Kinh nghiệm lái xe từ tình huống thực tế:

Ô tô con tạt đầu xe tải để sang đường, tài xế phanh "nhấc người"

Nhật Minh

(Dân trí) - Tình huống va chạm trong clip để lại bài học kinh nghiệm kiểu "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", nhưng nhiều tài xế vẫn mắc phải.

Tình huống diễn ra vào ngày 11/3 và được camera hành trình của xe tải ghi lại.

Theo đó, chiếc ô tô con hiệu Mercedes ở bên phải đã lách qua khe hẹp, tạt ngang qua đầu ô tô tải để sang đường, dẫn tới va chạm. Những gì diễn ra sau đó cũng rất đáng bàn.

Ô tô con tạt đầu xe tải để sang đường, tài xế phanh "nhấc người" (Video: OFFB).

"May mà bên trái xe tải không có xe khác lao tới vào đúng lúc đó, chứ không thì ô tô con còn hứng va chạm mạnh hơn. Tài xế xe con xuống xe để giải quyết va chạm mà không bật đèn cảnh báo khẩn cấp, quá nguy hiểm", nick Tuấn Quang bình luận sau khi xem video được chia sẻ trên mạng xã hội.

Đồng quan điểm, tài khoản Facebook Nguyễn Hoàng viết: "Xe con sai thì rõ rồi, nhưng theo tôi, bác tài xe tải cũng nên lấy đây làm bài học. Thấy xe con đi xiên đầu sang trái như vậy mà bên kia là chỗ sang đường thì phải phán đoán được ngay là sắp tạt sang rồi".

Đáp lại ý kiến trên, thành viên có tên Minh Hùng nêu quan điểm: "Video là góc quay của camera lắp trên trần xe, cao hơn vị trí ghế lái, nên có thể lúc đó bác tài hoàn toàn không nhìn thấy xe con".

Tình huống trong clip trên trước tiên là minh họa rõ ràng về điểm mù của xe cỡ lớn. 

Với đặc thù kích thước và trọng lượng của xe tải lớn và các loại xe siêu trường, siêu trọng, tầm quan sát của người lái bị hạn chế hơn so với xe cỡ nhỏ. Một vài vị trí ở khu vực đầu xe, hai bên hông được gọi là điểm mù - vùng mà tài xế không thể quan sát.

Ô tô con tạt đầu xe tải để sang đường, tài xế phanh nhấc người - 1

Vùng màu đỏ thể hiện các điểm mù của xe cỡ lớn khi tham gia giao thông (Ảnh minh họa: ST).

Nhiều mẫu xe được trang bị hệ thống phát hiện điểm mù, giúp giảm nguy cơ va chạm do điểm mù bằng cách phát tín hiệu cảnh báo nếu có chướng ngại vật nằm trong vùng tài xế không thể quan sát qua gương hay bằng mắt thường.

Tuy nhiên, ngay cả khi xe có các công cụ hỗ trợ quan sát tối đa, gồm gương, camera và cảm biến, chỉ có sự cẩn trọng mới giúp được tài xế tránh nguy cơ tai nạn.

Khi quay đầu xe hoặc chuyển làn, tài xế phải giảm tốc độ và cẩn thận quan sát hai bên xe, hoặc thậm chí là quay đầu sang để liếc nhanh bên hông xe, tránh nguy cơ va chạm với các xe nhỏ hơn di chuyển bên cạnh.

Trong khi đó, các phương tiện giao thông nhỏ hơn cần tránh di chuyển vào vùng điểm mù của xe cỡ lớn. Ngoài ra, cần tránh di chuyển quá gần hoặc chạy song song với các loại xe này. Nếu không tránh được, hãy cố gắng đảm bảo rằng xe của bạn lọt vào gương chiếu hậu của xe cỡ lớn, để người lái có thể nhìn thấy.

Thứ hai, do trọng tải nặng, xe tải, xe container có lực quán tính rất lớn, không thể lập tức dừng lại khi tài xế đạp phanh. Vì thế khi lưu thông trên đường, nên giữ khoảng cách an toàn với loại xe này, để hạn chế nguy cơ va chạm hoặc giảm mức độ thiệt hại.

Thứ ba, clip trên cho thấy người ngồi ở ghế phụ của ô tô tải đã không cài dây an toàn, nên khi xe phanh gấp, người đã nhao về phía trước.

Dây an toàn được thiết kế để giữ chặt người ngồi ghế khi không may xảy ra va chạm, thay vì lao lên phía trước, đập vào các bộ phận cứng trên xe, như kính chắn gió, vô-lăng, bảng đồng hồ, cửa sổ, lưng ghế trước..., hoặc thậm chí là văng ra khỏi xe nếu xảy ra va chạm mạnh. 

Vì thế, cả người ngồi hàng ghế phía trước hay phía sau trên ô tô đều nên cài dây an toàn để tuân thủ pháp luật và bảo vệ tính mạng của bản thân.

Thứ tư, khi có ý định rẽ trái, rẽ phải hoặc sang đường, hãy di chuyển sớm sang làn ngoài cùng bên trái hoặc bên phải để tránh tình huống tạt đầu các xe khác, vừa hại mình vừa hại người. Khi chuyển làn, cần lưu ý chuyển từng làn một, không chuyển nhiều làn cùng lúc, và nên đi chéo, thay vì vuông góc, cắt qua nhiều làn đường.

Cuối cùng, khi xảy ra va chạm, trước khi xuống xe hãy nhớ bật đèn cảnh báo khẩn cấp để tài xế các xe khác có thể quan sát từ xa, tránh dẫn tới tai nạn liên hoàn.