(Dân trí) - Đình Tây Đằng (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) là di sản kiến trúc gỗ bậc nhất xứ Đoài ở, đồng thời là một trong sáu ngôi đình tiêu biểu của miền bắc.
CHIÊM NGƯỠNG TUYỆT TÁC CHẠM KHẮC HƠN 400 NĂM TUỔI TẠI HÀ NỘI
Đình Tây Đằng (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) là di sản kiến trúc gỗ bậc nhất xứ Đoài, là một trong sáu ngôi đình tiêu biểu của miền bắc.
Đình Tây Đằng nhằm hướng Tây, trùng với "Đoài" là quẻ thứ 8 trong bát quái ứng với hướng Tây, giống bố cục chung hệ thống đình cổ của vùng Bắc Bộ. Tính đến nay đình đã tồn tại gần 500 năm và luôn là niềm tự hào của người dân xứ Đoài giàu truyền thống văn hóa.
Đình có bố cục hình chữ Nhất. Hệ thống các ván gió trong đại đình được chạm khắc phong phú đến mức nhiều người quên mất công năng kiến trúc của chúng. Hệ thống này chạm khắc các đề tài đậm tính mỹ thuật dân gian của thời Mạc còn lưu hình ảnh trai gái tự tình, cảnh gánh con, tượng tiên - rồng và các chi tiết trang trí đấu củng. Toàn bộ tòa đại đình có 48 cột gỗ lớn nhỏ nâng đỡ phần mái.
Đại đình gồm 3 gian 2 chái, hệ cột cái cỡ đại nâng toàn bộ nóc mái ngôi đình.
Vì nóc ở Tây Đằng được thiết kế theo kiểu “giá chiêng”, vẫn còn giữ được lá đề, trang trí hai mặt đề tài tiên, rồng, phượng.
Trong kiến trúc thời Mạc, cột trụ hai bên lá đề thường được chạm khắc tinh xảo các đề tài thần tiên, con người và linh vật, muông thú. Trên nhiều cấu kiện kiến trúc khác cũng xuất hiện những mảng chạm khắc nhỏ với nhiều đề tài phong phú như chèo thuyền, nghê, rồng, cưỡi voi, cưỡi sư tử...
Các bức chạm đình Tây Đằng dùng gỗ mít nên các chi tiết trang trí vì kèo có phong cách thanh thoát, mảnh khỏe và mềm mại hơn lối chạm trên nền gỗ lim ở các thời kỳ sau.
Một trong những chi tiết chạm trổ tiêu biểu của nghệ thuật thời Mạc là hình tượng rồng trên hệ đầu dư ở gian đại đình. Rồng thể hiện theo tỉ lệ nhỏ, đao dài mềm mại, uyển chuyển sống động. Ở một số đầu dư, rồng hướng mặt vào gian giữa.
Tòa đại đình với hệ cột trụ mang biểu tượng nghê chầu, phượng múa đặc sắc trên chóp cột.
Giếng đình với phần cổ giếng xây bằng đá ong, hiện tại nước lúc nào cũng đầy và trong vắt.
Kiến trúc của đình gồm: cổng đình, hồ bán nguyệt, nghi môn, tả mạc - hữu mạc, đại đình, giếng đình và một số hạng mục phụ trợ khác.
Các mảng chạm khắc trang trí trên kết cấu gỗ của đình Tây Đằng, như tại đầu dư, cốn, xà nách, bẩy, đấu, ván nong, ván lá đề, con rường, vì nóc… được tạo tác qua kỹ thuật chạm lộng, chạm bong kênh, chạm nổi, chạm thủng đã đạt đến đỉnh cao, tạo nên những tuyệt tác điêu khắc.
Tại gian giữa tòa đại đình, phía trước bài trí sập thờ, hương án, án gian và các đồ thờ tự. Gian chái bên phải đình đặt ban thờ quan Bộ Hộ, các gian bên được để trống, tạo không gian rộng rãi cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã. Đình Tây Đằng hiện còn bảo tồn được tương đối nguyên vẹn hệ thống cánh gà có niên đại sớm nhất và hiếm thấy trong di tích cổ truyền ở nước ta.
Đình Tây Đằng thờ ba vị Thành hoàng: Tản Viên, Cao Sơn và Quí Minh, những vị anh hùng văn hoá, biểu trưng cho sức mạnh của dân tộc trong việc chế ngự thiên tai, lũ lụt và chống giặc ngoại xâm...