôi không hề đâm vào đâu, đường không trơn trượt, thưa vắng. Nhưng tôi vẫn ngã. Đó là vì rượu ngấm, cơ thể như bị ngắt “rơ le”. Mặt tôi sưng lên to gấp đôi, xước xát nát mặt nhưng chắc tôi cao số, nên vào bệnh viện bác sĩ bảo không phải khâu mũi nào.

Từ sau “cú sốc” đó tôi bắt đầu thận trọng hơn rất nhiều khi uống rượu, đặc biệt khi phải cầm lái xe máy hoặc ô tô là tôi từ chối, không uống. Là một đệ tử lưu linh, và từng suýt chết vì ham vui, tôi chân thành khuyên các anh nên hạn chế tối đa bia rượu, nhất là mỗi dịp Tết đến Xuân về như thế này. Bữa tiệc càng vui thì mầm mống nỗi buồn càng nhiều. Đừng quá chén để rồi niềm vui trở thành nỗi buồn trong gang tấc.

Tết đến Xuân về, tôi xin chúc độc giả Dân trí nhiều niềm vui và luôn giữ mình trước bia rượu.

Bạn đọc Mạnh Khoa

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)

Trước việc chuốc rượu tràn lan trên bàn nhậu, gây nhiều hệ lụy cho xã hội như hiện nay, mục Đời sống báo Dân trí mở chuyên đề "Chuốc rượu, văn hóa hay hủ tục?"

Chúng ta nên nhìn nhận việc chuốc rượu như một nét đẹp văn hóa hay một hủ tục cần loại bỏ khỏi đời sống? Mời bạn đóng góp ý kiến, quan điểm của mình vào hộp thư vanhoa@dantri.com.vn.

Dân trí giữ quyền biên tập.