Chuốc rượu, văn hóa hay hủ tục?
Từ cuộc vui trên bàn nhậu đến những nỗi ám ảnh của xã hội
(Dân trí) - Hàng ngày, không khó để bắt gặp những vụ tai nạn giao thông là hệ quả của việc sử dụng rượu bia. Điều đáng nói hơn cả là số người chết và bị thương ngày một gia tăng, đem lại những tổn thất rất lớn. Và cứ thế, bia, rượu đã trở thành kẻ sát nhân giấu mặt.
Rượu bia là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông
Theo Bộ Y tế, việc tiếp cận rượu bia ở Việt Nam dễ dàng nhất thế giới vì bất cứ địa điểm, cơ sở nào cũng sẵn có.
Việt Nam hiện là một trong số ít các quốc gia có xu hướng gia tăng nhanh về mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người trong khi mức tiêu thụ của toàn thế giới trong thập kỷ qua hầu như không thay đổi.
Theo số liệu của Bộ Y tế, mức tiêu thụ rượu, bia bình quân đầu người (>15 tuổi) đã tăng từ 1,35 lít năm 2001 lên 3,3 lít năm 2007, 3,54 lít năm 2008 và 4 lít năm 2010, trong đó tỷ trọng từ bia đang tăng nhanh hơn từ rượu.
Theo quy hoạch phát triển Ngành Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người (>15 tuổi) ở Việt Nam có thể là 7 lít, cao hơn mức trung bình chung của thế giới hiện nay (6,13 lít).
Bộ Y tế thống kê, riêng trong năm 2010 (tính đến 20/12/2010), cả nước đã xảy ra 175 vụ ngộ độc, làm 42 trường hợp tử vong. Trong đó, có tới 14 người chết do uống rượu có Methanol (cồn công nghiệp), chiếm 33,3%.
Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia và con số này đang có xu hướng gia tăng. Mỗi năm trung bình Việt Nam có 12.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó 4.800 trường hợp có liên quan đến rượu bia. Bên cạnh thiệt hại về người, tai nạn giao thông vì bia rượu cũng gây nên thiệt hại về kinh tế lên đến 250 tỷ đồng/ngày.
Mỗi năm trung bình Việt Nam có 12.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó 4.800 trường hợp có liên quan đến rượu bia. Bên cạnh thiệt hại về người, tai nạn giao thông vì bia rượu cũng gây nên thiệt hại về kinh tế lên đến 250 tỷ đồng/ngày.
Như thành quy luật, cứ dịp cuối năm hoặc trong những ngày Tết, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông lại tăng cao. Nguyên nhân của các vụ tai nạn phần lớn được xác định là do "ma men" gây ra.
Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông- Bộ Công an, cả nước đã xảy ra 408 vụ tai nạn giao thông, làm chết 300 người. Ở hai bệnh viện lớn là bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) và bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tỉ lệ này lên đến 70%, thậm chí đã có lúc rơi vào tình trạng quá tải.
Bia rượu đem lại nhiều hệ quả khó lường (hình minh họa)
Rượu bia và những nỗi đau khôn nguôi
Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, cả nước đã xảy ra 408 vụ tai nạn giao thông, làm chết 300 người. Ở hai bệnh viện lớn là bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) và bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tỉ lệ này lên đến 70%, thậm chí đã có lúc rơi vào tình trạng quá tải.
(Số liệu của Cục Cảnh sát giao thông- Bộ Công an)
Tai nạn giao thông do bia rượu gây ra có thể để lại những hậu quả khôn lường, để lại di chứng rất nặng nề cho người bệnh. Nhiều người không chỉ bị chấn thương sọ não mà còn bị gãy đùi, cụt tay, vỡ hàm mặt, dập nội tạng, vv... Tuy là hậu quả có thể chứng kiến dễ dàng, nhưng dường như những con số và hình ảnh khủng khiếp này vẫn chưa đủ sức tác động đến tiềm thức người Việt mỗi khi nâng cạn chén rượu trên bàn nhậu.
Còn nhớ cuối tháng 2/2016, vụ tai nạn kinh hoàng tại Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) làm ba người thiệt mạng, trong đó có một cháu nhỏ 6 tuổi khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Kẻ gây ra vụ tai nạn là Nguyễn Quang Vinh, làm bảo vệ cho Chi cục Thuế quận Ba Đình. Thấy xe Camry của khách để trong cửa hàng rửa xe của gia đình gia đình vẫn còn cắm nguyên chìa khóa, Vinh ngồi vào ghế lái và nổ máy để nghe nhạc.
Thấy đèn nháy báo đỏ, Vinh lái đến gara để sửa lỗi. Khi điều khiển xe, phát hiện xe máy phía trước của ông Trần Viết Tiến đang đi ngược chiều đến, Vinh vội đạp phanh nhưng do cuống nên đã đạp nhầm vào chân ga. Chiếc xe ô tô đã đâm thẳng vào xe máy của ông Tiến, làm ông và cháu gái bị hất văng về phía vỉa hè. Vinh tiếp tục đâm xe vào bà Nguyễn Thị Chúc đang đi bộ rồi liên tiếp gây nên những thiệt hại về tài sản.
Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn ở Ái Mộ, Long Biên, lái xe được xác định có hơi men trong khi điều khiển xe.
Qua quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, Nguyễn Quang Vinh không có bằng lái, điều khiển xe trong tình trạng say rượu. Thậm chí, sau khi gây ra tai nạn, Vinh hoảng sợ bỏ chạy về nhà và tiếp tục… uống rượu để lấy lại bình tĩnh.
Hàng ngày, trên các trang mạng xã hội nhan nhản những hình ảnh về tai nạn do sử dụng bia rượu. Khi bị “ma men” điều khiển, con người dễ mất kiểm soát, không tỉnh táo, dễ gây tai nạn. Nước mắt không chỉ rơi để tiễn đưa, xót thương người ra đi. Đó còn là nước mắt đớn đau, khóc vì những nỗi ám ảnh cứ mãi bủa vây người ở lại.
Có quá nhiều bài học đắt giá từ việc uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông, gây ra tai nạn thương tâm. Nhưng cứ dịp Tết đến Xuân về, người ta vẫn tìm đủ lý do để tổ chức các cuộc rượu tới "bến" cùng hàng trăm nghìn nguyên nhân để uống cạn, uống đến say mèm.
Đã đến lúc mỗi người trong chúng ta phải tự ý thức để bảo vệ những người thân và bảo vệ cho cuộc sống của chính mình.
Hoàng Ngọc