Bạn đọc viết:

Để xóa tiêu cực trong việc phạt vi phạm luật giao thông

(Dân trí) - Xử lý vi phạm là đúng, là cần thiết. Nhưng nếu còn tôn trọng và thương yêu con người thì nên làm việc này nhân văn hơn, nhẹ nhàng hơn, đỡ tốn kém hơn cho người dân và xã hội. Chắc chắn như vậy sẽ có tính giáo dục hơn.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Với tình trạng đường bộ VN hiện nay, tôi dám chắc không tài xế nào lái xe trên đường mà có thể đi đúng luật 100%, nghĩa là không vi phạm! Tôi không phủ nhận trong giới tài xế có một số ít thiếu ý thức, coi thường pháp luật. Nhưng phần lớn họ là  những người lao động chân chính, thượng tôn pháp luật và việc vi phạm đa phần chỉ là vô tình.

 

Nhiều lái xe tá hỏa  khi bị thổi phạt vì không biết vi phạm ở đâu, lỗi gì và vi phạm như thế nào dù đã “đi” rất cẩn thận! Tuy nhiên, theo Luật, vi phạm thì phải bị phạt là đương nhiên và không ai kêu ca về điều đó. Chỉ một điều, điều kinh sợ nhất đối với tài xế chính là việc nộp phạt và lấy lại giấy tờ bị giữ.

 

Việc nộp phạt vi phạm luật giao thông đường bộ (GTĐB) từ trước tới này được thực hiện theo một nguyên tắc bất di bất dịch. Đó là tài xế vi phạm - người nộp phạt chỉ được “quyền” thực hiện quyết định của cảnh sát giao thông (CSGT), mà không có quyền tham gia vào việc thực hiện.

 

Theo đó, tài xế phải đến Cơ quan Công an (CQCA) nơi bị thổi phạt để lấy quyết định phạt, nộp tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước, sau đó trở lại CQCA để lấy giấy tờ bị giữ. Trường hợp lái xe bị lỗi thuộc diện phải giữ Giấy phép lái xe có thời hạn, thì sau chuyến đi nộp phạt, lái xe phải làm thêm một chuyến nữa để lấy Giấy phép lái xe. Với quy định này, việc nộp phạt và lấy lại giấy tờ bị tạm giữ trở thành gánh nặng đối với giới tài xế - những người phải làm việc thường là cực kỳ căng thẳng mà cuộc sống thì không khấm khá gì.

 

Đặc biệt, nếu bị “thổi” ở các địa phương cách xa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn kilômét thì chi phí này là rất lớn, trở thành nỗi kinh hoàng đối với họ. Rủi bị “thổi”, dù chỉ một lần trong tháng là coi như đứt tiền nuôi vợ con. Cách làm “hành” dân này gây bất bình, bức xúc trong giới tài xế. Chính vì vậy, tài xế luôn phải tìm ra “giải pháp tối ưu” và đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nạn tiêu cực, hối lộ, tham nhũng nhức nhối trong lực lượng CSGT, tạo ra đội quân “cò” nộp phạt.

 

Xử lý vi phạm là đúng, là cần thiết. Nhưng nếu còn tôn trọng và thương yêu con người thì nên làm việc này nhân văn hơn, nhẹ nhàng hơn, đỡ tốn kém hơn cho người dân và xã hội. Chắc chắn như vậy sẽ có tính giáo dục hơn.

 

Vì vậy, tôi xin mạo muội đề xuất giải pháp sau đây. Đó là cho phép lái xe được quyền lựa chọn, đề xuất nơi nộp phạt thuận lợi cho họ. Và như vậy, thay vì họ phải đến CQCA  nơi vi phạm để nộp phạt và lấy lại giấy tờ, thì chuyển việc này về CQCA nơi người lái xe đề nghị, mà thường là nơi cư trú để thực hiện.
 
Quy trình được thực hiện tuần tự theo các bước sau đây:

 

1. Khi lập Biên bản vi phạm, CSGT cho phép tài xế được đề xuất nơi thuận tiện để thực hiện việc nộp phạt và lấy lại giấy tờ bị tạm giữ (Phòng CSGT tỉnh, thành phố, hoặc Công an Huyện, hoặc Trạm CSGT đường bộ tại các địa phương, sau đây được gọi là CQCA thực hiện). Cơ quan này được ghi vào Biên bản vi phạm.

 

2. Căn cứ Biên bản vi phạm, Cơ quan CSGT nơi vi phạm ra Quyết định xử lý vi phạm hành chính, trong đó ghi rõ mức phạt.

 

3. Cơ quan CSGT nơi vi phạm chuyển cho CQCA thực hiện các tài liệu gồm: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Biên bản vi phạm (bản sao) và giấy tờ tạm giữ của tài xế. (Việc này được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng bằng hệ thống chuyển phát nhanh của Bưu, điện với giá khoảng 20.000 đồng/bì với thời gian khoảng 1 – 4 ngày tùy khu vực).

 

4. Đến ngày quy định (được ghi trong Biên bản), tài xế đến cơ quan công an thực hiện để trình nộp Biên bản, lấy Quyết định xử phạt, nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước, lấy lại giấy tờ bị giữ. Trường hợp phải giữ Giấy phép lái xe có thời hạn thì người tài xế sẽ phải quay lại lần nữa để lấy Giấy phép lái xe.

 

5. Kết quả xử lý, việc trích chuyển tiền phạt được thực hiện giữa CQCA xử phạt, CQCA thực hiện và Kho bạc Nhà nước với nhau. Như vậy, cơ quan CSGT xử phạt chỉ phải làm thêm một việc - đó là chuyển hồ sơ, theo dõi, đối chiếu tiền xử phạt ở các tỉnh khác ngoài địa phương mình.

 

Giải pháp này mang lại cho người dân và xã hội lợi ích đáng kể: Đối với tài xế, sẽ giảm  được chi phí, thời gian đi lại và những bức xúc gây ra từ đó. Xã hội cũng bớt căng thẳng vì giảm được lượng người lưu thông trên đường. Đối với CQCA, giảm khó khăn cho tài xế chính là giúp triệt tiêu nguyên nhân sâu xa mà từ đó gây ra nạn tiêu cực, hối lộ, tham nhũng nhức nhối xảy ra giữa tài xế và CSGT và tạo ra đội quân “cò” nộp phạt. Giảm bức xúc, căng thẳng cho người tài xế sẽ giúp họ tỉnh táo, tự tin trong vận hành để từ đó giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn.

 

Ngoài ra, việc chuyển về CQCA nơi cư trú cũng góp phần giáo dục tài xế và người thân của họ trong việc thực hiện Luật giao thông, để từ đó giảm khả năng vi phạm trong tương lai.

 

Với chiều dài của nước ta, việc nộp phạt và lấy giấy tờ tốn bình quân khoảng 2 triệu đồng/vụ. Vậy với số lượng người vi phạm phải nộp phạt hàng năm, khi thực hiện phương án này, sẽ tiết kiệm cho người dân và xã hội một khoản tiền không lồ. Có thể CSGT vất vả hơn một chút, nhưng nếu thực sự vì dân thì chẳng có lý gì mà không làm cả! Với điều kiện và khả năng công nghệ hiện nay, việc này không có gì là khó!

 

Có lẽ, nội dung tôi đề xuất lúc này xem ra không thật đúng lúc, khi mà cả nước vừa làm lễ tưởng niệm những người tử nạn vì tai nạn giao thông, đang tập trung quyết tâm để giảm tai nạn giao thông bằng việc Chính phủ ban hành Nghị định 71/NĐ-CP nâng mức xử phạt đối với tài xế vi phạm. Nhưng nếu xét kỹ, ở cả góc độ tâm lý, nhân văn và pháp luật thì việc này tự nó cũng sẽ thực sự góp phần làm giảm tai nạn giao thông.

 

Hiện nay, việc đăng kiểm xe ô tô đã có thể thực hiện tại bất kỳ trạm Đăng kiểm nào; việc rút tiền bằng ATM cũng có thể thực hiện tại bất kỳ địa phương nào … Vậy thì tại sao không thể nộp phạt vi phạm luật giao thông tại nơi thuận tiện cho người dân?

 

Đề xuất này, nếu được lắng nghe và thực hiện, tôi tin có thể áp dụng cho việc nộp phạt vi phạm hành chính trong tất cả các lĩnh vực khác. Hiệu quả đối với người dân và xã hội sẽ to lớn biết nhường nào! Vậy có nên chăng?

 

Phạm Hữu Khánh (từ Nha Trang)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm