Người đàn ông ở Hà Nội cưới vợ 3 lần mới hiểu vì sao hôn nhân tan vỡ

Hồng Anh

(Dân trí) - Trải qua 2 cuộc hôn nhân đổ vỡ, anh Hùng nhận ra những thiếu sót của bản thân và quyết định thay đổi khi đến với người vợ thứ ba.

Sau đổ vỡ mới nhận ra điều cần trân trọng

Anh Vũ Trọng Hùng (ở Hà Nội) 2 lần tìm đến một văn phòng luật sư cùng với một lý do: Giải quyết chuyện ly hôn.

Cách đây hơn 10 năm, anh Hùng (SN 1980) kết hôn lần thứ nhất với chị Thu Thủy, kém anh 2 tuổi. Anh Hùng là con một nên sau khi cưới, vợ chồng anh ở cùng bố mẹ để tiện bề chăm sóc. Năm 2016, anh Hùng sang Nhật Bản xuất khẩu lao động, còn chị Thủy ở nhà đi làm.

Không có chồng bên cạnh, chị Thủy không khỏi buồn tủi, chạnh lòng. Nhưng nghĩ đến tương lai của cả hai, chị luôn động viên mình và chồng cùng cố gắng vượt qua nỗi nhớ nhung, qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Khi trò chuyện, luật sư tư vấn mới nhận thấy, cuộc sống chung với mẹ chồng không dễ dàng gì khi người vợ thường xuyên bị soi mói đủ chuyện, từ thói quen sinh hoạt đến giờ giấc đi về, số công-tơ-mét trên xe máy di chuyển... Đôi khi chị Thủy đi làm về quên cất giầy dép vào vị trí, quên dọn đồ trên tầng thượng cũng bị mẹ chồng chì chiết...

Người đàn ông ở Hà Nội cưới vợ 3 lần mới hiểu vì sao hôn nhân tan vỡ - 1

Các cặp vợ chồng không tránh khỏi mâu thuẫn trong hôn nhân (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Cuộc sống chung ngột ngạt khiến chị Thủy vô cùng mệt mỏi. Đã thế, chị còn không được cầm những đồng lương mà chồng gửi về từ nước ngoài bởi anh Hùng chỉ tin tưởng giao tiền cho bố mẹ.

Kết hôn 2 năm, cặp đôi quyết định ly hôn khi chưa vướng bận con cái. Anh Hùng không khỏi suy sụp.

Lần kết hôn thứ hai, người đàn ông này rút kinh nghiệm đưa vợ sang Nhật Bản sống cùng. Tuy nhiên, khi cả hai có con, vì thời tiết quá lạnh, người vợ quyết định đưa con về nước trước.

Sự xa cách cộng với việc không được quyết định về kinh tế gia đình khiến người vợ thứ hai cảm thấy mình không khác gì một người giúp việc ở nhà chồng. Cuộc hôn nhân vì thế cũng đi đến tan vỡ dù anh Hùng và vợ đã có con chung.

"Mới đây, anh Hùng đã kết hôn lần thứ ba. Lấy vợ lần ba và sau 2 cuộc hôn nhân đổ vỡ, người đàn ông này nhận ra bản thân phải đặt niềm tin vào vợ.

Anh không chỉ trao cho vợ quyền tay hòm chìa khóa mà còn dần tháo gỡ những mâu thuẫn về mối quan hệ con dâu - nhà chồng, gần gũi cả vợ và bố mẹ để đôi bên chia sẻ, thấu hiểu nhau hơn", vị đại diện văn phòng luật chia sẻ.

Khi người chồng quá yêu tiền của mình

Từng tư vấn cho nhiều cặp đôi khi đối diện với nguy cơ hôn nhân tan vỡ, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Công ty Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt cho biết, trường hợp những người chồng như anh Hùng không phải là hiếm gặp trong đời sống.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm, nhiều người đàn ông rất hiền lành, chăm chỉ, không bồ bịch nhưng có thể vẫn khiến vợ muốn ly hôn bởi lý do quá yêu tiền của mình.

"Thời gian qua, tỷ lệ ly hôn tăng cao, tỷ lệ phụ nữ đơn phương ly hôn năm sau nhiều hơn năm trước bởi nhiều lý do. Một trong những lý do chính là áp lực về tài chính.

Cuộc sống ở các thành phố lớn đắt đỏ, "củi quế gạo châu". Khi người đàn ông không chia sẻ, người phụ nữ cảm thấy quá tải sẽ không muốn giữ hôn nhân nữa", chị Tâm nói.

Nữ thạc sĩ kể về trường hợp của một phụ nữ tên M. Chị M. kết hôn 20 năm, con đã đi học đại học nhưng chị chưa từng biết đến đồng lương của chồng. Lương của chồng chị M. rất cao, mấy chục triệu đồng mỗi tháng nhưng không khi nào anh này đưa cho vợ một đồng mà chỉ cất đi làm quỹ riêng hoặc chi dùng cho nhu cầu của mình.

Thời gian trước, công việc chị M. còn ổn định nên chị có thể cáng đáng được chi tiêu gia đình. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, thu nhập ảnh hưởng, trong khi giá cả mỗi năm mỗi tăng, nhiều lúc chị M. cảm thấy bế tắc khi bản thân vừa phải nuôi con, lại phải nuôi cả chồng.

"Khi vợ than phiền tiền mua thức ăn đắt đỏ, chồng liền hỏi đắt thì đừng mua nữa… Câu nói vô trách nhiệm và thể hiện sự bàng quan, không quan tâm tới đời sống gia đình. Chịu đựng mãi như vậy, người vợ đâm ra chán nản, không còn cảm xúc vợ chồng và nghĩ tới việc ly hôn", Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm cho hay.

Người đàn ông ở Hà Nội cưới vợ 3 lần mới hiểu vì sao hôn nhân tan vỡ - 2

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm, hôn nhân cần sự đồng điệu, chia sẻ và không ngừng hoàn thiện bản thân (Ảnh: H. A).

Câu chuyện của anh Hùng hay chị M. mà phóng viên ghi nhận được chỉ là một vài trong hàng trăm nghìn trường hợp ly hôn ở nước ta thời gian qua. Bởi kết quả Điều tra giữa kỳ dân số và nhà ở năm 2024 của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy TPHCM và Hà Nội là hai địa phương có tỷ lệ ly hôn cao nhất cả nước.

Cụ thể, TPHCM có 263.300 người ly hôn, trong đó có 99.700 nam và 163.600 nữ. Hà Nội có hơn 146.400 người ly hôn, số người nữ cũng nhiều hơn số người nam. 

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm, một cuộc hôn nhân muốn bền vững đòi hỏi 2 người phải nỗ lực yêu thương nhau, cùng nhau vun bồi cảm xúc tích cực. Cuộc hôn nhân ấy cần xuất phát từ tình yêu thực sự, xây dựng gia đình dựa trên sự thấu hiểu và niềm tin, hòa hợp từ tính cách đến sở thích, thói quen.

Nếu chỉ đến với nhau vì những cảm xúc nhất thời, sống thiếu trách nhiệm và sự tin tưởng thì sớm muộn các cặp vợ chồng cũng ai đi đường nấy. Bên cạnh đó, mỗi người cần không ngừng hoàn thiện, phát triển bản thân để giữ được sự tôn trọng trong mắt người kia.

Trong hôn nhân, mỗi người đều phải có trách nhiệm, việc đóng góp kinh tế thể hiện mong muốn xây dựng hạnh phúc gia đình, sự quan tâm đến vợ con, muốn san sẻ bớt gánh nặng về kinh tế và dành cho vợ con những điều tốt đẹp nhất.

(Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi).