Mệt mỏi vì tắc đường, chàng trai ở TPHCM bỏ ô tô bắt xe ôm công nghệ đi làm

Mộc Khải Cẩm Tiên

(Dân trí) - Những ngày qua, tình trạng kẹt xe tại TPHCM khiến người dân lao đao vì thời gian di chuyển kéo dài. Nhiều người phải thay đổi thói quen, chật vật thích nghi giữa "cơn ác mộng" ùn tắc giao thông.

Thời gian di chuyển nhân đôi

Những ngày đầu năm tại TPHCM, việc di chuyển trở thành nỗi ám ảnh của không ít người, đặc biệt là những ai có công việc yêu cầu thời gian chính xác và di chuyển liên tục.

Anh Quang Huy (quận 7) là MC có kinh nghiệm lâu năm, đã phải thay đổi thói quen di chuyển để kịp giờ làm giữa "cơn ác mộng" tắc đường.

Ngày 10/1, anh Huy có lịch dẫn chương trình tại nhà hàng trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình). Bình thường, từ nhà riêng ở khu Phú Mỹ Hưng (quận 7) đến nơi làm việc, anh Huy chỉ mất khoảng 45 phút đi ô tô. Song, hôm đó, khi kiểm tra bản đồ, thời gian di chuyển ước tính lên đến hơn 1 tiếng.

"Thời gian ước tính còn chưa kể nguy cơ trễ giờ. Tôi buộc phải chuyển sang đi xe ôm công nghệ. Đó là lần đầu tiên tôi "chạy show" bằng xe ôm công nghệ", anh Huy nhớ lại.

Việc phải lựa chọn xe máy thay cho ô tô vốn là điều anh Huy ít khi nghĩ tới bởi đặc thù nghề MC yêu cầu trang điểm chỉn chu, trang phục sạch sẽ, chỉnh tề. Khi bước lên xe, anh mới thực sự thấm thía áp lực của giao thông thành phố.

Anh kể: "Tôi sống ở TPHCM từ nhỏ, nhưng chưa bao giờ thấy đường phố đông đúc đến thế, trừ những dịp đặc biệt như giao thừa. Mọi người chen chúc nhích từng chút một. Đến lúc xong việc và về nhà vào 22h30, tôi phải chờ đến 30 phút mới gọi được xe. Vậy mà đường phố vẫn chật kín xe cộ".

"Bình thường, vào buổi tối, đường phố rất thông thoáng, nhưng tôi phải mất cả tiếng trên xe máy mới về được đến nhà", anh Huy than thở.

Anh Quang Huy cho rằng, một trong những giải pháp tạm thời nhằm giảm ùn tắc giao thông là cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ tại những giao lộ đủ điều kiện an toàn. Như vậy sẽ giúp người dân di chuyển thuận tiện hơn, giảm áp lực giao thông.

Mệt mỏi vì tắc đường, chàng trai ở TPHCM bỏ ô tô bắt xe ôm công nghệ đi làm - 1

Người dân đội nắng trên đường Phan Đình Phùng (Phú Nhuận) vì cảnh kẹt xe kéo dài (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Không chỉ anh Quang Huy, mà nhiều người dân TPHCM cũng mệt mỏi với tình trạng tắc đường dịp cuối năm Giáp Thìn.

Anh Lê Hoàng Tuấn (quận 11) làm trong ngành kinh doanh thực phẩm xuất khẩu, cho biết các chuyến xe tải chở hàng từ xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) đến trung tâm thành phố như quận 1 hay quận 10, gần đây thường mất gần gấp đôi thời gian.

"Trước đây, mỗi chuyến xe chỉ mất hơn 1 tiếng, giờ phải gần 3 tiếng mới đi tới. Các tài xế không ngừng than phiền về ùn tắc tại các nút giao", anh Tuấn chia sẻ

Là người thường xuyên phải gặp gỡ đối tác, khách hàng, anh Tuấn cũng chia sẻ áp lực khi phải tính toán thời gian sao cho hợp lý để không bị trễ hẹn.

"Tôi cảm nhận vào giờ cao điểm, di chuyển mất nhiều thời gian hơn trước rất nhiều. Ngay cả những khung giờ được cho là ít tắc đường, một số tuyến đường vẫn rơi vào tình trạng đông đúc. Cuối năm, lượng xe tải giao hàng tăng cao có lẽ là một trong những nguyên nhân", anh nhận định.

Anh Tuấn cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan, một phần tình trạng kẹt xe nghiêm trọng hiện nay là do ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao. Luật mới về xử phạt vi phạm giao thông được áp dụng gần đây với các mức phạt nghiêm khắc hơn được kỳ vọng sẽ dần đưa mọi thứ vào trật tự.

"Nhiều năm qua, người dân đã quen chạy ẩu, vượt đèn, leo lề. Bây giờ, luật nghiêm khắc hơn, mức phạt cao hơn buộc mọi người phải chấp hành. Ban đầu chắc chắn có chút bỡ ngỡ, nhưng thời gian tới mong mọi thứ sẽ ổn hơn.

Ngoài ý thức của người dân thì việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, phân luồng hợp lý là những yếu tố quyết định để giải quyết tình trạng kẹt xe", anh Tuấn nói.

Tài xế "đình công"

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, những ngày qua, nhiều tuyến đường tại TPHCM kẹt xe cả ngày lẫn đêm. Nhiều giao lộ luôn trong tình trạng ùn ứ kéo dài.

Trên các tuyến đường Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ, Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan (quận 3); Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thị Minh Khai, Trương Định (quận 1 và quận 3); Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, khu vực Ngã sáu Phù Đổng (quận 1), Phạm Văn Đồng (Gò Vấp), Phan Đình Phùng (Phú Nhuận)... xe phải nhích từng chút một.

Mệt mỏi vì tắc đường, chàng trai ở TPHCM bỏ ô tô bắt xe ôm công nghệ đi làm - 2

Hết giờ cao điểm, nhiều tuyến đường tại TPHCM vẫn ùn tắc (Ảnh: Hải Long).

Đáng nói, tình hình ùn tắc giao thông không chỉ khiến người dân chán nản trong thời gian đi làm và tan làm, mà còn khiến cả những người vốn làm nghề lái xe hoang mang, thậm chí chọn "đình công".

Trên các hội nhóm xe công nghệ, nhiều tài xế cho biết họ đành "bó tay", chọn tắt ứng dụng, không nhận khách sau nhiều cuốc xe phải nhích từng chút một, mất gần 1 tiếng đồng hồ để di chuyển đoạn đường chỉ hơn 3km.

Không ít người còn than thở, có những hôm đã hơn 23h, đường sá vẫn chưa thông thoáng như ngày thường. Cũng vì tình trạng này, nhiều người dân đi làm với phương tiện chính là xe ôm công nghệ đã phải lao đao.

Chị Thu Hồng (Tân Bình) đang mang thai ở tháng thứ 3, còn đang trong giai đoạn nghén, nên chọn đi làm bằng xe công nghệ thời gian qua. Song, những ngày TPHCM rơi vào cảnh tắc đường, chị không biết phải xoay xở thế nào khi chị đặt xe đi làm nhưng đợi mãi mà không có tài xế nào nhận.

Mệt mỏi vì tắc đường, chàng trai ở TPHCM bỏ ô tô bắt xe ôm công nghệ đi làm - 3

Mỗi lần cần di chuyển, chị Hồng phải đợi hơn 30 phút (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Tôi cũng biết thành phố đang gặp tình trạng kẹt xe, nhưng không nghĩ đến mức độ đặt xe công nghệ cũng khó. Đoạn đường đi làm của tôi chỉ khoảng 4km, nhưng dù là xe máy hay ô tô, tôi cũng phải đợi rất lâu mới có chuyến. Nhiều lúc tôi phải bỏ cuộc, tự chạy xe máy đi làm với tâm trạng mệt mỏi", chị Hồng chia sẻ.

Chị Hồng cho rằng, tại các giao điểm thường xuyên tắc đường, cần bổ sung lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết để giảm áp lực ùn tắc giao thông, giúp cuộc sống của người dân ổn định và nhẹ nhàng hơn.