Chàng trai TPHCM đi làm bằng Metro, tiết kiệm đủ ăn 4 đĩa cơm tấm/ngày

Cẩm Tiên

(Dân trí) - "Tôi thấy Metro số 1 là lựa chọn tuyệt vời để tránh ùn tắc giao thông", anh Huỳnh Đắc Thọ (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ sau khi cân nhắc 5 lộ trình khác nhau để di chuyển từ nhà đến cơ quan.

Những ngày này, nhiều người dân TPHCM bước vào nhịp sống mới khi lần đầu tiên đi làm, đi học bằng tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Không chỉ giúp giảm bớt nỗi ám ảnh kẹt xe buổi sáng, tuyến tàu còn mang đến cho người dân trải nghiệm thoải mái hơn, thú vị hơn.

Trong số những người thay đổi lộ trình di chuyển hằng ngày nhờ tuyến Metro số 1 có anh Huỳnh Đắc Thọ (33 tuổi), sống tại phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức) và làm việc tại một công ty sản xuất phim ở quận 1.

Với vị trí nhà gần khu vực đảo Kim Cương và UBND TP Thủ Đức, anh Thọ đã thử nghiệm nhiều cách đi lại để tìm kiếm phương án di chuyển tối ưu giữa nhà và nơi làm việc của mình. 

Thử 5 cách di chuyển bằng Metro số 1

Anh Thọ kể: "Trước đây, tôi chủ yếu đi ô tô công nghệ, nhưng sau khi tuyến Metro số 1 của TPHCM đi vào hoạt động, tôi quyết định thử nhiều cách khác nhau để so sánh chi phí, thời gian và sự thuận tiện".

Đầu tiên, anh Đắc Thọ cân nhắc về việc đi xe buýt đến ga Metro. "Tuyến D4 rất tiện vì có điểm đón ngay trước nhà. Tôi đi xe buýt thẳng đến đường Hàm Nghi (quận 1) rồi đi bộ thêm 1km để đến công ty. Cách này tốn chỉ 7.000 đồng nhưng khá mất thời gian vì quãng đường đi bộ dài", anh nói.

Cách thứ hai - cũng là cách anh Thọ thường xuyên sử dụng - là di chuyển bằng xe công nghệ. Xe máy công nghệ từ nhà anh đến quận 1 tốn khoảng 36.000 đồng, còn xe hơi công nghệ thì đắt hơn, dao động khoảng 80.000-90.000 đồng/chuyến. Tuy nhiên, cách này tốn khá nhiều chi phí, đồng thời vào giờ cao điểm rất khó để gọi được xe.

"Một lộ trình di chuyển khác là đi xe buýt D4 đến đường Hàm Nghi, sau đó đi bộ 400m đến ga Bến Thành, lên Metro số 1, di chuyển 2 trạm đến ga Ba Son, rồi đi bộ tiếp khoảng 500m. Tổng chi phí tầm 13.000 đồng. Cách này khá tiết kiệm và thú vị nhưng tốn nhiều thời gian và quãng đường đi bộ cũng gần 1km", anh Thọ chia sẻ.

Cách thứ tư anh Thọ kết hợp giữa xe công nghệ và tàu điện. Anh nói: "Tôi bắt ô tô công nghệ đến ga Metro Thảo Điền, rồi đi tàu từ đó đến ga Ba Son. Tuy nhiên, cách này tốn đến 36.000 đồng và mất hơn một tiếng, cũng không phải là lựa chọn tối ưu".

Chàng trai TPHCM đi làm bằng Metro, tiết kiệm đủ ăn 4 đĩa cơm tấm/ngày - 1

Sau khi so sánh 5 phương án di chuyển, anh Huỳnh Đắc Thọ thấy việc đi làm bằng xe buýt kết hợp với Metro có nhiều thuận lợi (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Phương án cuối cùng - cũng là lựa chọn anh Thọ xem là phù hợp nhất - chính là đi xe buýt kết hợp Metro. Anh Thọ cho biết: "Tôi chọn cách này vì trạm xe buýt cách nhà chỉ 400m, tôi xuống ga Rạch Chiếc rồi đi tàu đến ga Ba Son, sau đó đi bộ 300m đến công ty. Dù phải đi vòng xa hơn và mất khoảng 40 phút, nhưng tôi thấy ổn vì đường đi bộ ngắn, kết hợp xe buýt - tàu điện rất hợp lý".

Nếu tính vào thời điểm tuyến Metro số 1 bắt đầu tính phí, thì mỗi lượt đi làm theo lộ trình này của anh Thọ tốn khoảng 12.000 đồng. Như vậy, so với thói quen hiện tại, mỗi ngày anh Thọ có thể tiết kiệm trên 136.000 đồng.

"Nếu tính ra, mỗi ngày tôi tiết kiệm được... 4 đĩa cơm tấm (30.000 đồng/đĩa). Tôi thấy đó là một con số không nhỏ. Tiết kiệm lại không phải lo kẹt xe", anh Thọ chia sẻ.

Đi tàu điện giúp "giảm căng thẳng vì kẹt xe"

"Tôi thấy Metro số 1 là lựa chọn tuyệt vời để tránh ùn tắc giao thông. Tôi không quá quan tâm đến việc tiết kiệm chi phí vì nếu cần nhanh, tôi vẫn chọn di chuyển bằng xe công nghệ. Nhưng đi tàu điện giúp tôi không bị căng thẳng vì kẹt xe", anh Thọ cho biết.

Một lý do quan trọng nữa khiến anh Thọ chọn cách di chuyển này là cơ hội vận động. Anh nói: "Tôi đi bộ nhiều hơn một chút, coi như tập thể dục mỗi ngày. Đặc biệt, với lịch làm việc không cố định, tôi dễ dàng tránh giờ cao điểm. Bây giờ, dù tàu thử nghiệm có khá đông người đi, tôi vẫn thấy thoải mái".

Ngoài ra, anh Thọ cũng cho biết tuyến đường từ trạm xe buýt đến nhà anh khá sạch đẹp, an ninh nên việc đi bộ cũng khiến anh thấy an tâm, thoải mái.

"Thêm nữa, trong những ngày khó gọi xe như đêm Giáng sinh, tôi có thể dùng Metro để rời trung tâm rồi bắt xe công nghệ về nhà khá thuận tiện", anh Thọ bày tỏ.

Chàng trai TPHCM đi làm bằng Metro, tiết kiệm đủ ăn 4 đĩa cơm tấm/ngày - 2

Anh Thọ cho rằng hạn chế duy nhất anh gặp phải là các tuyến buýt dừng hoạt động sớm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Dù vậy, anh Thọ thừa nhận, phương án di chuyển của mình vẫn có những điểm hạn chế. Anh nói: "Xe buýt ngừng chạy khá sớm nên nếu về trễ, tôi phải chuyển sang xe công nghệ. Nhưng nhìn chung, Metro số 1 rất tiện. Tôi tin trong tương lai, với thêm nhiều tàu chạy, dịch vụ sẽ tốt hơn. Đây chắc chắn là lựa chọn lâu dài của tôi".

Với trải nghiệm tích cực từ Metro số 1, anh Huỳnh Đắc Thọ đang dần thay đổi thói quen di chuyển. Từ một người chỉ quen đi xe công nghệ, giờ đây anh đã tìm thấy sự hài lòng khi kết hợp các phương tiện công cộng.

Hành trình của anh không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn góp phần giảm tải giao thông và tạo nên lối sống lành mạnh hơn giữa lòng TPHCM nhộn nhịp. Một sự thay đổi nhỏ nhưng tạo nên cảm giác mới mẻ cho chính anh trên những toa tàu hiện đại.

Metro Bến Thành - Suối Tiên là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên tại TPHCM, dài 19,7km, kết nối quận 1 với các khu vực phía Đông như Bình Thạnh và TP Thủ Đức.

Trong giai đoạn đầu, Metro số 1 hoạt động từ 5h đến 22h hằng ngày, với 9 đoàn tàu chạy cách nhau 8-12 phút, thực hiện 200 chuyến mỗi ngày. Mỗi đoàn tàu có sức chứa tối đa 930 khách, đạt tốc độ 110km/h trên cao và 80km/h đoạn ngầm.

Từ 22/12/2024 đến 20/1/2025, hành khách được miễn phí hoàn toàn khi sử dụng tuyến Metro này. Sau đó, giá vé dao động 6.000-20.000 đồng/lượt (tùy quãng đường và hình thức thanh toán).

Ngoài ra, tuyến Metro số 1 cũng có các loại vé ngày (40.000 đồng), vé 3 ngày (90.000 đồng) và vé tháng (300.000 đồng và 150.000 đồng cho học sinh, sinh viên) để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Dòng sự kiện: Metro số 1 TPHCM