(Dân trí) - Với nhiều bạn trẻ ở tuổi 26, họ ấp ủ nhiều hoài bão cùng những thành công rực rỡ, thì với Nguyễn Trọng Khang hành trình chiến thắng bản thân trở thành hoạ sỹ là thành công ngoạn mục nhất trong đời!
Khiếm thính từ nhỏ nhưng Nguyễn Trọng Khang (26 tuổi, Hà Nội) đã không đầu hàng số phận. Không chỉ nỗ lực hòa nhập với cuộc sống, em còn từng bước thực hiện được ước mơ cháy bỏng là trở thành họa sỹ. Đến giờ Khang đã là sinh viên năm thứ 5, khoa Hội họa (ĐH Mỹ Thuật Việt Nam). Hành trình chiến thắng số phận của Khang vẫn được nhiều người ví như một phép màu!
Hẹn gặp Khang vào một ngày cuối tháng 10, đúng thời điểm em đang có tranh trưng bày tại triển lãm “In độc bản và Video art” tại trường ĐH Mỹ Thuật Việt Nam.
Nhìn chàng trai 9x với khuôn mặt khôi ngô, tự tin ít ai nghĩ Khang là một cậu bé khiếm thính, đã phải trải qua một chặng đường đầy gian nan mà có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua.
Chia sẻ với Pv Dân Trí, chị Hải Vân - mẹ Trọng Khang không nén được xúc động. Nhìn lại quãng thời gian đồng hành cùng con, chị không dám tin mọi thứ của ngày hôm nay lại trở thành sự thật!
Ngay từ khi Khang 7 tháng tuổi, bố mẹ em đã có linh cảm và nhận thấy con mình có nhiều điều khác lạ. Khang không phản ứng với âm thanh, ngôn ngữ, không hóng chuyện hay vui vẻ trêu đùa với người thân như những đứa trẻ bình thường khác. Lo Lắng, bất an, vợ chồng chị Vân đưa con đi khám thì nhận được kết luận: “Con mắc khiếm thính bẩm sinh ở mức độ nặng”.
Đau đớn tưởng chừng như mọi thứ sụp đổ nhưng chị Vân không đành lòng chấp nhận số phận. Vợ chồng chị lặn lội tìm gặp nhiều chuyên gia đầu ngành để tìm phương án chữa trị cho con.
“Thời điểm đó, với những đứa trẻ khiếm thính như Khang ở Việt Nam không có cách điều trị, tức là các con sẽ phải chấp nhận bị khiếm khuyết và vĩnh viễn không thể nghe thấy âm thanh của cuộc sống”, chị Vân xúc động nói.
May mắn, vợ chồng chị được một vị giáo sư giới thiệu về phương pháp cấy ốc tai điện tử ở Hồng Kông. Đây như chiếc phao cứu sinh khiến cả nhà chị nuôi hy vọng vào phép màu chữa bệnh cho con. Tuy nhiên, thời điểm đó chi phí để thực hiện biện pháp này vô cùng đắt đỏ, vì thế đến khi Trọng Khang 4 tuổi, cả gia đình mới tích cóp, vay mượn đủ số tiền để đưa Khang sang Hồng Kông chữa bệnh.
“Chỉ vài ngày sau khi con được cấy ốc tai điện tử, Khang đã có những phản ứng với âm thanh. Tôi không thể quên hình ảnh con vui sướng khi chạy theo tiếng máy bay rền vang trên trời giữa sân bệnh viện. Ngắm nhìn con, cảm xúc như vỡ òa, nước mắt cứ thế tuôn rơi...”, chị Vân kể!
Thế nhưng, tất cả khó khăn mới chỉ là bắt đầu...!
Với những đứa trẻ bình thường việc nuôi dạy đã khó, Trọng Khang lại bị nhỡ mất 4 năm “vàng” tiếp nhận âm thanh của cuộc sống nên mọi thứ càng trở nên gian nan gấp bội phần. Con phải học lại từng từ cơ bản nhất nhưng không phải theo cách học thông thường. Từ nào với Khang cũng là từ mới, với một sự việc, vợ chồng chị phải giúp con hiểu sự việc trước rồi mới đưa ngôn ngữ vào sau.
Có những từ đơn giản nhưng con cũng phải học đi học lại nhiều ngày, rồi lại tập bập bẹ phát âm, đánh vần cho tròn vành, rõ chữ. Không biết bao nhiêu lần, Khang cảm thấy bất lực, nản chí khi không thể nói hay diễn tả suy nghĩ của mình. Những lúc đó con khóc, mẹ cũng ôm con khóc òa...!
Có thời điểm cả bố mẹ và con cùng bế tắc, vợ chồng chị phải đi gặp các chuyên gia ngôn ngữ, tâm lý để hiểu con hơn. Bù lại, từ nhỏ Khang là một cậu bé rất nghị lực và không dễ bỏ cuộc trước khó khăn. Có lúc bế tắc, cậu chỉ giam mình trong phòng, tự mình chịu đựng những nỗi buồn rồi lại tìm cách vượt qua mà không muốn phiền đến ai.
Quãng thời gian Khang đi học trên lớp, chị Vân nhờ cô giáo ghi âm bài giảng rồi về nhà hai mẹ con ngồi nghe lại, học từng chút một, con bế tắc ở đâu, khó hiểu chỗ nào hai mẹ con cùng tháo gỡ, tập luyện. Cứ thế, dù khó khăn trong phát âm, nghe, nói nhưng Khang dần hòa nhập được với các bạn, hoàn thành chương trình học tập.
“Ban đầu mình chỉ mơ ước Khang gọi được tiếng: Mẹ ơi, bố ơi... nhưng rồi mọi thứ dần đến như phép màu. Con vào cấp 1, tốt nghiệp tiểu học, rồi lại vào cấp 2, cấp 3... Khang tình cảm, tự lập và rất cố gắng, bài tập trên lớp con về nhà đều làm đi làm lại.
Các bạn có khi chỉ mất một tiếng để làm bài thì Khang phải dành thời gian hơn gấp nhiều lần. Có những đếm 1-2 giờ sáng vẫn thấy phòng con sáng đèn. Nếu mẹ có khuyên nên đi ngủ sớm thì lúc nào Khang cũng lại động viên ngược lại: Mẹ yên tâm, Khang làm được”, chị Vân tâm sự!
Quãng thời gian khủng hoảng nhất là khi Khang học xong cấp 3. Trong khi các bạn cùng trang lứa tíu tít, hứng khởi với các dự định nhập trường đại học, theo đuổi ước mơ của riêng mình thì Khang lại cảm thấy trống rỗng, không biết con đường của mình là ở đâu.
“Với gia đình mình, việc con hoàn thành chương trình cấp 3 đã kỳ tích mà trước đây có trong mơ mình cũng không dám nghĩ. Vì thế, cả gia đình cũng không muốn gây thêm áp lực để con phải mệt mỏi. Tuy nhiên, chính bản thân Khang lại là người mong muốn tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình, dù có gian nan...”, chị Vân nói.
Từ nhỏ Khang đã bộc lộ năng khiếu hội họa, năm 4 tuổi, cậu đã có thể vẽ một bức tranh hoàn chỉnh về mẹ, về những người thân trong gia đình. Tuy nhiên, những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, việc học các môn học trên lớp vô cùng vất vả khiến Khang chưa có điều kiện để theo đuổi đam mê. Trong lúc bế tắc, mất phương hướng nhất, em lại một lần nữa tìm đến cây cọ.
“Hồi còn nhỏ, có thầy giáo xem tranh của em cũng nói có triển vọng nhưng sau này đi học: cấp 1, rồi cấp 2, cấp 3, em thật sự áp lực vì mỗi môn học tưởng chừng bình thường với các bạn lại là mỗi thác ghềnh mà em phải vượt qua.
Vì thế hết cấp 3 em mới có cơ hội để tiến gần hơn với các nét vẽ, thật sơ khai và nghuệch ngoạc, ấy vậy mà cảm giác được giải tỏa, chạm vào ngôn ngữ của chính mình để thể hiện thay cho ngôn từ em muốn nói lúc đó cảm giác vô cùng hạnh phúc, sung sướng.
Em hiểu việc được vẽ chính là đam mê thật sự của mình”, Trọng Khang chia sẻ!
Nhưng chặng đường thực hiện ước mơ trở thành họa sỹ của Khang cũng không hề đơn giản.
Nhiều thầy cô ở lớp dạy vẽ đều từ chối khi biết bệnh tình, hoàn cảnh của em, có người còn gặp riêng chị Hải Vân khuyên nên từ bỏ để chọn sang con đường khác phù hợp hơn với con. Bởi việc học với người bình thường đã khó với một cậu bé gặp khó khăn về nghe, nói như Khang thì gần như là không tưởng.
“Mình không nhớ nổi, hai mẹ con đã bị từ chối bao nhiêu lần, mỗi lần như thế, Khang đều trầm ngâm, tự ti và xuống tinh thần. Có lúc con giam mình trong phòng, thậm chí viết những dòng trạng thái tiêu cực trên mạng xã hội”, chị Vân nhớ lại quãng thời gian khó khăn.
May mắn là, hai mẹ con gặp được thầy Nguyễn Quang Hải (Giảng viên trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam). Thầy Hải đã đồng ý nhận dạy kèm Khang, mục đích là để em tự tin, có thể hòa nhập cuộc sống và xóa bỏ những suy nghĩ tiêu cực của bản thân.
“Ngày đầu tiên gặp Khang đến lớp, tôi cũng không dám nghĩ em có thể theo học lâu dài, chứ chưa nói đến việc em có thể đỗ đại học, rồi lại có thể theo học được cả 5 năm. Đến giờ phút này đối với Khang, thật sự đó là một kỳ tích. Kỳ tích hơn cả là em đã không bỏ cuộc, Khang phải mất 3 năm đi thi mới đậu đại học”, thầy Hải nói.
Chia sẻ về cậu học trò đặc biệt của mình, người thầy này cho hay, khó khăn trong việc nghe nói có thể khiếm khuyết, nhược điểm của Khang nhưng ngược lại đó cũng là ưu điểm để Khang dễ bộc lộ cảm xúc trong những bức tranh của mình. “Khang có tố chất, có đam mê, em có một thế giới riêng giàu cảm xúc và vì thế tranh của em cũng có những đặc biệt rất riêng”, thầy Hải nói.
Tâm sự với chúng tôi, Khang chia sẻ: “Em rất biết ơn các thầy cô trong trường đại học đã giúp em được học bộ môn mà em yêu thích, không chỉ giúp em có được nghề nghiệp mà còn giúp em nâng cao, bù đắp ngôn ngữ của mình bằng ngôn ngữ của hội hoạ”.
Những bức tranh của Khang luôn là những tông màu trầm nhưng không u tối, buồn thảm mà ở đó người xem luôn thấy được những gam màu sáng, sức sống và nghị lực mạnh mẽ.
Một họa sỹ khi đến xem những tác phẩm ảnh của Nguyễn Trọng Khang trưng bày tại triển lãm trường ĐH Mỹ Thuật Việt Nam đã không giấu nổi xúc động, nhận xét: “Bốn bức ảnh chân thực của Nguyễn Trọng Khang khiến tôi nghe thấy được những âm thanh mà em muốn nghe thật thấu đáo: tiếng chổi tre hiện hình như có texture trên mặt toan, tiếng động cơ xe máy ô tô vội vã qua đường tàu, tiếng vang vọng của còi tầu hỏa như từ gần tới xa và cả tiếng im lặng trên mặt đường như từ tâm can lan tỏa ra xa mãi. Với bố cục và lựa chọn motif, Khang đã khiến ảnh chụp truyền đạt được nỗi khát khao được nghe thấy âm thanh của cuộc sống.
Tranh của Khang thể hiện khát khao được nghe những âm thanh bình dị nhất mà những người bình thường sợ phải nghe như: tiếng quét rác, tiếng còi tàu,... và nhiều âm thanh khác...”.
Nhiều người ở tuổi 26 đã có nhiều thành công rực rỡ, với những hoài bão lớn lao nhưng với riêng Nguyễn Trọng Khang hành trình chiến thắng chính bản thân mình, vượt qua sự tự ti, sợ hãi của bản thân chính là thành công ngoạn mục nhất trong đời. Từ gần 2 năm nay hàng tuần Khang vẫn dạy vẽ miễn phí tại nhà cho các em khiếm thính và các em khuyết tật.
Khang bảo, em sẽ cố gắng hoàn thành chương trình đại học, sau đó mở một quán cà phê trưng bày tranh và tuyển những bạn nhân viên có chung hoàn cảnh như mình vào làm việc...
Nhìn nụ cười rạng rỡ, ánh mắt cương quyết và nghị lực ở em, tôi tin chắc Khang sẽ hoàn thành được mục tiêu của cuộc đời mình, cũng như cách mà em đã từng bước vượt qua hành trình gian nan để lắng nghe được những âm thanh của cuộc sống...!